Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 29 tháng 9 năm 2022 | 10:52

Hội viên Hội Cựu chiến binh Hà Giang thi đua làm kinh tế giỏi

Mạnh dạn phát triển mô hình kinh tế tổng hợp, mang lại hiệu quả cao, cựu chiến binh Mai Thúy Đua, thôn Tà Vải, xã Ngọc Đường, TP.Hà Giang (Hà Giang) đã trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua, các cuộc vận động, chương trình phát triển KT-XH ở địa phương.

Tấm gương tiêu biểu

Hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh Hà Giang triển khai phong trào thi đua hướng về Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 – 2027. Dạo một vòng mô hình chăn nuôi phát triển kinh tế của gia đình chị Mai Thúy Đua, cựu chiến binh xã Ngọc Đường, TP.Hà Giang (Hà Giang) dễ dàng nhận thấy hệ thống chuồng trại được xây dựng kiên cố, bố trí khoa học, hợp lý, đảm bảo thoáng mát. Hệ thống xử lý phân chuồng cũng được đầu tư lắp đặt, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Chị Đua cho biết, trước đây, gia đình chủ yếu chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt và nuôi bò hàng hóa, mang lại nguồn thu mỗi năm trên 200 triệu đồng. Tuy nhiên, từ năm 2020, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên gia súc, chị quyết định chuyển sang chăn nuôi ngan, gà, chim Bồ câu và nuôi cá. Hiện nay, chị đang duy trì nuôi 150 chim Bồ câu sinh sản, 250 con ngan, gà và phát triển nuôi cá Trắm, Chép, Rô phi với diện tích mặt nước gần 2.000 m2.

Mới đây, chị tiếp tục nâng cấp, cải tạo gần 1.000 m2 ao để nuôi Cua đồng, Ốc nhồi. Đây là mô hình Cua đồng, Ốc nhồi đầu tiên trên địa bàn xã Ngọc Đường (Tp. Hà Giang) tại thời điểm này. Hiện, mô hình sinh trưởng, phát triển tốt, dự kiến cho thu hoạch vào đầu năm 2023.

Cựu chiến binh Mai Thúy Đua kiểm tra chất lượng quả bưởi Da xanh.

Cựu chiến binh Mai Thúy Đua kiểm tra chất lượng quả bưởi Da xanh.

Không dừng lại ở lĩnh vực chăn nuôi, chị Đua còn chú trọng phát triển trong lĩnh vực trồng trọt. Với diện tích vườn không nhiều, chị dành 2.000 m2 trồng ngô, tạo nguồn thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, chị trồng thêm 50 cây bưởi Da xanh và ổi. Thêm nữa, chị còn trồng hơn 100 cây đào để phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán.

Chị Đua chia sẻ: Những năm trước, điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, do vậy, tôi luôn trăn trở tìm hướng nâng cao thu nhập cho gia đình. Tận dụng hiệu quả quỹ đất sản xuất và kiên trì với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp đã giúp gia đình vượt qua khó khăn, có nguồn thu nhập ổn định bình quân gần 200 triệu đồng mỗi năm. Trong quá trình phát triển sản xuất, tôi đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, thường xuyên học hỏi, tìm hiểu khoa học, kỹ thuật để áp dụng thực tế vào mô hình phát triển kinh tế của gia đình…

Bên cạnh tích cực phát triển kinh tế, chị Đua còn dành nhiều thời gian tư vấn, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ các hội viên CCB trong thôn phát triển kinh tế, góp phần đưa phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” trên địa bàn xã Ngọc Đường có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thành tích này của chị đã được chính quyền, Hội CCB thành phố biểu dương, khen thưởng, đánh giá cao. Đặc biệt, chị cũng là một trong những đại biểu CCB tiêu biểu của thành phố Hà Giang được dự Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Tích cực thực hiện Chương trình 1953 gắn với cải tạo vườn tạp

Những năm qua, thực hiện cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước triển khai các chương trình, dự án về phát triển KT – XH và sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, Hội CCB các cấp trên địa bàn huyện Xín Mần đã vận động hội viên tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động mang lại hiệu quả thiết thực.

Nhằm phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”, thực hiện các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, giúp đỡ các đối tượng chính sách, gia đình hội viên CCB vươn lên trong cuộc sống với tấm lòng "trọn nghĩa nước non, vẹn tình đồng đội" góp phần xây dựng và giáo dục truyền thống cách mạng.

Từ năm 2017 đến 2019, các cơ sở Hội vận động hội viên giúp nhau tự xóa được 22 nhà tạm, số tiền do hội viên đóng góp lên đến gần 100 triệu đồng. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ thông qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh xóa được 55 nhà tạm, với số tiền hỗ trợ 3,3 tỷ đồng.

Đặc biệt, công tác hỗ trợ, giúp đỡ CCB nghèo xây dựng nhà ở đã tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhân dân. Hội CCB huyện tiếp tục chỉ đạo Hội CCB các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động hội viên CCB tích cực hưởng ứng tham gia.

Hội CCB xã Thèn Phàng thăm và động viên gia đình CCB Thèn Kháy Xín, thôn Cốc Sọc sau khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Hội CCB xã Thèn Phàng, huyện Xí Mần thăm và động viên gia đình CCB Thèn Kháy Xín, thôn Cốc Sọc sau khi được hỗ trợ xây dựng nhà ở.

Từ khi triển khai thực hiện Chương trình 1953 của Tỉnh ủy, hội viên ở cơ sở hỗ trợ trên 2 nghìn ngày công lao động để san lấp mặt bằng, vận chuyển vật liệu và đóng góp kinh phí mua vật liệu 450 triệu đồng.

Từ giai đoạn năm 2019 - 2021, đã có 97 ngôi nhà cho CCB nghèo được hỗ trợ, xây dựng theo chương trình của tỉnh, với số tiền hỗ trợ là 5,82 tỷ đồng. Những ngôi nhà với sự chung sức của toàn xã hội từng bước được hoàn thành, đảm bảo chất lượng 3 cứng gồm nền cứng, khung – tường cứng, mái cứng, góp phần giúp CCB nghèo vượt qua khó khăn.

Không những hỗ trợ CCB nghèo xây dựng mái ấm, Hội CCB các cấp trên địa bàn huyện Xí Mần còn tích cực vận động, giúp nhau phát triển kinh tế. Trên cơ sở, hưởng ứng kế hoạch của huyện về triển khai Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Hội CCB huyện chỉ đạo Hội CCB các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tích cực tham gia.

Căn cứ vào điều kiện thực tiễn của địa phương, các cấp hội triển khai và định hướng cho các hộ cải tạo vườn tạp chủ yếu tập trung nuôi lợn sinh sản và thương phẩm. Ngoài ra phát triển nuôi cá, gia cầm, trồng các loại rau theo mùa, chỉnh trang khuôn viên gia đình và áp dụng khoa học vào sản xuất chăn nuôi.

CCB Thèn Văn Sinh (bên trái), thôn Cốc Sọc (Thèn Phàng) chuyển đổi một số diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá thương phẩm.

CCB Thèn Văn Sinh (bên trái), thôn Cốc Sọc (Thèn Phàng) chuyển đổi một số diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang đào ao nuôi cá thương phẩm.

Nhờ đẩy mạnh các giải pháp, đến năm 2021, toàn huyện có 66 hộ hội viên CCB thực hiện cải tạo vườn tạp, trong đó có 30 hộ nghèo và cận nghèo được vay vốn. Tổng diện tích thực hiện cải tạo vườn tạp 15.717 m2, trong đó diện tích trồng rau, đậu các loại là 5.000 m2; cây ăn quả là 7.040 m2, diện tích ao nuôi cá là 1.700 m2, diện tích chuồng trại là 1.042 m2, đổ đất tạo vườn là 930m2.

Đầu năm 2022, Hội CCB huyện Xín Mần tiếp tục quán triệt, triển khai 100% tổ chức Hội cơ sở và hội viên đăng ký thực hiện 2 mô hình điểm và triển khai 30% số hội viên thực hiện nhân rộng mô hình cải tạo vườn tạp. Đến nay, đã có 420 hộ thực hiện làm điểm để nhân rộng toàn hội.

Kết quả từ cải tạo vườn tạp cho thu nhập cao gấp 1,5 lần so với trước và giải quyết việc làm cho 650 lao động nông thôn. Qua đó, thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, tập quán sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CCB.

CCB Vùi Văn Xìn ở thôn Lùng Mở là gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình ở xã Nấm Dẩn.

CCB Vùi Văn Xìn ở thôn Lùng Mở là gương điển hình trong phát triển kinh tế gia đình ở xã Nấm Dẩn.

Ngoài ra, Hội CCB các cấp đã phối hợp với Ủy ban MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, chương trình phát triển KT - XH, QP - AN ở địa phương. Đặc biệt, hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", “Cựu chiến binh với môi trường xanh, sạch gắn với bảo đảm an ninh nông thôn, tổ dân phố”, Hội đã vận động các hội viên tham gia thực hiện tốt 3 công trình vệ sinh đảm bảo môi trường gắn với phong trào “nhà sạch vườn đẹp”.

Trong nhiệm kỳ qua, các cơ sở Hội vận động 225 hộ hội viên hiến đất được 57.163 m2 để xây dựng các công trình công cộng, tham gia làm đường giao thông nông thôn đóng góp trên 20 nghìn ngày công lao động trị giá hơn 4 tỷ đồng, góp phần vào kết quả xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện phía tây của tỉnh.

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Cây trồng “khát” nước, người dân như ngồi trên đống lửa

    Mới đầu hè, các huyện miền núi tỉnh Phú Yên như Sông Hinh, Sơn Hoà, Đồng Xuân đã đối mặt với “cơn khát”, khi nhiều ao hồ khô cạn, cây trồng thiếu nước...

  • Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Đồng Nai chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa

    Tỉnh Đồng Nai vừa ban hành Kế hoạch số 145 về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trên địa bàn năm 2024, nhằm thực hiện việc chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả, không đảm bảo nước tưới, năng suất thấp sang trồng các loại cây hàng năm, lâu năm và nuôi trồng thuỷ sản để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất.

  • Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Bá Thước trao sinh kế cho người nghèo phát triển sản xuất

    Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã và đang nỗ lực triển khai các mô hình hỗ trợ sinh kế, bước đầu đạt kết quả khả quan, tạo động lực cho người dân trong hành trình thoát nghèo.

Top