Thúc đẩy các phong trào yêu nước, triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị..., góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hội viên luôn là mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Làm vườn và Trang trại (HLV-TT) Thanh Hóa hướng tới.
Những năm qua, HLV-TT Thanh Hóa đã hướng dẫn hội viên, nông dân khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế ở cả 3 vùng sinh thái (miền núi, trung du và đồng bằng), góp phần tích cực vào kết quả thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
“Cầu nối” đưa khoa học, kỹ thuật đến hội viên
Xác định khoa học kỹ thuật là chìa khóa để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, HLV-TT Thanh Hóa đã tích cực chuyển giao, hướng dẫn hội viên, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Từ đó, làm thay đổi tư duy sản xuất của hội viên, các mô hình sản xuất nông nghiệp được nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.
Hàng năm, nhằm tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước trong phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn nói chung và mô hình kinh tế VAC – trang trại nói riêng, HLV-TT Thanh Hóa đã chủ động và phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn truyền thông về nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho cán bộ, hội viên và nông dân.
Lồng ghép tại các buổi tập huấn, HLV-TT đã tổ chức các buổi tham quan tại các trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để hội viên chia sẻ, học tập kinh nghiệm trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ đó, hội viên mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Anh Hùng - chủ trại tôm, cua giống Hùng Thủy - kiểm tra con giống trước khi xuất trại.
Trang trại tôm, cua giống Hùng Thủy của hộ anh nguyễn Văn Hùng (thôn 8, xã Nga Tân, huyện Nga Sơn) là mô hình điển hình trong việc áp dựng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Theo anh Hùng, trước đây, gia đình anh canh tác cây cói rất khó khăn, giá trị thu nhập thấp. Sau khi được các cấp chính quyền và HLV-TT xã vận động tham gia các lớp tập huấn, tham quan một số mô hình trang trại trong và ngoài tỉnh, năm 2012, anh mạnh dạn chuyển đổi hơn 4ha đất trồng cói của gia đình và thuê của người dân xung quanh. Bước đầu, anh đầu tư hơn 1ha ao nuôi tôm, cua giống (ao lắng nước, ao ương giống, bể tập kết xuất bán…) và kết hợp với doanh nghiệp tại Ninh Thuận để cung cấp, phân phối tôm cua giống.
Sau 8 năm sản xuất với không ít khó khăn, anh xuất bán ra thị trường khoảng 20 triệu con tôm gống, hơn 4 triệu con cua giống mỗi năm. Diện tích đất còn lại, anh đầu tư kết hợp các giống cây ăn quả, chủ yếu là ổi lê Đài Loan, bưởi Diễn, dừa xiêm… Hiện nay, với tổng số vốn đầu tư ban đầu gần 10 tỷ đồng, mỗi năm trang trại của anh cho thu nhập 4,7 tỷ đồng, trừ chi phí, lãi gần 2 tỷ đồng.
“Những năm đầu thực hiện sản xuất ươn giống các loại hải sản, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Đây là các loại con nuôi đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, nhiều lần tôi đã thực hiện không thành công. Sau đó, được bạn bè, HLV-TT, các cấp chính quyền giới thiệu tham gia các lớp tập huấn và tham quan mô hình nhiều nơi, cùng tìm tòi học hỏi thêm, nhờ đó tôi mới thành công”, anh Hùng chia sẻ.
Theo anh Hùng, để tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất và đạt được thành công như ngày hôm nay là nhờ thông qua các lớp tập huấn do HLV-TT Thanh Hóa, các cấp, các ngành tổ chức. Ngoài ra, thông qua các chuyến tham quan, anh được học tập kinh nghiệm tại các trang trại trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng các mô hình thực sự chất lượng và đem lại giá trị bền vững
Ông Võ Duy Sang, Chủ tịch HLV-TT Thanh Hóa, cho biết: Để nâng cao vai trò của Hội, tỉnh Hội luôn quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức vững mạnh từ tỉnh đến cơ sở. Những năm qua, ngoài việc quán triệt, chỉ đạo các cấp Hội kết nạp hội viên mới, thông qua các hội nghị giao ban, tỉnh Hội đã tổ chức chỉ đạo, định hướng xây dựng nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phong trào phát triển, cải tạo vườn tạp, làm kinh tế VAC giỏi thông qua các cuộc thi để cổ động. Điển hình là các Cuộc thi “vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu”; Hội thi “Nhận thức kết hợp tuyên truyền về môi trường”...
Thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế vườn, trang trại kiểu mẫu thông qua cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu”.
Chủ tịch Võ Duy Sang nhấn mạnh: Phát triển mô hình chưa đủ, cần phải xây dựng các mô hình thực sự chất lượng và đem lại giá trị bền vững. Vì vậy, Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn hội viên ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, nông nghiệp đa mục tiêu, liên kết chuỗi giá trị,… Tăng cường phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Văn phòng xây dựng NTM, Chi cục Bảo vệ môi trường, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Trung tâm Văn hoá, các doanh nghiệp, nhà khoa học và các tổ chức liên quan, để tổ chức tập huấn, giao lưu tham quan học tập trong và ngoài tỉnh, thực hiện triển khai các mô hình sản xuất, chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Hội và các cấp HLV-TT trong tỉnh luôn tiếp thu, quán triệt, cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy Khối các cơ quan và doanh nghiệp tỉnh, bám sát chức năng nhiệm vụ và căn cứ điều kiện cụ thể, cùng với cách tiếp cận phù hợp, đổi mới, sáng tạo để đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC - trang trại.
HLV-TT hiện có ở tất cả 27/27 huyện, thị, thành phố, 80% số xã với trên 28 nghìn hội viên; có 12 Câu lạc bộ chủ trang trại huyện, thành lập 3 cụm thi đua (mỗi cụm 9 huyện). Các phong trào phát triển kinh tế VAC-trang trại do Hội đề xướng, vận động đã góp phần nâng cao thu nhập cho hội viên, nông dân, làm thay đổi diện mạo nông nghiệp và nông thôn.
Xác định lực lượng lao động ở nông thôn đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các ngành công nghiệp, nhiều diện tích đất nông nghiệp dần hoang hóa không còn lực lượng canh tác, Hội đã vận động hội viên tích tụ ruộng đất, thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp thành vườn kinh tế hàng hóa, du nhập và phát triển thành công nhiều giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, triển khai nhiều dự án khoa học công nghệ, nhiều mô hình khuyến nông có sức lan tỏa theo hướng chuỗi giá trị, công nghệ cao, cơ giới hóa, thân thiện với môi trường.
Cùng với đó, hàng năm, Hội tổ chức chỉ đạo, định hướng, xây dựng thành công nhiều mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; phát động mỗi huyện Hội xây dựng 1 - 2 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, liên kết theo chuỗi giá trị,… gắn với bảo vệ môi trường (đến nay toàn tỉnh xây dựng được trên 100 mô hình).
Bên cạnh đó, HLV-TT Thanh Hóa luôn chú trọng tạo ra các sân chơi bổ ích cho cán bộ, hội viên, người nông dân, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, lan tỏa các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế giỏi của chủ vườn, trang trại trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trìnhxây dựng NTM ở các địa phương. Trong đó, Cuộc thi “vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu” là sân chơi mới được Hội tổ chức với mục tiêu kép, vừa phát hiện mô hình mới, vừa tôn vinh, lan tỏa những nông dân, chủ vườn, chủ trang trại có mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi. Mặc dù là sân chơi mới nhưng đã tạo được hiệu ứng tốt, thu hút hàng trăm hội viên, nông dân tham gia (năm 2023 thu hút 863 chủ vườn, 460 trang trại tại 301 xã, thị trấn của 20 huyện, thị xã, thành phố).
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.