Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 1 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023 | 14:20

Hội quán giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất

Trong chuỗi hoạt động của Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần I - năm 2023, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Tọa đàm “Hội quán đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp”.

Đồng hành phát triển kinh tế - xã hội địa phương

Trong những năm qua, nông nghiệp của Đồng Tháp đã giữ vững vai trò nền tảng của nền kinh tế với mức tăng trưởng 4,51%/năm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Ước đến cuối năm 2023, Đồng Tháp có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 36 xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và dự kiến có 8 đơn vị cấp huyện hoàn thành và đạt chuẩn huyện nông thôn mới, về đích sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Tỉnh cũng có 357 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao và 1 sản phẩm đạt 5 sao… Thành tựu này có sự đóng góp rất quan trọng của hội quán.

Gian hàng sản phẩm OCOP của huyện Tháp Mười thu hút nhiều khách tham quan.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa cho biết, là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, Đồng Tháp tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, gia tăng giá trị, hiệu quả bền vững và thân thiện với môi trường. Để làm được điều đó, tỉnh xác định, trước tiên phải thay đổi nhận thức của người dân. Mô hình hội quán ra đời đã phát huy tối đa hiệu quả tập hợp bà con nông dân, ngồi lại cùng nhau thay đổi từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang hợp tác và liên kết với doanh nghiệp, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn đáp ứng nhu cầu thị trường và tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích. Đồng thời, góp phần phát triển mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn kết với phong trào khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đa giá trị, góp phần cải thiện đời sống nhân dân và thay đổi bộ mặt nông thôn.

“Đạt được những thành quả trên là nhờ sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và Nhân dân, trong đó, có vai trò của hội quán. Trong thời gian tới, để mô hình hội quán thực sự phát triển bền vững, theo đúng nghĩa là tổ chức xã hội của người dân, cần thống nhất quan điểm, người dân tự thành lập hội quán, chính quyền là “cầu nối” giúp  hội quán tiếp xúc với chuyên gia để được tư vấn về kỹ thuật, quản trị sản xuất, phát triển cộng đồng, liên kết với doanh nghiệp giúp tiêu thụ sản xuất chứ không “nghĩ thay”, “làm thay” hay “chỉ đạo” hoạt động của các hội quán”, ông Nghĩa chia sẻ.

Một gian hàng trang trí khá bắt mắt của huyện Châu Thành, nơi có đặc sản nhãn Châu Thành với hương vị thơm lừng. Đây cũng là địa phương có hội quán đầu tiên trong tỉnh Đồng Tháp. 

Chuyển tư duy từ sản xuất sang kinh tế nông nghiệp

Mô hình hội quán ở Đồng Tháp được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người nông dân và được xuất phát từ nhu cầu của chính nông dân, do nông dân đồng lòng lập ra để cùng sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm,  kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản.

Từ khi hội quán đầu tiên được thành lập tháng 7/2016, với  tên gọi “Canh Tân Hội quán”, mô hình này đã đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặt nền móng cho sự thay đổi bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đến nay, trên địa bàn Đồng Tháp có 145 hội quán với hơn 7.500 thành viên đang hoạt động ở trong lĩnh vực sản xuất cây ăn trái, lúa, rau màu, hoa kiểng, nuôi cá, du lịch và sản xuất bột. Từ mô hình hội quán, đã có 38 hợp tác xã được thành lập với mục tiêu liên kết sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng.

Thông qua mô hình hội quán, xuất hiện tư duy lớn cho mô hình kinh tế tập thể, đã có 14 hội quán được cấp mã số vùng trồng với diện tích hơn 600ha lúa, trái cây xuất  sang các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Singapore, Australia, Nga, Nhật Bản và EU.

Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế giá trị cộng đồng trong hội quán vẫn còn một số bất cập. Sự thay đổi tư duy kinh tế nông nghiệp ở một số thành viên chưa theo kịp;  chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp còn chậm; liên kết hợp tác trong một số lĩnh vực chưa bền vững; mô hình hội quán được phát triển nhưng chưa gắn kết nhiều với phát triển du lịch.

Tại hội thảo “Phát huy giá trị cộng đồng của Hội quán”, ông Lê Thành Công, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp, Trưởng ban Tổ chức Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng lần thứ nhất, cho biết: Hội quán ở Đồng Tháp đã từng bước xây dựng tinh thần liên kết, hợp tác trong sản xuất, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp; phát huy vai trò của các mô hình kinh tế tập thể trong định hướng phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, hội quán đã phát huy vai trò kết nối cộng đồng, thay đổi thói quen, tập quán sản xuất theo tín hiệu thị trường để tạo ra sản phẩm hữu cơ, tuần hoàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Hội quán đã phát huy vai trò trung tâm kết nối cộng đồng, góp phần từng bước chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp của người nông dân. Thay đổi thói quen, tập quán sản xuất từ tập trung vào sản lượng hướng đến tính hiệu quả, từ sản xuất đơn thuần cho đến biết sử dụng giá trị thương hiệu, từ sản xuất đại trà đã biết dõi theo tín hiệu thị trường, từ sản xuất sản phẩm thô chuyển sang đa giá trị, từ nghĩ cho mình đến biết đặt mình vào vị trí của người tiêu dùng để tạo ra sản phẩm tử tế phục vụ cộng đồng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội”, ông Lê Thành Công nêu rõ.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Tháp Nguyễn Văn Vũ Minh cho biết, mô hình hội quán đã giúp giải bài toán “liên kết - hợp tác” giữa nông dân với doanh nghiệp, nông dân với nông dân, đây được xem là mắt xích quan trọng để thực hiện việc “mua chung, bán chung”, góp phần “giảm chi phí, tăng chất lượng”, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

Theo ông Minh, mô hình Hội quán đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; xây dựng mã vùng trồng, nhãn hiệu cho nông sản gắn với truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, đã góp phần vào xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Ngoài ra, thông qua mô hình hội quán, người dân đã tiếp cận khoa học kỹ thuật và đóng góp quan trọng trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

“Mô hình hội quán là nền tảng vững chắc cho việc chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp từ lượng sang chất, đây là một điều rất là rõ ràng, hiện nay xuống hội quán bà con nói về quy trình, kỹ thuật canh tác, về tiêu chuẩn chất lượng, về uy tín với khách hàng. Mô hình hội quán được xem là ngôi nhà chung của nông dân, là kết quả tích cực của quá trình triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đồng Tháp, mang đậm bản chất giá trị cộng đồng rất cao”, ông Minh khẳng định.

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top