Nhiệm kỳ vừa qua, Hội Làm vườn (HLV) tỉnh Tuyên Quang đã chủ động hướng dẫn, vận động hội viên xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tập trung vào cây trồng chủ lực, đặc sản, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác, tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thi đua làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại giỏi
Chủ tịch HLV tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Công Nông cho biết, trong nhiệm kỳ qua, thực hiện phong trào thi đua làm kinh tế VAC giỏi do HLV Việt Nam phát động, các cấp HLV trong tỉnh đã phát động thi đua tới sâu rộng hội viên và được đông đảo hội viên hưởng ứng thực hiện. Phong trào thi đua làm kinh tế VAC giỏi với mục tiêu: Vận động, hướng dẫn hội viên sử dụng hiệu quả đất đai, lao động làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Sản xuất hữu cơ đã nâng giá trị sản phẩm cao gấp 2-3 lần so với sản xuất chè thông thường.
Phong trào thi đua làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại giỏi đã giúp cho hội viên làm giàu từ tiềm năng sẵn có, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh từ đất đai, khoa học kỹ thuật, sức lao động, nguồn vốn để mở rộng sản xuất theo mô hình VAC, trang trai, từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tổng hợp khép kín; kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, trồng rừng, trồng cây ăn quả, thực hiện chuyên canh và thâm canh, sản xuất VAC hàng hóa…
Tiêu biểu trong phong trào thi đua làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại giỏi là hộ ông Hoàng Đình Tiến, thôn An Lộc A, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang. Gia đình ông có 0,3 ha cây ăn quả (ổi, táo, nhãn), 300 con lợn thịt, 200 con gà và 1.000 m2 nuôi cá, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Hộ ông Hoàng Văn Sáu, tổ dân phố 9, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang từ trồng chè sản xuất, chế biến theo phương pháp thủ công, nay áp dụng khoa học kỹ thuật trồng thâm canh để cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, đầu tư trang thiết bị để tạo ra sản phẩm có thương hiệu riêng - chè Công phu Độ Khoa. Từ mô hình VAC, gia đình ông có doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng/năm.
Còn hộ ông Trịnh Văn Lực (thôn Đô Thượng 5, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn) đầu tư trang trại xây dựng khu chăn nuôi lợn công nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tạo ra sản phẩm sạch; doanh thu hàng năm đạt 3-3,2 tỷ đồng. Ngoài chăn nuôi, ông còn kết hợp trồng cây ăn quả có chất lượng cao như bưởi da xanh, bưởi đường Xuân Vân…
Những hội viên tiêu biểu đã tạo động lực thi đua làm giàu, đoàn kết giúp nhau xóa nghèo, phấn đấu làm giàu chính đáng, là những tấm gương sáng để các hội viên, nông dân trong Tuyên Quang học tập làm theo.
Tổ chức Hội ngày càng vững mạnh
Phát biểu tại Đại hội đại biểu HLV tỉnh Tuyên Quang lần thứ III, nhiệm kỳ 2023-2028, ông Nguyễn Công Nông cho biết: Nhiệm kỳ II, HLV tỉnh đã chỉ đạo HLV các huyện, thành phố tập trung củng cố tổ chức và phát triển hội viên.
Hội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông, HLV các cấp tổ chức7 lớp tập huấn khoa học kỹ thuật làm kinh tế VAC, kinh tế trang trại cho 350 lượt hội viên. Qua các lớp tập huấn, học viên cơ bản nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào thực tế…
Ông Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực HLV Việt Nam trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng Hội và phát triển kinh tế VAC, giai đoạn 2018-2023. Ảnh: Báo Tuyên Quang.
Tuy đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng phong trào phát triển kinh tế VAC chưa đều ở các địa phương, mới chỉ tập trung ở thành phố là nơi có điều kiện về đất đai, nguồn nước thuận lợi. Hội viên ở vùng cao, vùng sâu chưa phát huy tốt lợi thế về khí hậu để phát triển cây ăn quả, chưa sử dụng tốt đất vườn để trồng rau củ, chưa phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm để tạo thành hàng hóa...
Hội viên, chủ trang trại chưa mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật và thâm canh trong sản xuất, nên năng suất và chất lượng sản phẩm VAC nhìn chung chưa cao, mẫu mã chưa đẹp, nhiều loại sản phẩm chưa xây dựng được nhãn hiệu hàng hoá, sản xuất chưa gắn với thị trường, nên tiêu thụ sản phẩm VAC gặp khó khăn.
Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện tự nhiên không thuận lợi để phát triển kinh tế VAC, như: Vùng cao thiếu đất canh tác, thiếu nước sản xuất, thiên tai (rét đậm, rét hại, mưa lũ) thường xuyên gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu, dịch bệnh phát sinh ở đàn gia súc, gia cầm…
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi
Trong nhiệm kỳ 2023-2028, HLV tỉnh Tuyên Quang xác định tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như: phấn đấu 100% tổ chức Hội hoạt động hiệu quả; thành lập mới HLV ở 6 huyện, đưa số hội viên cuối nhiệm kỳ lên 3.000 hội viên, 100% số chi hội cơ sở xây dựng quỹ Hội với mức bình quân 100.000 - 200.000 đồng/hội viên/năm, phấn đấu không có hộ hội viên nghèo, có mức thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.
Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp với thực tế của địa phương, hàng năm xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động, xác định nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm để vận động hội viên thực hiện.
Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến đến hội viên, chủ trang trại chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sản xuất nông- lâm nghiệp hàng hóa, phát triển kinh tế hộ, kinh tế VAC, kinh tế trang trại… Hướng dẫn, vận động hội viên chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tập trung vào cây trồng chủ lực, đặc sản, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị gieo trồng tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng đạp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Đẩy mạnh phong trào thi đua làm kinh tế VAC giỏi theo hướng nông nghiệp hàng hóa, an toàn, từng bước mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phẩm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thế Giang ghi nhận và biểu dương kết quả hoạt động của HLV tỉnh đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Đồng thời đề nghị, thời gian tới, Hội cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh phát triển hội viên mới, tích cực tham gia phản biện trong công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; vận động hội viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP, tăng cường tham quan, học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế VAC.
Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng những cây phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao; sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2020-2025 và xây dựng nông thôn mới, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đại hội HLV tỉnh Tuyên Quang khóa III, nhiệm kỳ 2023-2028 đã bầu Ban Chấp hành gồm 17 người. Ông Nguyễn Công Nông, Chủ tịch HLV tỉnh khóa II được tín nhiệm tái cử Chủ tịch Hội khóa III, nhiệm kỳ 2023-2028. |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.