Những năm qua, huyện U Minh (Cà Mau) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tận dụng, khai thác tốt tiềm năng đất đai, đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, đất trống xung quanh nhà, bờ bao, sân vườn để đưa vào trồng cây ăn trái, hoa màu, nuôi cá đồng, chăn nuôi heo, gà, vịt… nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và thoát nghèo theo hướng bền vững.
Qua phát động, nhiều hộ đã tích cực hưởng ứng phong trào và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình cải tạo vườn tạp để đưa vào sản xuất của chị Nguyễn Hồng Hạnh, ở ấp 16, xã Khánh An là một điển hình.
Chị Hạnh cải tạo vườn tạp đưa vào trồng củ lùn.
Gia đình chị Hạnh có 4 nhân khẩu, không có đất trồng lúa, chỉ có 4 công (1 công = 1.000m2) vườn. 10 năm trở về trước, trên phần đất vườn của gia đình, chị trồng nhiều cây ăn trái như ổi, xoài, mít, sapôchê (hồng xiêm)… nhưng hiệu quả không cao. Những năm trúng mùa thì khó tìm đầu ra, giá cả bấp bênh. Những năm được giá thì cây trái lại mất mùa nên thu nhập thấp, cuộc sống gia đình lúc nào cũng khó khăn, túng thiếu.
Chán nản với mô hình sản xuất kém hiệu quả của gia đình, vợ chồng chị Hạnh bỏ mặc vườn cây ăn trái, không quan tâm chăm sóc, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều cây ăn trái bị sâu bọ cắn phá, gây hại và đã chết dần. Thế là vợ chồng chị Hạnh lại tiếp tục vào rừng đi cắt cây tràm mướn để có tiền nhằm trang trải cuộc sống. Nhưng tiền đi cắt tràm mướn cũng không được bao nhiêu và không có nguồn thu nhập nào khác nên cuộc sống của gia đình chị Hạnh cũng tiếp tục lâm vào cảnh khó khăn, túng quẫn.
Sau một thời gian dài trăn trở và nhất là sau khi được Chi hội nông dân, Chi hội phụ nữ ấp 16, xã Khánh An tuyên truyền, phát động trong hội viên nông dân, phụ nữ đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, đất trống xung quanh nhà, sân vườn, bờ bao, bờ liếp để đưa vào sản xuất. Qua đó, nhằm khai thác tốt tiềm năng đất đai, tự tạo việc làm tại chỗ và tăng thu nhập để phát triển kinh tế gia đình. Qua phát động, vợ chồng chị Hạnh đi tìm hiểu, học tập một số mô hình cải tạo vườn tạp đưa vào sản xuất có hiệu quả của nhiều hộ nông dân trong khu vực để về áp dụng cho gia đình mình.
Với bản tính siêng năng, cần cù, chịu khó, vợ chồng chị Hạnh tiếp tục cải tạo phần đất vườn tạp xung quanh nhà để đưa vào sản xuất. Do không có vốn, vợ chồng chị Hạnh không thuê mướn lao động mà chỉ lấy công để làm lời và chỉ trồng nhưng loại cây, hoa màu ít vốn đầu tư và sớm thu hoạch để “lấy ngăn nuôi dài”. Sau khi cân nhắc, vợ chồng chị Hạnh quyết định phá bỏ vườn cây ăn trái kém hiệu quả để đưa vào trồng củ lùn (Còn gọi là củ năng tàu, củ sâm lùn. Cây thường mọc thành bụi, có chiều cao khoảng 1m. Hình dáng bên ngoài củ lùn hình bầu dục, hình tròn, lớp vỏ màu vàng, bên trong có màu trắng trong và có lõi trắng đục).
Mô hình trồng củ lùn trên đất vườn tạp của chị Hạnh.
Với diện tích đất vườn tạp của gia đình, sau khi phát dọn, cải tạo, lên giồng, chị Hạnh đưa vào trồng 3 công củ lùn. Sau 8 tháng trồng, 3 công củ lùn của gia đình chị Hạnh đã cho thu hoạch được gần 3 tấn củ và thu nhập trên 60 triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, 3 công đất trồng củ lùn của chị Hạnh đang phát triển xanh tốt và sắp đến ngày thu hoạch. Nếu từ giờ đến 2 tháng nữa, 3 công củ lùn của gia đình chị không có trở ngại gì và sau khi thu hoạch gia đình chị Hạnh sẽ có thu nhập trên 60 trên đồng. 3 năm qua, nhờ mô hình cải tạo vườn tạp đưa vào trồng củ lùn mà gia đình chị Hạnh có thu nhập khá, cuộc sống dần dần ổn định hơn trước đây và từng bước có tích lũy để vươn lên thoát nghèo. Chị Hạnh cho biết: “So với các loại rau, củ, quả và cây ăn trái khác thì củ lùn là loại cây trồng đơn giản nhất, ít tốn công chăm sóc, chi phí thấp, cho thu nhập cao. Tuy nhiên, để trồng củ lùn mang lại hiệu quả kinh tế cao, mặt đất trồng phải cao ráo, màu mỡ, khoảng cách trồng giữa mỗi bụi từ 6 - 8 tấc. Khi mới trồng, lúc củ lùn còn nhỏ, chưa phát triển nên bón một ít phân lân nhằm cung cấp thêm dinh dưỡng để cây củ lùn cứng cáp và phát triển nhanh hơn. Nếu đất có độ phèn cao, trước khi trồng khoảng 1 đến 2 tháng nên bỏ vôi bột để cho đất hạ phèn. Đối với củ lùn trồng trên vùng đất gò cao, vào mùa khô nên chịu khó tưới nước để giữ độ ẩm cho đất, giúp củ lùn phát triển nhanh và cho củ to hơn. Củ lùn từ lúc trồng đến thu hoạch khoảng 7 đến 8 tháng, trung bình 1 bụi từ thu hoạch 2 đến 3kg củ. Hiện nay, giá củ lùn dao động từ 20.000 đồngđến 30.000 đồng/kg. Những lúc hút hàng, củ lùn có bán từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg”.
Ngoài trồng củ lùn, chị Hạnh còn tận dụng đất trống xung quanh nhà để trồng hàng chục gốc dừa xanh lùn. Số cây dừa này đang trong thời kỳ phát triển và sắp cho trái. Dưới ao theo các liếp dừa, chị Hạnh thả nuôi nhiều loại cá đồng như cá lóc, cá rô, cá trê, cá bổi, mỗi loại một ít để có ăn hàng ngày không phải bỏ tiền ra mua. Tận dụng khoảng đất trống theo các gốc dừa, chị Hạnh trồng thêm rau má. Hiện nay, mỗi ngày chị Hạnh cắt bán từ 10 đến 15 kg rau má, với giá bán cho bạn hàng khoảng15.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng khoản này, 1 ngày gia đình chị Hạnh thu nhập từ 150.000 đến 200.000 đồng và ngày nào gia đình chị cũng có tiền vô. Bí thư Chi bộ ấp 16 Nguyễn Văn Khanh cho biết: “Gia đình cháu Hạnh trước đây khó khăn lắm, vợ chồng phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Từ khi được Chi hội nông dân, Chi hội phụ nữ ấp vận động, hướng dẫn cải tạo đất trống, vườn tạp đưa vào trồng củ lùn, dừa, rau má, dưới ao nuôi cá.. thì cuộc sống gia đình cháu Hạnh dần dần ổn định, thoát được cảnh nghèo khó và từng bước có tích lũy để vươn lên. Mô hình cải tạo vườn tạp để đưa vào sản xuất có hiệu quả để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình của cháu Hạnh cần được nhân rộng để cho nhiều người học tập và làm theo để thoát nghèo theo hướng bền vững”.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.