Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 7 tháng 8 năm 2023 | 11:27

Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh: Lan tỏa phong trào phát triển kinh tế VAC hiệu quả cao

Thực hiện phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC năm 2023, 6 tháng đầu năm, Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội thực hiện và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Nhiều hội viên sản xuất VAC giỏi

Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia phong trào thi đua sản xuất VAC giỏi, trên địa bàn Bắc Ninh xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu.

Trang trại nuôi gà công nghệ cao của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 Trần Văn Tường. Ảnh: Việt Anh.

Năm 2021, ông Trần Văn Tường ở phường Trang Hạ (thành phố Từ Sơn) đầu tư hơn 20 tỷ đồng (mua và thuê đất tại xã An Thịnh, huyện Lương Tài) xây dựng hệ thống chuồng lạnh nuôi 4 vạn gà bố mẹ theo quy trình khép kín, sửa dụng máy cho ăn và uống nước tự động nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh, giảm chi phí nhân công. Cùng với đó là hệ thống tường bao, điện, máy phát điện dự phòng, máy ấp trứng… Toàn bộ thiết bị đều được nhập khẩu, bảo đảm nhiệt độ, độ ẩm chuồng luôn duy trì ở mức phù hợp giúp đàn gà phát triển ổn định. Hiện, gia đình ông cung cấp ra thị trường hơn 300.000 con gia cầm giống chất lượng, doanh thu khoảng 2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập ổn định 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Lồng nuôi cá trên sông Đuống được ông Phạm Công Huân đầu tư kiên cố. Ảnh: Hoài Anh.

Mô hình cá lồng trên sông của ông Phạm Công Huân, thôn Thiên Đức, xã Thái Bảo (Gia Bình) gồm 32 lồng nuôi, được đầu tư bài bản, khoa học, với hơn 3,4 tỷ đồng từ tháng 5/2021; tháng 7/2022, xuất bán lứa đầu tiên, mỗi lồng cho thu khoảng 10 tấn cá. Ngoài ra, ông Huân còn có 12 mẫu ao trên đất bãi, dùng để nuôi ương giống cho ra lồng, tạo vòng tròn khép kín, vừa bảo đảm nguồn cá nuôi, vừa cho giá trị kinh tế cao, bền vững. Đến nay, các loại cá như  điêu hồng, chép giòn, trắm… phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra, cung cấp chủ yếu cho thị trường Hà Nội.

Năm 2017, HTX rau an toàn Ngăm Mạc (nay là HTX Dịch vụ Nông nghiệp Ngăm Mạc) được hình thành do ông Phan Duy Phượng làm Giám đốc với quy mô ban đầu 20 ha. Đến nay, diện tích trồng rau an toàn của HTX lên tới 50ha, gồm 300 hộ gia đình trong thôn tham gia. Để hỗ trợ các thành viên, Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh, Hội Nông dân xã phối hợp Ban Quản trị HTX và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo, tập huấn, đưa cây giống mới có hiệu quả,năng suất cao vào sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia các hoạt động học tập kinh nghiệm từ các mô hình trồng rau sạch tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh.

Nhiều thành viên trong HTX áp dụng mô hình sản xuất rau trong nhà lưới với tổng diện tích 10.000m2, gồm các loại rau, củ, quả như: dưa lưới, dưa leo baby, lê Hàn, măng tây xanh… để tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh, côn trùng gây hại, giảm hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân bón. Đến nay, nhiều hội viên thôn Ngăm Mạc nói riêng và xã Lãng Ngâm nói chung đã có thu nhập 4-6 triệu đồng/người/tháng, đời sống từng bước nâng cao.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Chủ tịch Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Xuân Vững đánh giá, công tác Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC ở Bắc Ninh đã có sự chuyển biến tích cực; vai trò, uy tín của Hội được nâng cao, nhất là trong việc đóng góp tích cực vào chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ bền vững. Sản xuất VAC thực sự là mũi nhọn nòng cốt trong kinh tế nông nghiệp, đem lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, việc phát triển Chi hội chuyên ngành và kết nạp hội viên chưa được nhiều ở các cơ sở, có xã chưa kết nạp được hội viên.

Việc tổ chức tập huấn, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ở các cấp Hội chưa được thường xuyên, kịp thời; việc phổ biến các chính sách về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới chưa kịp thời tới hội viên, nhất là đối với chủ trang trại. Do vậy, có chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn có chính sách chưa tới được người sản xuất.

Nhìn chung, ở các cấp Hội, việc chỉ đạo phối hợp liên kết 4 nhà trong sản xuất VAC, nhất là sản xuất quy mô lớn chưa tích cực. Sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chưa thu hút được nhiều vốn đầu tư...

Nguyên nhân do cán bộ chủ chốt ở cấp huyện, xã thay đổi, chưa kịp thời kiện toàn vì liên quan đến sự chỉ đạo, bố trí công tác cán bộ của địa phương; còn có cấp ủy và chính quyền chưa thực sự quan tâm tới tổ chức Hội, nhất là công tác cán bộ, lãnh đạo; lãnh đạo Hội ở huyện và cơ sở kiêm nhiệm, còn có cán bộ chưa thực sự hăng say, nhiệt tình với công tác Hội, trách nhiệm chưa cao; kinh phí cho hoạt động của Hội còn khó khăn, nhất là cấp xã…

Đẩy mạnh hoạt động để củng cố tổ chức

Ông  Vững cho biết, 6 tháng cuối năm 2023, Hội sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến cho hội viên, nông dân các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của Bắc Ninh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tuyên truyền thực hiện tốt Nghị quyết số 87-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về xây dựng tỉnh an toàn giao thông; Tuyên truyền Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 27/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế trang trại ; Tuyên truyền Nghị quyết 07/2022/NQ-HĐND ngày 07/7/2022 của HĐND tỉnh Bắc Ninh quy định về hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chương trình OCOP và ngành nghề nông thôn…

Tuyên truyền về Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp; hướng dẫn hội viên các thủ tục cần thiết để thành lập hợp tác xã, doanh nghiệp.

Tổ chức kết nạp hội viên, thành lập các chi hội chuyên ngành, các câu lạc bộ, hợp tác xã sản xuất và dịch vụ thương mại VAC, các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất và mở rộng giao lưu, ký kết hợp đồng kinh tế với các tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế.

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan ban ngành,  Hội Làm vườn Việt Nam, Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam... tổ chức hội thảo, diễn đàn và tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nhất là sản xuất VAC, phòng trừ dịch bệnh cây trồng - vật nuôi. Tổ chức tập huấn cho hội viên ở các huyện, thị xã và thành phố về an toàn thực phẩm và phòng, chống dịch cho đàn gia súc, gia cầm...

Trung tâm dịch vụ VAC  triển khai kế hoạch phối hợp hoạt động thương mại, dịch vụ để tiêu thụ nông sản, thực phẩm sạch cho hội viên.

Thúc đẩy các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nhất là chủ trang trại, gia trại đầu tư mở rộng sản xuất ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất VAC theo chuỗi giá trị, liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp, nhà nông, nhà báo) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Hướng dẫn một số doanh nghiệp nông nghiệp, chủ trang trại (là thành viên của Hội) xây dựng dự án, mở rộng quy mô ứng dụng công nghệ cao và hoàn chỉnh hồ sơ để Hội Nông nghiệp và PTNT tỉnh trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Chỉ đạo các cấp Hội phối hợp với cơ quan Thú y tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo 100% đàn vật nuôi được tiêm phòng theo đúng kế hoạch. Đồng thời, chủ động tăng cường các biện pháp chống nắng nóng cho đàn vật nuôi. Tuyên truyền hội viên khẩn trương thu hoạch lúa chiêm xuân, đồng thời chuẩn bị gieo cấy lúa mùa đảm bảo khung thời vụ tốt nhất, hoàn thành thắng lợi kế hoạch đề ra.

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top