Tận dụng nguồn đất đai và lao động sẵn có, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã cụ thể hóa chương trình cải tạo vườn tạp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng thực chất, bền vững.
Với đặc thù của một huyện vùng cao, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, huyện Hoàng Su Phì xác định đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển các sản phẩm đặc trưng có thế mạnh gắn với thực hiện chương trình OCOP và cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ là những “mũi nhọn” trong việc nâng cao thu nhập cho nhân dân. Dựa trên các cây trồng, vật nuôi thế mạnh, huyện Hoàng Su Phì tập trung xây dựng 3 chuỗi giá trị gồm: Chè Shan tuyết, cây ăn quả và sản phẩm gạo chất lượng cao.
Người dân xã Nậm Ty cải tạo vườn chè Shan tuyết.
Trong đó, sản phẩm chè Shan tuyết đã tiệm cận đến sản xuất tập trung hàng hóa với các dòng chè thành phẩm đa dạng như: Trà xanh, Hồng trà, Trà Phổ Nhĩ ép bánh, Trà Shan tiên, Trà Móng rồng… Năm 2022, sản lượng chè qua chế biến, thành sản phẩm là 2.572 tấn, giá trị ước đạt 365,2 tỷ đồng, đóng góp đáng kể trong giá trị ngành nông, lâm nghiệp của huyện và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ dân tham gia trồng, chế biến chè.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có Công ty TNHH chè cổ thụ Việt Nam thực hiện liên kết với 226 hộ trồng chè (công ty cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho các hộ) với diện tích thực hiện 220 ha (100 ha trồng mới, 120 ha chăm sóc) tại 4 xã. Ngoài ra, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn cũng tích cực liên kết, thu mua sản phẩm cho nông dân; điển hình như HTX Chế biến chè Phìn Hồ liên kết với trên 500 hộ trồng chè ở các xã Thông Nguyên, Nậm Ty, Túng Sán để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.
Bà Triệu Mùi Mủi, xã Hồ Thầu cho biết: Nằm dưới dải Tây Côn Lĩnh với khí hậu mát mẻ quanh năm, chè Shan tuyết ở đây có hương vị thơm, ngon đặc biệt. Tuy nhiên, trước đây giá trị kinh tế từ cây chè không cao, do người dân ít chú ý trong các khâu chăm sóc, thu hoạch; giá thành sản phẩm cũng thấp. Vài năm trở lại đây, một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện tiến hành thu mua sản phẩm cho nông dân với giá cả ổn định. Ngoài ra, còn hướng dẫn chúng tôi kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè nên sản lượng chè cao hơn hẳn. Bình quân 1 ha chè, gia đình tôi thu về từ 50 – 70 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều so với trước đây. Nhờ cây chè mà nhiều gia đình trong thôn đã thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Cùng với đó, huyện tiếp tục xây dựng các chuỗi giá trị hàng hóa như: Cây ăn qủa ôn đới tại các xã: Chiến Phố, Thèn Chu Phìn, Túng Sán, Tả Sử Choóng, Nậm Dịch; chuỗi sản xuất gạo chất lượng cao tại Bản Luốc, Hồ Thầu, Sán Sả Hồ, Nam Sơn, Nậm Dịch, Pố Lồ; chuỗi nuôi cá Chép ruộng, cá lồng tại Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài, Tụ Nhân và chuỗi chăn nuôi lợn đen thương phẩm. Các chuỗi giá trị được triển khai đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.
Chè shan tuyết Hoàng Su Phì là đặc sản nổi tiếng của địa phương
Ngoài ra, để nâng cao tiêu chí thu nhập cho nhân dân trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền huyện cũng chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất điển hình như: Mô hình trồng Dưa hấu, quy mô 15 ha tại xã Bản Luốc. Qua đánh giá, sản lượng bình quân hàng năm đạt 330 tấn, giá trị sản phẩm 3.300 triệu đồng. Hay mô hình trồng rau vụ Đông tại thôn Ngài Thầu, xã Thàng Tín và thôn Bình An xã Bản Luốc với quy mô 25 ha/ 39 hộ, sản lượng trên 300 tấn, giá trị sản phẩm 1.500 triệu đồng; mô hình trồng Dâu tây tại các xã Pố Lồ, Hồ Thầu... Các mô hình này đã giúp cho người dân thay đổi nhận thức trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các giống mới vào sản xuất, đem lại giá trị cao/đơn vị diện tích canh tác.
Với mục tiêu khai thác, tận dụng nguồn đất đai và lao động sẵn có, huyện đã cụ thể hóa chương trình cải tạo vườn tạp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng phát triển các cây trồng, vật nuôi thế mạnh như: Cây ăn quả, dê, trâu, bò, lợn đen... Năm 2023, toàn huyện có 103 hộ thực hiện cải tạo vườn; lũy kế đến nay có 295 hộ thực hiện với tổng diện tích trên 129.800 m2 vườn đã được cải tạo.
Chị Mai Thị Hiểu, xã Nậm Dịch chia sẻ: Từ năm 2022, tôi đã cải tạo hơn 2.000 m2 đất vườn để trồng rau chuyên canh, cung ứng cho trường học trên địa bàn xã. Bình quân mỗi tháng, thu nhập từ bán rau của gia đình đạt 3 – 5 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng các cây lương thực truyền thống trước đây. Nhờ cải tạo vườn đã giúp gia đình tôi nâng cao thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống.
Qua rà soát, đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 21,92 triệu đồng/người, tăng 1,2 triệu đồng so với năm 2021. Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, Lý Chòi Nhàn cho biết: Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền huyện tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo một cách bền vững, để Chương trình xây dựng NTM đảm bảo thực chất, hiệu quả.
Ông Triệu Sơn An - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm mạnh qua từng năm. Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,07%; năm 2022 giảm 5%; ước năm 2023 giảm 7,3%.
Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt chỉ đạo và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo bền vững của người dân. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường triển khai các chương trình cho vay giải quyết việc làm, mở rộng sản xuất. Chú trọng hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị...
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.