Để hỗ trợ hiệu quả hội viên, nông dân trong sản xuất kinh doanh, Hội Làm vườn Việt Nam (HLVVN) đã chủ động thay đổi phương thức hoạt động.
Trong đó, hoạt động tham quan mô hình kinh tế ở nhiều địa phương đang mang lại hiệu quả thiết thực, qua đó phát huy vai trò của người “dẫn dắt” hội viên trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cải tạo vườn tạp theo hướng sản xuất hàng hóa đa giá trị, thực hiện kinh tế tuần hoàn; khuyến khích phát triển hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản...
Học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn
Thời gian qua, nhằm khuyến khích hội viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, HLVVN đã phối kết hợp cùng các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức nhiều cuộc tham quan, tìm hiểu các mô hình nông nghiệp hiệu quả gắn với hội thảo về nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế vườn - VAC tại nhiều địa phương trên cả nước.
Qua các đợt tham quan - hội thảo, nhiều cán bộ Hội, hội viên cho biết, tại đây, họ có dịp trao đổi về kinh nghiệm trong nhân giống, tạo thế, tạo tán, phòng trừ các loại sâu bệnh hại, cách ủ phân, liều lượng phân để bón cho cây theo từng thời kỳ sinh trưởng, cách xử lý để cây ra hoa, đậu quả đúng thời điểm, cách làm tăng năng suất và chất lượng, mẫu mã trái cây,…
Đồng thời, thông qua các mô hình kinh tế hiệu quả này, nhiều hội viên cho biết, có thể lựa chọn hướng đi trong phát triển kinh tế hộ gia đình theo quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, hữu cơ... để phát triển bền vững.
HLVVN vừa tổ chức Đoàn đi thăm một số mô hình tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tích hợp đa giá trị tại tỉnh Bắc Giang.
Cụ thể, Đoàn đã đến tham quan HTX rau sạch Yên Dũng (huyện Yên Dũng), một trong số ít những đơn vị tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang tiên phong trong phát triển nông nghiệp thông minh, áp dụng quy trình VietGAP, an toàn sinh học khép kín và công nghệ hiện đại trong sản xuất.
Tại đây, cán bộ, hội viên được giới thiệu về cách chăm sóc theo mô hình nhà lưới công nghệ cao và bón phân tự động. Trong đó tuân thủ nghiêm quy trình, bảo đảm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học ngoài danh mục được phép, đồng thời, dùng thuốc phòng trừ sâu bệnh có nguồn gốc sinh học, phân bón hữu cơ và vi sinh.
Ngoài ra, Đoàn còn tới thăm mô hình chăn nuôi tuần hoàn của anh Hoàng Đình Quê (thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng), một trong 10 người được vinh danh công dân Bắc Giang ưu tú năm 2022.
Mô hình này hoạt động theo chu trình khép kín, chất thải và phế, phụ phẩm của quá trình này là đầu vào của quá trình sản xuất khác thông qua áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp sẽ khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả, giảm thiểu sự lãng phí, thất thoát sau thu hoạch và tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường.
Đây cũng là mô hình chăn nuôi tuần hoàn được Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá giảm tối đa về ô nhiễm môi trường từ trang trại chăn nuôi.
Học tập và xây dựng các mô hình mới
Mới đây, HLVVN đã đưa cán bộ và hội viên tham quan và học tập kinh nghiệm từ một số mô hình tái canh, canh tác bền vững cây có múi tại Hòa Bình. Tại đây, hội viên được chia sẻ cách sử dụng ngô, đậu tương, cá tươi ủ với men vi sinh hữu cơ để bón tưới cho cây nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng các loại phân bón hóa học như urê, lân, kali.
Chủ tịch HLV tỉnh Nghệ An Nguyễn Thế Thắng tham quan vườn ươm cây cam giống ở Hoà Bình.
Chủ tịch HLV tỉnh Nghệ An Nguyễn Thế Thắng cho biết: Trong đợt tham quan ở Hoà Bình về cây có múi, đặc biệt là cây cam, chúng tôi được giới thiệu về kinh nghiệm xây dựng mô hình, nhất là các khâu chọn giống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chế biến... Tới đây, HLV Nghệ An sẽ tham mưu cùng Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, theo Nghị quyết liên tịch 06 giữa Bộ Nông nghiệp-PTNT và Hội Làm vườn Việt Nam, xây dựng chi tiết đề án theo lộ trình từ nay đến năm 2030, bao gồm: bảo tồn cây cam đầu dòng, nhân giống, khoa học kỹ thuật cây trồng, xây dựng thương hiệu và đầu ra cho sản phẩm, kết hợp với chuyển đổi số, tạo chất lượng thương hiệu và an toàn bền vững. Trong đó, HLV sẽ tham gia mảng kỹ thuật cải tạo đất, chăm sóc cây trồng và phòng ngừa sâu bệnh.
“Ngoài việc được nhìn tận mắt các mô hình kinh tế hiệu quả, trực tiếp trao đổi những thắc mắc xoay quanh việc đầu tư vốn, kỹ thuật, mua con giống, tìm đầu ra, hội viên cũng còn được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với các hộ sản xuất giỏi, từ đó sẽ định hình lại công tác sản xuất. Qua những lần đi tham quan các HTX, các mô hình nông nghiệp, cán bộ Hội có thêm thông tin, nắm bắt thực tiễn có thể tổng kết nhân rộng mô hình ở các địa phương có điều kiện tương tự và trong toàn quốc, điều nàygiúp cho những chuyến đi càng trở nên ý nghĩa”, ông Thắng nói.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, sinh thái đang là xu thế chung của thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việc được đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nông nghiệp tiêu biểu đã giúp hội viên có những kinh nghiệm hữu ích trong sản xuất kinh doanh, được tiếp cận công nghệ cao, hiện đại. Đồng thời, giúp hội viên mở rộng thêm tầm nhìn và cách suy nghĩ trong việc triển khai các mô hình nông nghiệp xanh, bền vững.
Qua đây để thấy sự đổi mới, sáng tạo và quyết tâm của lãnh đạo HLV trong thay đổi phương thức hoạt động. Thời gian qua, HLVVN đã tích cực trong công tác liên kết giữa Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Doanh nghiệp bền vững ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản; tăng cường liên kết giữa Nhà nước - tổ chức nghiên cứu - doanh nghiệp - tổ chức chuyển giao và Nông dân.
Để công tác tham quan, học hỏi trở nên ý nghĩa, ông Nguyễn Thế Thắng cho rằng, việc hướng dẫn và truyền đạt kinh nghiệm bằng các mô hình trang trại đạt hiệu quả để hội viên có địa chỉ tin cậy học hỏi, từ đó phát triển trang trại của mình đạt hiệu quả cao là một trong những nhiệm vụ cần được chú trọng.
Lãnh đạo Hội Làm vườn Việt Nam thăm vườn cam của gia đình ông Nguyễn Văn Ngợi ở khu 1, thị trấn Cao Phong (Cao Phong, Hòa Bình).
Thời gian tới, HLVVN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các địa phương để cán bộ, hội viên được tiếp cận các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả nhằm phổ biến kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật phát triển kinh tế vườn theo hướng hàng hóa đa giá trị, thực hiện kinh tế tuần hoàn, chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thực hành nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường liên kết giữa người làm vườn và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, thị trường trong nước, xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người sản xuất.
Ông Phan Huy Thông, Phó chủ tịch Thường trực HLVVN, Trưởng đoàn thăm các mô hình ở Bắc Giang, Hòa Bình đánh giá, những mô hình Đoàn tham quan đều thể hiện rõ sự cần cù, sáng tạo của người dân tại đây. Những chủ mô hình, HTX có ý thức rất cao, không chỉ làm kinh tế giỏi, họ còn có ý thức đóng góp bảo vệ môi trường, phát triển nghề làm vườn, trang trại của địa phương.
Qua các chuyến tham quan- hội thảo này, Đoàn công tác của HLVVN có thêm thông tin, nắm bắt thực tiễn, có thể tổng kết nhân rộng mô hình ở các địa phương có điều kiện tương tự và trong toàn quốc.
HLV VN sẽ định hướng các tổ chức hội thành viên, hội viên, nông dân sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT về sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị, để đưa vào chương trình phổ biến kiến thức, cũng như nâng cao tay nghề làm vườn cho nông dân.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.