Tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên đất lúa đang được xem là giải pháp phát huy hết tiềm năng, lợi thế đất nông nghiệp của địa phương. Những năm qua, xã Dũng Tiến đã khắc phục tình trạng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún tập trung đưa các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững cho người dân.
Kết quả nổi bật
Xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm qua Đảng bộ, chính quyền xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng đã tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất nông nghiệp, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xây dựng những mô hình mới và chủ động đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề thương mại, dịch vụ.
Đảng bộ, chính quyền xã Dũng Tiến xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
Với những cách làm sáng tạo, hợp lòng dân xã Dũng Tiến đã đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm 2023, giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản của xã Dũng Tiến ước đạt 195.100 triệu đồng tăng 3% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực trồng trọt, xã Dũng Tiến tiếp tục đưa các giống cây trồng có năng xuất, chất lượng, thực hiện đúng lịch thời vụ, đồng thời tích cực ứng dụng KHKT vào sản xuất. Năm 2023 diện tích gieo cấy vụ chiêm xuân 318 ha, năng suất 72,1 tạ/ha, sản lượng 2.292 tấn. Diện tích gieo cấy vụ mùa 417 ha, năng suất đạt 63,1 tạ/ha, sản lượng 2.650 tấn.
Cây ớt được xem là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Dũng Tiến.
Diện tích cây rau màu và các loại cây trồng khác: Cây ngô diện tích 60 ha, sản lượng 300 tấn; cây khoai lang diện tích 10 ha, sản lượng 110 tấn; khoai tây diện tích 20 ha, sản lượng 220 tấn; cây ớt diện tích 70 ha, sản lượng 1.890 tấn; cây cà chua diện tích 15 ha, sản lượng 450 tấn; đậu đỗ các loại diện tích 21 ha, sản lượng 630 tấn; rau quả các loại 195 ha, sản lượng 4875 tấn; thuốc lào 70 ha, sản lượng 112 tấn. Giá trị sản xuất ước đạt 94.500 triệu đồng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi - thuỷ sản, được nhân dân trong xã tích cực ứng dụng KHKT, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo hướng trang trại vừa và nhỏ. Trong năm tổng đàn lợn của xã là 5.000 con, đạt 111% KH năm; đàn bò 190 con; đàn trâu 45 con; đàn gia cầm 120 nghìn con. Diện tích nuôi trồng thủy sản 40.6 ha; sản lượng 251 tấn.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi đúng và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Dũng Tiến. Đây là tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện tốt việc phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp nông dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới.
Nhân dân xã khơi thông dòng chảy, diệt chuột để bảo vệ lúa.
Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp tập trung sản xuất, gia công và kinh doanh dịch vụ một số ngành nghề như: nghề cơ khí, nề, mộc dân dụng, thức ăn gia súc, xay xát gạo, vật liệu xây dựng... Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 167.215 triệu đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Thương mại - dịch vụ ước đạt 158.678 triệu đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Nhờ đó, kinh tế xã Dũng Tiến phát triển đa dạng, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 70,2 triệu đồng/người/năm.
Nỗ lực phát triển kinh tế bền vững
Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội của xã cũng có nhiều tiến bộ. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo tiếp tục đổi mới, phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân và phòng chống các loại dịch bệnh được triển khai thực hiện tốt. Hoạt động văn hóa thông tin, thể dục thể thao có bước phát triển vững chắc, toàn diện. Tình hình an ninh quốc phòng - trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
Phong trào văn hoá, thể dục, thể thao được xã Dũng Tiến quan tâm.
Việc trợ cấp, thăm hỏi và tặng quà cho các đối tượng người có công với cách mạng, gia đình chính sách, người nghèo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Trong năm đã xét duyệt cho 42 trường hợp trong đó khuyết tật đặc biệt nặng là 7 nặng 26 được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Số hộ nghèo giảm còn 17 hộ bằng 0.54% cận nghèo 75 hộ bằng 2,37%.
Năm 2023 khép lại, tuy vẫn còn nhiều hạn chế như: Thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiến độ còn chậm, hiệu quả kinh tế chưa cao; chuyển đổi cây trồng con vật nuôi chưa mạnh, diện tích cây vụ đông, vụ xuân còn ít; phát triển vùng sản xuất hàng hoá tập trung, hiệu quả chưa cao. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm thấp…
Năm 2023, tình hình an ninh quốc phòng - trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
Xong bước sang năm 2024 Đảng bộ, chính quyền xã Dũng Tiến chung sức, chung lòng nỗ lực phát triển kinh tế địa phương bền vững. Quyết tâm thực hiện tốt chủ đề năm của xã là “Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính - Quản lý đất đai - Xây dựng nông thôn mới Nâng cao”.
Để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2024 ông Phạm Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng cho biết: “Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền xã Dũng Tiến tiếp tục thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đồng thời, tập trung cao thực hiện giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Dũng Tiến và triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025”.
Bên cạnh đó, xã cũng đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng giảm nhanh tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Vietgap; vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn OCOP và tương đương. Mở rộng thu hút đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, thương mại - dịch vụ, tạo cơ sở đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã; Phấn đấu giá trị sản xuất trên địa bàn tăng từ 14-15%.
Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường kỷ luật, kỷ cương công vụ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, năng lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền. Thực hiện tốt công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số… Phấn đấu giữ vững xã đứng tốp đầu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Bảo, góp phần thúc đẩy kinh tế cho nhân dân địa phương./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.