Ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đang phát triển ổn định, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Phát huy thế mạnh của mình, Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, HTX xây dựng các mô hình áp dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và đẩy mạnh liên kết theo chuỗi, từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế…
Những mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả
Thời gian qua, các mô hình áp dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh đa mục tiêu và liên kết chuỗi đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, do đó, được tỉnh Bắc Giang chú trọng quan tâm và nhân rộng.
Bắc Giang hiện có nhiều vùng cây ăn quả, diện tích đạt trên 51.000 ha; trong đó, vùng vải thiều tập trung 28.000ha, vùng cây có múi gần 11.000ha, vùng rau an toàn gần 12.000 ha...
Gia đình ông Hoàng Đình Quê ở xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng) xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản tuần hoàn khép kín, có liên doanh, liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam Chi nhánh Bắc Giang. Với tổng diện tích 4,5ha, trong đó có 1ha thả cá; diện tích còn lại gia đình ông xây dựng 4 trang trại nuôi lợn thịt quy mô 2.500 con/lứa, 2 lứa/năm (5.000 con) và 2 trang trại nuôi vịt bơ siêu thịt, quy mô 14.000 con /lứa, 4 lứa/năm.
Mô hình được đầu tư đầy đủ trang thiết bị máy móc, chăn nuôi theo quy trình công nghệ an toàn sinh học, tuần hoàn khép kín áp dụng công nghệ cao, tự động hoá nhiều khâu, như: Hệ thống chuồng trại máy móc làm mát, thức ăn, nước uống tự động, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, ngồi đâu cũng có thể thao tác cho lợn ăn, vừa thuận tiện, vừa giảm tải công lao động lại hạn chế được nguy cơ lây nhiễm bệnh cho vật nuôi. Nước thải chăn nuôi được xử lý qua hầm biogas, rồi chảy ra ao bèo, dùng để tưới cho cây ăn quả trong vườn.
Nhận thấy lượng chất thải từ chăn nuôi lớn, mùi hôi thối gây ô nhiễm môi trường, từ năm 2018, gia đình ông Quê đã tìm hiểu và tiến hành nuôi giun (trùn) quế, nhằm giúp phân giải các chất thải hữu cơ từ chăn nuôi, an toàn với môi trường.
Ngoài ra, ông còn đầu tư thêm hệ thống máy móc ép phân giun quế thành dạng viên đóng thành túi để bán cho người trồng cây cảnh với giá 50.000- 60.000 đồng/kg, mỗi năm thu lợi 450- 500 triệu đồng từ giun quế và chất thải chăn nuôi.
Trong quá trình chăn nuôi, gia đình ông Quê sử dụng 100% chế phẩm sinh học giúp vật nuôi hấp thụ tối đa nguồn thức ăn đưa vào cơ thể, giúp tăng hiệu suất sử dụng thức ăn, giảm tối đa ô nhiễm môi trường, giảm chi phí đầu vào. Mỗi năm gia đình ông xuất chuồng 4.900-5.000 con lợn thịt, tương đương 585-600 tấn, thu lãi hơn 1 tỷ đồng/năm.
Bắc Giang hiện có đàn lợn gần 1 triệu con, đàn gia cầm trên 20 triệu con…
Như vậy, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kinh tế nông nghiệp tuần hoàn trong chăn nuôi tại hộ ông Hoàng Đình Quê đã giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa giúp vật nuôi khỏe mạnh, không bị dịch bệnh lại cho hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm ổn định cho 4-5 công nhân ăn ở tại gia đình với mức thu nhập 5- 8 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trang trại của HTX Thao Thanh ở thôn Trại, xã Xuân Hương (Lạng Giang) quy mô 3 ha (chuồng trại và khu giết mổ 0,2ha, ao 2,8ha). Hiện, trang trại nuôi 30 con lợn nái, 200 lợn thịt (chu kỳ nuôi 2,5 lứa/năm), thời kỳ cao điểm nuôi 100 con lợn nái, 1.000 lợn thịt; sản lượng thịt hơi hàng năm khoảng 200 tấn, sau khi giết mổ thịt lợn được chế biến thành các sản phẩm như: Thịt mát, giò, chả, xúc xích, lạp sườn, ruốc, nem chua; các sản phẩm thịt lợn chế biến này đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, được tiêu thụ tại các bếp ăn ở các trường học trên địa bàn thành phố Bắc Giang, huyện Lạng Giang và tại các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương; sản lượng cá thịt (trắm, chép, rô phi đơn tính) khoảng 30 tấn/năm, thị trường tiêu thụ thông qua các đầu mối thu mua trên địa bàn tỉnh. Tổng doanh thu đạt khoảng 6 tỷ đồng/năm, trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 2 tỷ đồng. Xử lý phân lợn trong quá trình chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học và đệm lót bằng bã nấm, sau đó được phối trộn thành phân bón hữu cơ vi sinh với sản lượng đạt khoảng 20 tấn/năm để bón cho cây trồng.
Mô hình của anh Nguyễn Văn Trình, Giám đốc HTX nông nghiệp Thành Đạt ở xã Tiên Lục (Lạng Giang) sản xuất rơm, nấm sò công nghệ cao quy mô 2 ha với 10 hộ tham gia; mỗi năm sản xuất khoảng 55 tấn nấm tươi các loại, sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên; các phế phụ phẩm (mùn cưa, rơm, bông) sau thu hoạch nấm được xử lý thành phân hữu cơ với sản lượng khoảng 500 tấn/năm để cung cấp cho các thành viên của HTX bón cho cây trồng. Tổng doanh thu hàng năm của HTX đạt khoảng 4,5 tỷ đồng, lợi nhuận 1,5 tỷ đồng.
Tăng cường kết nối
Ông Đỗ Xuân Bình, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang, đánh giá, việc đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, thông minh; phát triển liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi; đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu hàng hóa nông, lâm sản gắn với du lịch đang là hướng đi trong việc phát triển nông nghiệp bền vững tại tỉnh Bắc Giang nói riêng và trong cả nước nói chung, vừa không gây ô nhiễm môi trường, chất lượng sản phẩm được kiểm soát và đảm bảo, vừa giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.
Cụ thể, các mô hình áp dụng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu và liên kết chuỗi đã chủ động mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sản lượng tiêu thụ tăng. Mô hình có sự liên kết tốt, các chủ thể tham gia đều bảo đảm hài hòa lợi ích và ổn định; đồng thời, có cơ hội đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến và góp phần giảm chi phí sản xuất, giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Các mô hình đã tạo ra sự liên kết chặt chẽ, bền vững giữa các chủ thể; các chủ thể gắn kết cùng nhau chia sẻ trách nhiệm trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo thương hiệu, nguồn gốc, an toàn thực phẩm; góp phần thay đổi cơ cấu ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, tạo ra nhiều việc làm ổn định, tăng thu nhập và cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo; tạo tiền đề cho việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản lý, thay đổi tập quán sản xuất, tiêu thụ tự phát, nhỏ lẻ sang sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn; gắn kết cộng đồng...
Qua đó, các chủ thể tham gia được hướng dẫn, hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y theo quy trình kỹ thuật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và hạn chế tác nhân gây hại cho môi trường.
Để những mô hình nông nghiệp trên phát triển và nhân rộng, ông Đỗ Xuân Bình đề nghị, các cấp, ngành địa phương cần tập trung tăng cường hơn vai trò “cầu nối” liên kết giữa chủ thể sản xuất và đối tác tiêu dùng, đặc biệt là liên kết tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; có cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể sản xuất xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Đối với các chủ thể sản xuất, cần bám sát chủ trương, định hướng sản xuất của Nhà nước, tránh sản xuất tràn lan, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá; cần nhạy bén đối với xu hướng phát triển của thị trường để đi trước đón đầu áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.