Với phương châm “Chủ động, sáng tạo, khoa học, liên kết, phát triển”, 6 tháng đầu năm 2023, Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hóa (HLV-TT) đã khắc phục khó khăn, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong củng cố tổ chức, phát triển kinh tế vườn, trang trại trên địa bàn là ý kiến đánh giá của các Ủy viên BCH HLV-TT Thanh Hóa tại Hội nghị lần thứ 4, khóa VII ngày 29/6/2023.
Xây dựng mô hình, một cách củng cố tổ chức Hội
Theo báo cáo của HLV-TT tỉnh Thanh Hóa, tính đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 27 huyện Hội, với 477 chi hội (xã, phường, thị trấn) với khoảng 28.000 hội viên.
Hội đã kiện toàn, rà soát, đăng ký lại 24 Câu lạc bộ chủ trang trại cấp huyện, với 517 hội viên, thành lập mới 4 Chi hội tại các huyện Mường Lát, Hoằng Hóa và Hậu Lộc. Tổ chức được 285 lớp tập huấn về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và môi trường, với 13.467 lượt người tham gia. Thông qua các lớp tập huấn, Ban Thường vụ Hội đã tổ chức cho 1.075 lượt hội viên đi tham quan, học tập mô hình trong và ngoài huyện.
Tham quan mô hình trồng cây thanh long của gia đình hội viên Phạm Văn Đức, thôn Tam Xuyên (Đông Khe - Đông Sơn).
Cùng với đó, các cấp Hội tiếp tục quán triệt, tuyên truyền về Cuộc thi “Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu”, Hội thi “Nhận thức kết hợp tuyên truyền về Môi trường” năm 2023 đến cán bộ, hội viên, nông dân trong tỉnh. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh thực hiện các mô hình phát triển cây trồng, vật nuôi; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch HLV-TT huyện Nông Cống - Lê Trí Đức cho biết: Hội đã phối hợp cùng Hội Nông dân, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Trung tâm học tập cộng đồng các xã, thị trấn tổ chức lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả cho hội viên, nông dân. Đặc biệt là các mô hình trồng rau trong nhà lưới, chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để phát huy tiềm năng lợi thế, những năm qua, HLV-TT tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng mô hình kinh tế, mô hình sản xuất theo chuỗi, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, tăng sản lượng, chất lượng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, như: Mô hình phát triển sản xuất nuôi, chế biến ốc nhồi thương phẩm năm 2022 với tổng nguồn vốn thực hiện 1,2 tỷ đồng. Theo đó, Hội đã tập hợp 20 chủ hộ có mô hình nuôi ốc nhồi tại các xã Quảng Trạch, Quảng Long, Quảng Hợp, Quảng Văn... của huyện Quảng Xương tạo thành vùng liên kết sản xuất gắn với chế biến, quy mô 16,5 ha. Công ty TNHH Nông nghiệp hữu cơ Thiên Bảo ở thị trấn Tân Phong chịu trách nhiệm tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con; trung bình mỗi năm công ty bao tiêu 250 - 300 tấn ốc thương phẩm.
Ngoài hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, HLV- TT tỉnh Thanh Hóa đã chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi cấy thành công nấm đông trùng hạ thảo. Năm 2018, sau khi được Trung tâm Nghiên cứu lâm nghiệp Thanh Hóa chuyển giao kỹ thuật, Hội đã đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp đặt các trang thiết bị, máy móc tiến hành nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo trên nền cơ chất tổng hợp các nguyên liệu gồm gạo lứt, nhộng tằm và một số hỗn hợp khác. Đến nay, Hội đã làm chủ quy trình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo nhân tạo theo điều kiện kinh tế của địa phương. Thành công này mở ra cơ hội mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho hội viên. Hiện nay, bình quân mỗi tháng Hội sản xuất khoảng 4.000 sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo tươi, với giá bán 50.000 - 200.000 đồng/hộp. Ngoài các sản phẩm đông trùng hạ thảo tươi, Hội cũng đã đầu tư máy sấy đa dạng hóa các sản phẩm đông trùng hạ thảo cung ứng ra thị trường.
Mô hình trông bưởi Diễn, trồng cây cảnh của hội viên Nguyễn Thành Long, thôn Thọ Phật (Đông Hoàng - Đông Sơn).
Tiếp tục chú trọng nâng cao kiến thức cho hội viên
Tại Hội nghị tập huấn truyền thông về nông nghiệp, nông dân do HLV-TT tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức, trao đổi về thực trạng sản xuất cây ăn quả, ông Trịnh Xuân Chất, Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thanh Hóa) cho biết, giá trị sản xuất cây ăn quả của tỉnh thời gian qua còn thấp, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều diện tích sản xuất mang tính tự cung, tự cấp; vườn cây ít được quan tâm đầu tư, chưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng. Diện tích cây ăn quả được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP chủ yếu là cây cam, bưởi tại các trang trại, doanh nghiệp; còn lại chưa được cấp mã vùng trồng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đó là thực trạng khó khăn để tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Do vậy, hội viên, nông dân cần được trang bị kiến thức để có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Chia sẻ về thực trạng phát triển nuôi trồng thủy sản, ông Nguyễn Xuân Hưng, Trưởng phòng Thủy sản, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho rằng, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản, với diện tích vùng biển lớn, nhiều cửa lạch, ao hồ và sông suối (diện tích vùng biển 17km2, 7 của lạch lớn nhỏ, 264 khe suối, 610 hồ chứa nước). Mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới phải đảm bảo hiệu quả, bền vững, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Do đó, hội viên cần được trang bị kiến thức về phát triển các hình thức sản xuất, khoa học kỹ thuật, thị trường, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…, từ đó nâng cao chất lượng thủy sản.
Trong khuôn khổ hội nghị, ông Trần Đức Năng, Phó chủ tịch HLV-TT tỉnh Thanh Hóa cùng cán bộ, hội viên đã đến tham quan mô hình trồng cây ăn quả của hộ Phạm Văn Đức (thôn Tam Xuyên, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn) và mô hình cây ăn quả kết hợp cây cảnh của hộ ông Nguyễn Thành Long (thôn Thọ Phật, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn). Hai chủ mô hình đã chia sẻ những thông tin hữu ích xung quanh việc xây dựng mô hình, giúp hội viên có thêm kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào xây dựng và phát triển kinh tế vườn, trang trại. Qua đó, tạo cơ hội cho hội viên cung ứng vật tư, liên kết sản xuất, hỗ trợ nhau phát triển sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
6 tháng cuối năm 2023, HLV-TT tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và của tỉnh Thanh Hóa về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đồng thời, thực hiện toàn diện, hiệu quả các phong trào thi đua, như: Tổ chức thành công Cuộc thi “Vườn đẹp, Trang trại kiểu mẫu” và Hội thi “Nhận thức kết hợp tuyên truyền về môi trường” năm 2023; thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước “Đoàn kết, sáng tạo, sản xuất kinh doanh VAC - Trang trại hiệu quả, xây dựng Hội vững mạnh”. Cùng với đó, các cấp Hội sẽ tăng cường phối hợp, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, HTX tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ hội viên tiếp cận khoa học, công nghệ mới, nông nghiệp thông minh; tổ chức tham quan các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả trong và ngoài tỉnh... nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho hội viên. Phát biểu tại Hội nghị lần thứ tư, khóa VII BCH HLV-TT tỉnh Thanh Hóa, nhiều đồng chí đề nghị: Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mô hình mới, tiếp cận các viện, trường để cung cấp cho hội viên giống mới, phương thức canh tác mới; đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Hội đồng nhân dân về “cởi trói” việc xây dựng công trình phục vụ du lịch vườn, du lịch nông nghiệp... Mở rộng việc kết nạp hội viên là doanh nghiệp vào Hội. |
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.