Từ đôi bàn tay trắng, chọn sản xuất nông nghiệp làm kế sinh nhai, phát triển kinh tế gia đình, đến lúc hái quả ngọt thì thiên tai ập đến hai lần, khiến anh Trần Văn Thiện mất trắng hàng trăm triệu đồng.
Song, với khao khát và ý chí mạnh mẽ thoát nghèo, anh Thiện đã kiên trì vực dậy trang trại gà trên đồng đất quê hương, mỗi năm thu về cả nửa tỷ đồng.
Hai lần kiệt quệ vì thiên tai
Chúng tôi tìm đến trang trại gà của anh Trần Văn Thiện ở thôn Mỹ Ngự, một trong những trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn xã Tự Cường (Tiên Lãng, TP. Hải Phòng). Chủ trại gà là tấm gương về nghị lực vượt khó vươn lên ở địa phương.
Trong khuôn viên trang trại rộng hàng nghìn mét vuông, nhâm nhi chén trà nóng giữa tiết Thu mát mẻ, anh Thiện chậm rãi kể lại với phóng viên Kinh tế nông thôn về quá trình gây dựng trang trại của mình.
Anh Thiện kiểm tra sức khoẻ của đàn gà con mới vào chuồng được 5 ngày tuổi.
Anh Thiện chia sẻ, năm 2007, trên khu đất nông nghiệp của gia đình, anh chuyển đổi sang trồng dưa hấu. Gia đình anh cũng là một trong số ít những hộ dân trong xã năm đó chuyển đổi canh tác. Sau 2 năm vất vả sớm hôm bên ruộng dưa, bị chuột tàn phá, hiệu quả kinh tế mang lại là rất thấp, anh chuyển sang chăn nuôi lợn, bò… Dù vậy, công việc chăn nuôi không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đầu ra bấp bênh, lãi lỗ theo giá thị trường.
Anh dần chuyển sang xây dựng trang trại gà khép kín với diện tích 750m2. Đầu năm 2012, anh bắt đầu nuôi 8.000 con gà và ký hợp đồng liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam để ổn định thị trường tiêu thụ, tăng thu nhập.
“Trong quá trình chăn nuôi gà, chắc cả đời tôi không quên được ký ức về hai lần thiên tai ập đến khiến trang trại của tôi thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhớ mãi cơn bão năm 2012 đổ bộ trực tiếp vào Hải Phòng, khiến gia đình trở tay không kịp. Trại gà bị tốc mái, nước mưa ồ ạt dội xuống chuồng khiến gà đang nuôi được hơn 1 tháng tuổi bị chết khoảng 1.000 con. Nhiều thiết bị chuồng trại hư hỏng, thiệt hại về kinh tế khoảng 40 triệu đồng.
Tiếp sau trận đó, đúng 15 giờ ngày 25/8/2015, sét đánh thiêu rụi cả trang trại gà của gia đình. Lúc đó tôi vừa dọn vệ sinh trong chuồng xong, thấy có hạt mưa nên ra ngoài dọn đồ vào. Vừa ngồi vào bàn uống nước, thấy có sấm, sét, còn nghĩ trong đầu “quả này sét đánh vào nhà nào thì chết”, nhưng vừa quay lại sau lưng thì thấy trại gà nhà mình khói bốc lên. Lúc đó vội xách 3 thùng nước vào thì ngọn lửa đã cháy hết nửa trại nên đành nhìn ngọn lửa thiêu rụi cả trang trại. Cũng may, lúc đó trong trại không có gà, nhưng tài sản thì mất khoảng 300 triệu đồng”, anh Thiện kể về hai lần bị thiên tai tàn phá trang trại.
Sau hai lần thiên tai ập đến, thiệt hại kinh tế đối với gia đình anh Thiện là rất lớn, song với quyết tâm vực dậy kinh tế, làm lại trang trại, anh đã vay mượn từ người thân, bạn bè để cải tạo lại trang trại. Từ đó đến nay, việc chăn nuôi của gia đình anh khá thuận lợi. Đáng mừng nhất là thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gà của gia đình anh vẫn tiêu thụ bình thường.
Thu lãi nửa tỷ đồng/năm
Theo anh Thiện, cùng với kinh nghiệm chăn nuôi và vốn kiến thức tích luỹ, nhận thấy gà Ri là giống ít bệnh, thịt dai, thơm ngon nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2017, gia đình chuyển qua nuôi giống gà này và ký hợp đồng liên kết chăn nuôi với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star.
Tham gia vào chuỗi sản xuất nuôi gà thịt gà của Golden Star, người chăn nuôi phải tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật. Về giống, công ty lựa chọn giống gà có chất lượng thịt ngon nhất hiện nay.
Về kỹ thuật, gà nuôi theo chuỗi sản xuất được cán bộ kỹ thuật của công ty theo dõi đầu vào từ thức ăn, nước uống và thuốc thú y. Thành phần thức ăn không có hóa chất và thuốc kháng sinh. Trong quá trình nuôi, nếu có khó khăn về kỹ thuật, công ty sẽ cử cán bộ về tận nơi xem xét và xử lý kịp thời.
Anh Trần Văn Thiện nuôi 100 tổ ong, cho nguồn thu ổn định hàng năm.
3.000 con ếch được anh Thiện nuôi tại con mương trước của nhà, nước ra nước vào nên đàn ếch lúc nào nhìn cũng sạch sẽ, anh bán ra thị trường với giá 80.000 đồng/kg.
Những chú hươu lúc nào cũng cảnh giác khi có người lạ ghé thăm vườn.
Theo anh Thiện, ưu điểm của việc liên kết trong chăn nuôi với Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Golden Star giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm, yên tâm về chất lượng thức ăn chăn nuôi… Nuôi gà Ri vất vả nhất khi gà từ 1 đến 21 ngày tuổi, đây là thời điểm bộ lông còn mỏng, chưa hoàn thiện, do đó, sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều từ nhiệt độ môi trường, có thể gây bệnh hoặc chết. Hệ hô hấp và tiêu hóa chưa hoàn thiện, sức đề kháng thấp dẫn đến gà dễ mắc bệnh, làm tỉ lệ sống thấp. Do vậy, cần phải tuân thủ các quy trình kỹ thuật “úm gà” con để có chất lượng con giống tốt nhất.
“Gà sau đó được nuôi trong chuồng kín, hệ thống cho ăn tự động. Khi gà được 90 - 100 ngày tuổi, trọng lượng khoảng 2,6kg/con thì xuất bán. Mỗi lứa anh nuôi 7.000 con, mỗi năm 3 lứa, cho thu nhập khoảng 350 triệu đồng/năm”, anh Thiện vui vẻ chia sẻ.
Từ số vốn gia đình tích cóp trong chăn nuôi gà, để mở rộng quy mô chăn nuôi, anh Thiện đầu tư nuôi thêm 6 con hươu, 5 con nhím, 100 tổ ong, 3.000 con ếch và 2 mẫu rươi (1 mẫu rươi = 3.600m2). Mô hình chăn nuôi của gia đình cho doanh thu 1,1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, thu lãi 500 triệu đồng/năm.
Hiệu quả kinh tế mang lại từ trang trại của gia đình anh Trần Văn Thiện đã giúp người chăn nuôi thay đổi cách làm, chuyển từ nuôi gà truyền thống, nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng liên kết, giải quyết được khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc liên kết trong chăn nuôi cũng là động lực để phát triển kinh tế nông thôn, về lâu dài còn là nền tảng cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.