Những năm gần đây, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương của huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) tập trung hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Xử, Phó Chủ tịch UBND xã Thăng Phước, cho biết, theo lộ trình ban đầu, năm 2025 địa phương sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tuy nhiên, cán bộ và Nhân dân Thăng Phước quyết tâm phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024 này, trước 1 năm so với kế hoạch.
Theo ông Xử, để hoàn thành tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều trong bộ 19 tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, thời gian qua, chính quyền địa phương tích cực quan tâm hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, xem đây là hướng mũi nhọn.
“Bên cạnh tập trung đầu tư nhiều khâu để nâng cao năng suất lúa, nhân rộng các mô hình kinh tế vườn và trồng rừng nguyên liệu thì mấy năm gần đây Thăng Phước đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực chăn nuôi nhằm giúp các hộ dân tăng thêm thu nhập”, ông Xử nói.
Người dân Hiệp Đức đầu tư phát triển chăn nuôi bò lai thâm canh theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh. Ảnh: P.Đ
Ông Xử cho hay, trong chăn nuôi, người dân Thăng Phước đầu tư phát triển mô hình nuôi bò lai và heo thịt thương phẩm theo hướng tập trung, an toàn dịch bệnh.
Hiện tại, cả xã có khoảng 30 hộ nuôi bò lai, 10 hộ nuôi heo thịt với quy mô vừa và lớn. Bình quân mỗi năm, 1 mô hình cho thu nhập 50-160 triệu đồng, tùy theo số lượng thả nuôi.
Ông Lê Văn Bảy, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT Hiệp Đức, cho biết, năm 2023, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi của huyện Hiệp Đức đạt hơn 102,2 tỷ đồng, tăng khoảng 3,36% so với năm 2022. Kết quả này có được là nhờ thời gian qua lĩnh vực chăn nuôi của huyện phát triển khá và ổn định.
Toàn huyện hiện có 1.505 con trâu, 8.774 con bò, 11.003 con heo và 153.008 con gia cầm các loại. Đáng chú ý, nhờ UBND huyện quan tâm chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát thường xuyên về an toàn dịch bệnh, công tác tiêm phòng vắc xin, vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng… nên ít xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Những năm gần đây, nhờ tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi và được tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi - thú y nên người dân Hiệp Đức có điều kiện đầu tư phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại.
Tính đến cuối tháng 2/2024, trên địa bàn huyện có khoảng 60 gia trại nuôi bò lai thâm canh với số lượng 5-15 con/mô hình, bình quân thu nhập 50-150 triệu đồng/mô hình/năm. Bên cạnh đó, Hiệp Đức có khoảng 50 gia trại nuôi heo thịt thương phẩm với số lượng từ 30 con/lứa/mô hình, bình quân thu nhập 40-100 triệu đồng/mô hình/năm.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.