Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 12 năm 2022 | 10:8

Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh phong trào làm kinh tế VACR

Năm 2022, tuy gặp nhiều khó khăn, song Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang tiếp tục được củng cố và phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết các cấp Hội có sự đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, các hoạt động đều bám sát chủ trương, nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn

Năm 2022, Hội Làm vườn các huyện, thành phố của Bắc Giang đã tổ chức tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và phát triển kinh tế VAC, trang trại. Kết quả, các cấp Hội đã tổ chức được 1.415 buổi tuyên truyền cho 78.838 lượt người tham gia, tăng 430 buổi và 20.7254 lượt người so với năm 2021. Hội Làm vườn các huyện, thành phố có 112 tin, bài viết tuyên truyền về các điển hình tiên tiến.

Cùng với đó, các cấp Hội đã phối hợp với ngành Nông nghiệp, Hội Nông dân và hệ thống trung tâm dịch vụ kỹ thật nông nghiệp tổ chức 729 lớp tập huấn tiến bộ kỹ thuật cho 19.533 lượt người tham gia; Hội Làm vườn tỉnh tổ chức 2 lớp tập huấn cho 60 hội viên  huyện Sơn Động tại Mô hình trồng keo AH1.

Năm 2022, Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang thực hiện mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô AH1” tại huyện Sơn Động.

Công tác củng cố, xây dựng tổ chức Hội và phát triển hội viên được các cấp Hội quan tâm thường xuyên, duy trì nề nếp sinh hoạt. Năm 2022, kết nạp mới 772 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 54.823 người, trong đó, Hội Làm vườn Lục Ngạn kết nạp 352 hội viên...

Trong năm, Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang xây dựng mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô AH1” tại xã Thanh Luận, thị trấn Tây Yên Tử, huyện Sơn Động, quy mô 24ha với 15 hộ dân tham gia. Mô hình được triển khai thực hiện từ tháng 2/2022. Hiện nay, cây trong mô hình sinh trưởng, phát triển tốt. Các chỉ tiêu kỹ thuật đảm bảo yêu cầu đặt ra. Tỷ lệ sống của cây đạt xấp xỉ 100%. Ngày 25/11/2022, Hội Làm vườn tỉnh tổ chức nghiệm thu và bàn giao mô hình.

Công tác xây dựng mô hình điểm, mô hình tiêu biểu được Hội Làm vườn các cấp quan tâm chú trọng; năm 2022, Hội Làm vườn cấp xã đã phối hợp với các ngành liên quan xây dựng 333 mô hình tiêu biểu.

Đẩy mạnh phong trào làm kinh tế VACR, trang trại

Phong trào làm kinh tế VAC, trang trại được các cấp Hội ở Bắc Giang quan tâm chỉ đạo; vận động hội viên tích cực tham gia phong trào thi đua làm kinh tế VAC, trang trại giỏi, cải tạo vườn tạp, ao hồ thành hệ thống VAC thâm canh, chuyên canh, trang trại môi trường sinh thái, đưa các giống cây trồng - vật nuôi có năng suất cao, giá trị kinh tế lớn vào sản xuất kinh doanh. Tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất VAC, sản xuất hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Bắc Giang hiện có 3.262 trang trại, trong đó có 171 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Năm 2022, HLV các huyện, thành phố trồng mới 24.232 cây ăn quả các loại, cải tạo 326ha vườn tạp, diện tích cây ăn quả trồng mới 373,9ha; nâng cấp cải tạo 318ha ao hồ, có 539 hộ nuôi con thủy đặc sản…

Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: trồng bưởi hữu cơ của Hợp tác xã Tiêu thụ Nông sản Tân Mộc ở thôn Tân Đồng, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn với diện tích gần 2ha, 600 gốc bưởi, trừ chi phí,  thu lãi 800 triệu đồng. Mô hình liên kết giữa hộ ông Phạm Văn Quý, thôn Vĩnh An với Công ty chăn nuôi E.MOSS Việt Nam (Song Khê - Nội Hoàng) sản xuất, tiêu thụ gà thịt với sản lượng 157,5 tấn/năm; doanh thu 4 tỷ đồng/năm; lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/năm...

Tuy là năm đầu tiên thực hiện mô hình trồng rừng nhưng đã cho kết quả tốt.

Trong lĩnh vực trồng trọt, các loại cây trồng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất quy mô lớn, có sự hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến như VietGAP, GlobalGAP được quan tâm và nhân rộng.

Trong chăn nuôi, do làm tốt công tác tuyên truyền hội viên nông dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh nên trên địa bàn không xảy ra dịch bệnh.

Hiến đất xây dựng NTM

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Bắc Giang năm 2022, Thường trực Hội Làm vườn tỉnh chỉ đạo Hội Làm vườn các cấp tích cực tham gia, trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tiêu chí tăng thu nhập từ VACR, trang trại. Các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân đẩy mạnh phong trào “Bắc Giang chung sức xây dựng NTM” và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, phố văn hóa gắn với thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái…

Cán bộ, hội viên đã đóng góp ngày công, tiền của, hiến đất làm mới, sửa chữa đường giao thông nông thôn, cầu cống, nạo vét kênh mương nội đồng, cải thiện nhà ở, góp phần hoàn thành các tiêu chí NTM. Tiêu biểu là Hội Làm vườn huyện Tân Yên, đã vận động hội viên, nông dân hiến trên 10.000m2 đất, sửa chữa trên 25km đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, dồn điền đổi thửa xây dựng cánh đồng mẫu, duy trì 3 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, 153 tổ vệ sinh môi trường. Hội Làm vườn huyện Yên Thế hiến hàng nghìn mét vuông đất, kiên cố hóa 12,6km kênh mương, cung ứng 600 tấn phân bón các loại và hiến 1.172 ngày công. Hội Làm vườn TP. Bắc Giang đóng góp 1.900 triệu đồng, 2.600 ngày công, kiên cố hóa 78km kênh mương, cải tạo kiên cố 91 cầu, cống, hiến 310m2 đất...

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Xuân Bình, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang, cho biết, thực hiện Quyết định 1016/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc sắp xếp lại các tổ chức hội, Hội Làm vườn không phải hội đặc thù, Hội đã làm việc với UBND tỉnh, Sở Nội vụ và các sở ngành khác đề xuất việc sắp xếp cán bộ viên chức của Hội sang cơ quan khác công tác.

Trong thời gian thực hiện Quyết định 1016/QĐ-UBND, Hội đã giảm bớt nhiệm vụ, sắp xếp lại việc làm phù hợp, đăng ký nhiệm vụ “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo nuôi cấy mô AH1” ở huyện Sơn Động. 

Năm 2023, Hội cơ sở tiến hành đại hội, Hội Làm vườn tỉnh sẽ sớm chủ động cùng với Sở Nội vụ hướng dẫn Hội cơ sở chuẩn bị đại hội, cùng với đó, tháo gỡ khó khăn giúp Hội cơ sở có tâm thế, tư thế tổ chức thành công đại hội, góp phần nâng cao vị thế của tổ chức Hội.

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa

    Theo đó, tại Kế hoạch số 145 ngày 17/4/2024 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tỉnh Đồng Nai năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

Top