Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 6 tháng 5 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 9 năm 2023 | 15:6

Hội Ngành nghề nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Củng cố tổ chức, nâng chất lượng hoạt động

Hơn năm qua (từ khi hợp nhất Hội Hoa lan cây cảnh, Hội Sinh vật cảnh, Hội Làm vườn và Trang trại thành phố theo Quyết định số 1463/QĐ-UBND ngày 04/5/2022 của UBND TP. Hồ Chí Minh), Hội Ngành nghề nông nghiệp (NNNN) TP. Hồ Chí Minh đã tập trung củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động, thu hút hội viên...

Củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hội viên

Tháng 8/2023, Ban Chấp hành (BCH) Hội NNNN TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị năm 2023 (nhiệm kỳ 2022 – 2027), nhằm sơ kết hoạt động trong các tháng đầu năm 2023 như: tập hợp, vận động nhân sự và thống nhất ban hành các quyết định bổ sung Phó Chủ tịch Hội và bổ nhiệm các Trưởng bộ môn thuộc Chi hội Cá cảnh thành phố; tham gia các gian hàng triển lãm trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP năm 2023 tại quận Bình Tân; Hội chợ - Triển lãm Giống, Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM lần IX- năm 2023,…

Phát huy  kết quả đạt được, BCH Hội cùng nhau trao đổi, thống nhất đề ra phương hướng xây dựng và phát triển tổ chức Hội trong thời gian tới, như:  củng cố tổ chức tại các Hội quận, huyện; Chi hội trực thuộc; làm Thẻ hội viên; ban hành các văn bản về chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động Hội, trong đó nêu rõ nghĩa vụ cũng như quyền lợi của hội viên khi tham gia Hội.

Các thành viên BCH Hội NNNN tham gia Hội nghị BCH năm 2023 (nhiệm kỳ 2022 - 2027).

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hoạt động Hội: thành lập nhóm zalo thành viên Ban Thường vụ, BCH Hội; ứng dụng  facebook  thành lập trang Fanpage thông tin những sự kiện về hội thi, triển lãm… liên quan đến công tác Hội và vận động hội viên tham gia; trao đổi, thống nhất về việc xây dựng logo  của Hội. Tiếp đến sẽ thành lập trang thông tin điện tử của Hội để tích hợp, đăng tải những thông tin giới thiệu Hội và những sự kiện liên quan đến công tác Hội, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh, góp phần phát triển nền nông nghiệp đô thị thành phố.

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố, Phó Chủ tịch Hội NNNN TP. Hồ Chí Minh, kiến nghị: “Ngoài những ý kiến, đề xuất của thành viên BCH Hội, để nâng cao chất lượng hoạt động Hội, BCH nên quan tâm đến công tác củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hội viên, nhằm tạo nguồn lực hoạt động hiệu quả cho Hội. Đồng thời, để có nguồn kinh phí phục vụ hoạt động, BCH nên triển khai dự toán kinh phí hoạt động năm 2024 gửi Sở Nông nghiệp và PTNT - đơn vị trực tiếp quản lý Hội, để Sở tổng hợp bổ sung vào dự toán năm 2024.

Về công tác thi đua khen thưởng tại các hội thi do Hội thực hiện và phối hợp tổ chức, nếu có giải thưởng, Hội cần sớm đề xuất Sở hoặc UBND thành phố về thể lệ, quy chế hội thi, cơ cấu giải thưởng, khen thưởng; Hội nên xây dựng kế hoạch hằng năm để Sở tổng hợp, trình UBND thành phố xem xét ký ban hành khen thưởng; qua đó góp phần nâng cao chất lượng hội thi, cũng như khích lệ và nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ nghệ nhân của thành phố”.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch Hội NNNN TP. Hồ Chí Minh ghi nhận ý kiến đóng góp của các thành viên BCH và ý kiến đề xuất của ông Dương Đức Trọng. Đồng thời nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hội sẽ triển khai thực hiện các phương hướng như các thành viên BCH đã trao đổi và thống nhất để xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động Hội, nhằm đưa Hội trở thành tổ chức “cần thiết” của mỗi hội viên, nông dân, nhà vườn...

Làm giàu từ nuôi cá cảnh

Anh Trương Trung Cường (SN 1980, ngụ ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) là người nuôi cá cảnh làm giàu có tiếng không những trong vùng mà còn nổi danh tại một số tỉnh, thành.

Với mô hình nuôi cá cảnh trên diện tích 3 ha (đất nhà và thuê), mỗi năm anh Cường có thu nhập trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 16 lao động (người ít nhất 5 triệu đồng/tháng, cao nhất 10 triệu đồng/tháng). Với vai trò là tổ trưởng tổ cá cảnh, anh đã vận động 11 hộ vào tổ để cùng áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Ngoài ra, anh Cường còn tích cực dạy miễn phí nghề nuôi cá cảnh (kỹ thuật nuôi, chọn giống, nhân giống, nuôi đến cá lớn…), bao tiêu sản phẩm cho tổ hợp tác, góp phần tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và thoát nghèo bền vững ở địa phương. 

Hơn 20 năm trước, từ Tây Ninh, anh Cường lên TP. Hồ Chí Minh học đại học rồi lập gia đình, về nhà vợ ở xã Tân Nhựt sinh sống. Vùng đất nhà vợ chủ yếu trồng lúa, nhưng đất bị phèn và nước nhiễm mặn, đến khi khu công nghiệp thành lập, nguồn nước thêm ô nhiễm, cuộc sống của người dân chỉ dựa vào cây lúa nên rất khó khăn. 

Anh Trương Trung Cường bên bể nuôi cá Koi tại nhà. Ảnh: Tân Tiến.

Năm 2004, anh Cường bắt đầu nuôi kinh doanh cá cảnh, và gặp nhiều khó khăn vì chưa có kinh nghiệm, vốn ít, khi xảy ra dịch bệnh lại không biết cách chữa trị. Thời điểm đó, mạng internet chưa phổ biến, lại không có ai hướng dẫn cách trị bệnh cho cá, nên anh tự tìm kiến thức trên sách vở. Đến khi nắm được ít “mẹo” trị bệnh cá, thì chào hàng không ai mua. Do đó, anh phải gửi các cửa hàng cá cảnh bán giúp, khi họ bán hết anh mới lấy tiền.

“Năm 2004, bán được lứa cá cảnh đầu tiên với số tiền 350.000 đồng (tương đương 5 phân vàng), tôi quyết định thuê 3.000m2 ở ngã tư Bình Phước để đầu tư lớn, nhưng tiếp tục thất bại do chưa nắm hết kỹ thuật. Nhìn cá chết hàng loạt, tôi nản lắm, nhờ vợ động viên nên tôi tiếp tục nuôi. Năm 2006 về xã Tân Nhựt thuê gần 4ha nuôi cá cảnh. Năm 2014, tôi cùng vợ bỏ cây lúa để nuôi cá cảnh, rồi dời hẳn về nhà vợ để nuôi và bắt đầu xuất khẩu trên 50 loại cá cảnh nước ngọt bằng nguồn tự sản xuất và mua từ các trại cá cảnh vệ tinh”, anh  Cường kể tiếp.

Anh Cường nuôi cá trong vài trăm bể kính và bể xi măng (diện tích 1.300m2). Theo anh Cường, cứ 1m3 nước thả khoảng 200 cá bột giống. Hiện đã tạo được con giống, giảm chi phí cho người nuôi. Về thức ăn, các loài ăn chung một loại, chủ yếu trùn chỉ (120.000 đồng/kg), nhưng cá dĩa phải cho ăn thêm tim bò. Mỗi ngày, anh Cường cho cá cảnh ăn 5-10 kg trùn chỉ; ngoài ra, cho ăn thêm cám viên, thức ăn công nghiệp.

Thời gian gần đây, có nhiều người đến tham quan và tìm hiểu cách nuôi cá cảnh của anh Cường, trong đó có cả khách ở các tỉnh, thành phía Bắc. Theo anh Cường, hầu như không có trường lớp nào dạy nuôi cá cảnh, có chăng chỉ hướng dẫn chung chung. Vì vậy, khi ai đến tham quan, học hỏi, anh đều tận tình chỉ dẫn với mong muốn những người nuôi cá cảnh có thêm thu nhập cho gia đình.

 

Chanh
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top