Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 12 năm 2022 | 15:53

HLV Hà Giang: Cải tạo vườn tạp nâng cao thu nhập hội viên

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 01/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang đã tập trung vận động, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình, vừa góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hội viên, nông dân, vừa đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống.

Những mô hình VAC hiệu quả

Hà Giang có diện tích tự nhiên 7.884km2; dân số trên 887.000 người, trong đó trên 80% là nông dân; địa hình có nhiều núi cao, sông suối, độ dốc lớn hình thành nhiều vùng tự nhiên đa dạng khí hậu có thể nuôi trồng nhiều loại cây, con, phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại, có điều kiện tốt cho sản xuất nông sản hàng hoá.

Toàn tỉnh hiện có trên 146.000 hộ nông dân với khoảng 420.000 lao động, hầu hết  đều làm kinh tế vườn, ao, chăn nuôi (VAC). Hộ nông dân ở các huyện vùng cao chủ yếu làm kinh tế vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm (VC), gồm trồng cây lương thực, rau đậu; nhiều hộ đã và đang trồng dược liệu, phát triển trồng cỏ, nuôi lợn, gia cầm, chăn nuôi bò. Hộ nông dân vùng thấp làm kinh tế tổng hợp vườn, ao, chăn nuôi và trồng rừng (VACR) gồm: trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi cá, trồng rừng. Có thể nói, kinh tế VAC đã và đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong sản xuất nông nghiệp của hộ nông dân, mang lại nguồn thu cơ bản, bền vững.

Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang hướng dẫn hội viên ủ phân hữu cơ bằng công nghệ vi sinh.

Thông qua phong trào Thi đua làm vườn giỏi, Hội đã vận động hội viên khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, sức lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư vốn mở rộng sản xuất theo mô hình canh tác vườn, ao, chuồng, trang trại, kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, trồng cây ăn quả, trồng rừng, thực hiện chuyên canh và thâm canh, sản xuất VAC hàng hóa.

Điển hình trong phong trào Thi đua làm vườn giỏi là hộ ông Phạm Quang Lân, Chi hội trưởng Chi hội Làm vườn thôn Vĩnh Chính (xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang), tiên phong phát triển cây có múi như:  cam sành 8ha; cam Vinh 1ha; cam đường Canh 0,5ha; bưởi da xanh, bưởi Diễn  0,5ha; thực hành biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP trong chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, có thu nhập trên 1,5 tỷ đồng/năm.

Ông Lân cho biết, từ phong trào của Hội, nhiều gia đình hội viên đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tất cả hội viên của Chi hội đều có thu nhập cao từ VAC. Bên cạnh đó, trên 200 lượt hộ nghèo được các hộ sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cho vay vốn không tính lãi để nuôi trâu, bò sinh sản, giúp giống cây trồng..., nhờ đó đã vươn lên thoát nghèo và có thu nhập ổn định, góp phần thiết thực vào công tác xoá đói giảm nghèo của huyện Bắc Quang.

Hay ông Sùng Diu Sì (dân tộc Mông, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc), với mô hình trồng cam sành, nhãn lồng kết hợp nuôi cá, hàng năm có thu nhập trên 1,4 tỷ đồng, trong đó từ nhãn lồng 300 triệu đồng.

Ông Sì đã giúp trên 20 hộ hơn 1.000 cành giống, cây giống trị giá 13 triệu đồng và tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đặc biệt, đình gia đình ông tạo việc làm ổn định cho 8 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 30 triệu đồng/người/năm; thời điểm vụ mùa, tạo việc làm cho 30 lao động. Năm 2018, ông Sùng Diu Sì vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Hộ ông Phan Thế Độ (thôn Tự Lập, thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang) từ trồng chè, chế biến theo mô hình thủ công, nay áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăm sóc thâm canh chè cho năng suất cao, chất lượng tốt, đầu tư trang thiết bị tạo ra sản phẩm có thương hiệu riêng - chè Shan tuyết công phu Độ Khoa. Mô hình VAC đã cho gia đình ông thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm.

Hộ ông Trịnh Quốc Huy (thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên) đầu tư xây dựng khu chăn nuôi lợn quy mô hàng trăm nái sinh sản, ứng dụng thành công giải pháp kỹ thuật vào chăn nuôi, hàng năm xuất chuồng 3.000 con lợn giống, gần 700 tấn lợn thịt, thu nhập 2,5-3 tỷ đồng/năm...

Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật

Theo ông Nguyễn Văn Tự, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang, thời gian qua, Hội tập trung xây dựng, củng cố tổ chức vững mạnh, chú trọng ở cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn); thành lập thêm Chi hội, Câu lạc bộ làm vườn gắn với nhóm hội viên chuyên nuôi trồng loại cây, con. Tổ chức sinh hoạt Hội định kỳ; cơ sở Hội và chi hội, câu lạc bộ họp hàng quý; Ban chấp hành Hội Làm vườn huyện, thành phố và Hội Làm vườn tỉnh họp 2 kỳ/năm. Ngoài ra, các cấp Hội có thể họp đột xuất khi có nhu cầu.

Hội thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến hội viên về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế hộ, kinh tế VAC, kinh tế trang trại, sản xuất nông sản hàng hóa; phát triển sản xuất VAC an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.  Vận động, hướng dẫn hội viên chú trọng phát triển các loại cây, con truyền thống, tạo ra sản phẩm đặc hữu của VAC Hà Giang, kết hợp với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ rộng mở... 

Các cấp Hội đã chủ động và phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho hội viên  và chủ trang trại ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, thực hành “sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, “nông nghiệp tuần hoàn”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vi sinh vào sản xuất VAC.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh vận động, hướng dẫn hội viên cải tạo vườn tạp đảm bảo chất lượng, đạt hiệu quả; chú trọng hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi sau cải tạo vườn tạp. Vận động hội viên xây dựng “ vườn mẫu” đạt các tiêu chí quy định.

Đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống

Ngày 1/12/2020, Tỉnh uỷ Hà Giang ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về Đề án cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây là Đề án lớn mang tầm chiến lược. Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã nhận được sự đồng thuận của người dân, tạo thành phong trào sâu rộng xuống tận các thôn, xóm, bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Tự, sau hai năm thực hiện Nghị quyết 05, bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi giữa các hộ gia đình, thôn, xã, trở thành nội dung cốt lõi của phong trào “Thi đua làm vườn giỏi” hàng năm do Hội phát động.

Qua đó, Hội Làm vườn các huyện, thành phố, mỗi đơn vị đã vận động hội viên cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn. Trong đó có nhiều hộ ở 2 huyện Mèo Vạc và Đồng Văn cải tạo vườn bằng xếp đá đổ đất trồng cây.

Thời gian tới, bên cạnh tuyên truyền cho hội viên thực hiện cải tạo vườn tạp, Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và các ngành liên quan đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho hội viên, nông dân, tạo điều kiện giúp bà con tiếp cận vốn vay đầu tư cải tạo vườn theo hướng thâm canh tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Chia sẻ về cách triển khai Nghị quyết 05 của Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh, khẳng định: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là “không nóng vội, không thành tích, dễ làm trước, khó làm sau”. Để làm tốt điều này, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Không phô trương, hình thức để bảo đảm tính bền vững, lâu dài. Đặc biệt, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, sâu sát việc triển khai tại cơ sở với phương châm đến từng nhà, vào từng vườn để cùng làm với nhân dân.

Đại hội đại biểu Hội Làm vườn tỉnh Hà Giang lần thứ IV nhiệm kỳ 2022 - 2027 sẽ phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức Hội và hội viên trong phát triển kinh tế VAC, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của Hội và đẩy mạnh phong trào Thi đua  làm vườn giỏi, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Duy trì và củng cố tổ chức 193/193 Hội Làm vườn xã, phường, thị trấn; xây dựng thêm chi hội, câu lạc bộ làm vườn của nhóm hộ hội viên chuyên canh về về loại cây trồng, vật nuôi. Kết nạp, phát triển hội viên đạt trên 12.000 Hội viên.

Đẩy mạnh phong trào Thi đua làm vườn giỏi sôi nổi, rộng khắp trong hội viên, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có trên 2.500 hộ hội viên đạt danh hiệu làm vườn giỏi.

Xây dựng thêm trên 200 mô hình VAC theo nội dung “Vườn an toàn và hiệu quả”; phấn đấu mỗi cơ sở Hội (xã, phường, thị trấn) xây dựng 1-2 mô hình; Hội Làm vườn huyện, thành phố xây dựng trên 10 mô hình; Hội Làm vườn tỉnh xây dựng 10 mô hình. Các cấp Hội hàng năm tổ chức cho trên 200 lượt hội viên tham  quan mô hình làm kinh tế VAC, trang trại đạt hiệu quả ở trong và ngoài tỉnh.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top