Đến thăm HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật tại xã Thạch Hạ (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) sau hơn 10 phút đi xe. Tại đây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Hữu Quyền (SN 1983, xã Thạch Hạ) tay chân lấm đầy bùn đất đang sửa sang các hạng mục công trình, chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Biến đất hoang thành mô hình tuần hoàn “3 trong 1”
Tại xã Thạch Hạ, xuất hiện khu vườn hoa giữa cánh đồng lúa; phía dưới ruộng lúa là mô hình nuôi cá, tôm càng xanh kết hợp du lịch sinh thái đẹp như tranh, khiến du khách thích thú, ùn ùn kéo nhau đến check in. Đây là mô hình thí điểm phát triển kinh tế du lịch kết hợp nông nghiệp sinh thái đầu tiên ở địa phương này.
Từ vùng sâu trũng, không mang lại nhiều giá trị sản xuất, bằng sự linh hoạt, táo bạo, anh Nguyễn Hữu Quyền đã mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, cải tạo cảnh quan môi trường, hướng đến khai thác dịch vụ du lịch sinh thái, góp phần cùng thành phố thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Anh Nguyễn Hữu Quyền.
Anh Quyền chia sẻ: “Từng là Giám đốc của công ty xây dựng nên khi tôi trở thành nông dân, nhiều người ngỡ ngàng, hoài nghi. Nhưng không vì thế mà nản lòng, tôi chọn con đường chinh phục nông nghiệp sạch. Sau nhiều đêm dài suy nghĩ, tôi quyết định xây dựng mô hình nông nghiệp “3 trong 1”, vừa sản xuất lúa hữu cơ, nuôi trồng các loại thủy sản, vừa mở các dịch vụ theo hướng sinh thái”.
Nhận thấy ở địa phương nhiều người dần bỏ hoang đồng ruộng do trồng lúa lúc được, lúc mất, anh quyết tâm “bắt đất cằn nở hoa”. Từ cuối năm 2021, anh Quyền quy hoạch vùng sản xuất hơn 5 ha theo cánh đồng tích tụ, huy động toàn bộ vốn liếng tích góp và vay mượn hơn 700 triệu đồng để đầu tư, thuê máy móc, phá bờ vùng, bờ thửa để quy hoạch vùng sản xuất tập trung hữu cơ, nuôi cá.
Vụ đầu tiên, anh chọn giống lúa ST25 để trồng, thả trên 6 vạn cá chạch, 3 vạn tôm càng xanh và trên 2 vạn cá các loại (cá rô, cá điêu hồng, cá trắm đen). Mô hình hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc BVTV hóa học, phân bón vô cơ. Vì thế, lúa sinh trưởng khá khỏe, cá, tôm, chạch đều phát triển nhanh.
“Rẽ ngang sang nông nghiệp khó trăm bề. Sản xuất hữu cơ bắt buộc phải theo một quy trình khác xa với cách cũ. Cày ải phải tốn công nhiều hơn để đất tơi xốp. Ruộng chỉ được phép phun thuốc sinh học, bón phân hữu cơ vi sinh, dùng các chế phẩm sinh học trừ sâu bệnh. Mới đầu chỉ nghĩ trồng để thử nghiệm, vì làm lúa hữu cơ chưa biết năng suất, chất lượng bằng lúa kiểu cũ hay không. Nếu chúng tôi không quyết tâm thì có lẽ đã bỏ cuộc từ lâu”, anh Quyền bộc bạch.
Không chỉ trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, anh Quyền cùng bà con xã viên còn trồng hoa, xây dựng các loại hình dịch vụ để sẵn sàng phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Anh chia sẻ: “Làng lúa, làng hoa là ý tưởng mà tôi muốn hướng đến. Đây là một điểm nhấn cảnh quan tạo sức hút, phát triển du lịch nông thôn”.
Đất cằn nở hoa
Theo tính toán của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật, ngay vụ đầu tiên, mô hình nông nghiệp tuần hoàn “3 trong 1” ước cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Với số tiền này, phân nửa là chi phí đầu tư.
Với những lợi thế về nông nghiệp và du lịch, mô hình nông nghiệp tuần hoàn “3 trong 1” ở thôn Liên Nhật đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Cụ thể, năng suất lúa đạt gần 5 tấn/ha; sản lượng thủy sản các loại khoảng 40 tấn. Riêng cá rô phi, thời điểm này đang chính vụ thu hoạch, mỗi ngày HTX xuất bán khoảng 40kg cá với giá bán tại ruộng 70.000 đồng/kg, cao hơn cá nuôi truyền thống 20.000 đồng/kg.
“Chứng kiến từng diện tích ruộng manh mún, bờ thấp, bờ cao được san ủi bằng phẳng, mùa vàng thẳng cánh cò bay; tôm, cá sinh trưởng và phát triển tốt, tôi vừa phấn khởi vừa hy vọng. So với lúa thường, lúa hữu cơ cho lãi gần gấp đôi. Quý nhất là sức khỏe của bà con không bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học và môi trường đồng ruộng được trong lành. Người dân TP. Hà Tĩnh và các vùng lân cận được trải nghiệm và tận mắt chứng kiến mô hình canh tác lúa - cá, tôm”, anh Quyền xúc động nói.
Dưới ruộng lúa nuôi cá, tôm càng xanh, trên bờ trồng hoa.
Theo anh Quyền, mô hình còn giúp 9 thành viên HTX (HTX thành lập tháng 4/2021) không chỉ thay đổi tư duy sản xuất từ canh tác theo lối truyền thống sang canh tác theo phương thức hữu cơ, các hộ dân có trách nhiệm hơn trong sản xuất; tích cực chia sẻ kinh nghiệm, kĩ thuật chăm sóc, không chỉ ở những buổi sinh hoạt nhóm mà họ chia sẻ với nhau ngay tại đồng ruộng.
Anh Quyền chia sẻ: “Muốn sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nhất định phải tạo thành vòng tuần hoàn mới hiệu quả. Theo đó, phù du từ trồng lúa sẽ tạo thành thức ăn cho cá, ngược lại, phân cá trở thành phân bón cho lúa; sử dụng cá để diệt trừ thiên địch hại lúa… Rẽ hướng vào sản xuất nông nghiệp từ nghề xây dựng, tôi thực sự có niềm đam mê mới - nông nghiệp sạch. Và đúng là lao động tạo ra con người, càng bắt tay vào làm thì trí tuệ của tôi càng được kích hoạt, càng có nhiều ý tưởng, nhiều hoài bão và kế hoạch mới. Việc hướng tới nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao cần có thời gian, không thể ngày một ngày hai mà thành công ngay được. Bởi, đó là một quá trình để người sản xuất có đủ điều kiện hướng tới và người tiêu dùng đủ hiểu để có thể tự đưa ra lựa chọn sản phẩm. Trong quá trình phát triển mô hình, tôi và các thành viên HTX được tạo mọi điều kiện thụ hưởng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, tích tụ ruộng đất của TP. Hà Tĩnh”.
Ông Nguyễn Sông Hàn, Chủ tịch UBND xã Thạch Hạ, đánh giá: “Anh Nguyễn Hữu Quyền là một trong những nhân tố tiêu biểu, góp phần thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình tích tụ ruộng đất, hình thành chuyên canh sản xuất quy mô lớn, phát triển kinh tế địa phương. Nhiều du khách ưa chuộng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn bởi chi phí phù hợp lại được hòa mình vào không gian trong lành, bình yên. Càng vui hơn khi những hoạt động này giúp nâng cao thu nhập cho lao động địa phương. Đây chính là con đường mới, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp xanh hiện nay. Thời gian tới, UBND xã Thạch Hạ sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng anh Quyền về vốn vay, chuyển giao khoa học kĩ thuật để HTX phát triển xứng với tiềm năng và lợi thế”.
“Đến nay, sản phẩm của HTX đã tìm được chỗ đứng trên thị trường. Lúa hữu cơ được thu mua ngay trên đồng ruộng. Thôn trang Liên Nhật được nhiều du khách tìm đến. Mong muốn tạo điểm nhấn trong bức tranh nông nghiệp đô thị của tôi dần trở thành hiện thực. Và điều quan trọng hơn là, tôi đã góp phần giúp người dân thay đổi tư duy, xóa bỏ tư tưởng lạc hậu trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục thử nghiệm những ý tưởng mới, có tính đột phá hơn”, anh Quyền cho hay.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.