Xuân Quý Mão - 2023 về mang theo Niềm tin vững chắc về sự bứt phá của đất nước, của dân tộc trong năm 2023 và những năm tiếp theo để Việt Nam ta trở thành nước công nghiệp cường thịnh, sánh vai các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ và mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Xuân Xuân ơi! Xuân đã về
Có nỗi vui nào vui hơn ngày Xuân đến.
Xuân Quý Mão - 2023 đã về!
Xuân mới đã hiện hữu nơi nơi trên mọi vùng, mọi miền đất nước. Xuân đã về mọi ngõ ngách, gõ cửa mọi nhà trên đất nước hình chữ S.
“Nàng Xuân” về, kỳ vọng hiện thực hóa khát vọng Hùng cường của dân tộc, nâng cao tiềm lực, vị thế và cơ đồ của đất nước cùng những mong ước tốt đẹp về một năm An khang, Hạnh phúc, Thành công, Thịnh vượng cho mọi người, mọi nhà thêm rõ nét.
Xuân Quý Mão - 2023 về mang theo Niềm tin vững chắc về sự bứt phá của đất nước, của dân tộc trong năm 2023 và những năm tiếp theo để Việt Nam ta trở thành nước công nghiệp cường thịnh, sánh vai các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ và mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Có Niềm tin vững chắc như vậy bởi kết thúc năm 2022, dù gặp muôn vàn khó khăn thách thức: Bên ngoài, là một thế giới bất ổn, kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao và kéo dài tại nhiều quốc gia, dấu hiệu khủng hoảng xuất hiện ở những quốc gia đầu tàu... Bên trong, nội tại nền kinh tế còn nhiều tồn tại, nhất là hạ tầng thiếu và yếu, hiệu quả quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, phụ thuộc nhiều vào thị trường bên ngoài, mức độ đầu tư phát triển còn thấp,… Nhưng bằng sự đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự sáng tạo, linh hoạt và đồng bộ trong hành động, điều hành của Chính phủ, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người dân, doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 8,02% (kinh tế toàn thế giới ở mức xấp xỉ 3%), vượt mọi dự báo của cả chuyên gia trong và ngoài nước, tạo nên nhiều dấu ấn tích cực, nhiều mốc son mới trong hành trình hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng, xây dựng đất nước Dân giàu, Nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, tạo đà và nguồn cảm hứng cho sự bứt tốc của đất nước, dân tộc trong những năm tới.
Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2022 vượt 730 tỷ USD, nằm trong TOP 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, trong đó xuất khẩu đạt 371,5 tỷ USD. Trong ảnh: Bốc xếp container hàng hóa tại Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt
Điển hình là việc Liên Hợp quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong phát triển con người. Cụ thể, bất chấp các khó khăn phải đối mặt trong hai năm vừa qua, Việt Nam đã tăng 2 bậc trong xếp hạng chỉ số phát triển con người (từ vị trí 117 lên vị trí 115), và tiếp tục nằm trong số các nước có chỉ số phát triển con người cao.
Trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đất nước ta, Dân tộc ta đã vững chắc tiến tới Thịnh vượng, quy mô nền kinh tế ngày càng lớn hơn, GDP năm 2022 ước đạt 409 tỷ USD; GDP đầu người năm 2022 đạt 95,6 triệu đồng, tương đương 4.110 USD; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2022 vượt 730 tỷ USD, nằm trong TOP 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, trong đó xuất khẩu đạt 371,5 tỷ USD. Đó là điều không dễ bởi nhiều thị trường có mức lạm phát cao, giảm chi tiêu nhưng chúng ta đã làm được, làm rất tốt.
Bằng sự chuyển hướng nhanh, kịp thời, trụ đỡ của nền kinh tế - kinh tế nông nghiệp tiếp tục khẳng định sự đóng góp cho tăng trưởng chung: Xuất khẩu nông – lâm – thủy sản tiếp tục tăng trưởng ổn định, đạt trên 53 tỷ USD, xuất siêu 8,5 tỷ USD, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Dù khó khăn về thị trường nhưng nông sản vẫn có 7 nhóm hàng vào câu lạc bộ từ 3 tỷ USD trở lên, trong đó xuất khẩu trái cây đạt 3,34 tỷ USD... Không chỉ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, ngành nông nghiệp còn góp phần quan trọng trong ổn định các vấn đề xã hội.
Đó là cơ sở của Niềm tin để chúng ta vững bước chinh phục năm 2023 được nhận định là năm rất nhiều khó khăn khó lường, khó dự báo.
Tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Tăng trưởng có xu hướng chậm lại; nguy cơ suy thoái kinh tế và các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin gia tăng. Ở trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh tiếp tục xu hướng tăng; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài và mới phát sinh cần phải tập trung giải quyết… Trong khi đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, bão lũ tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.
Để thực hiện tốt mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 - năm bản lề của kế hoạch 5 năm 2021-2025, tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng nêu nhiều giải pháp, và nêu rõ: Đoàn kết, kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; chủ động, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả. Tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả, sản phẩm lượng hóa được cụ thể, rõ ràng, cân, đo, đong đếm được. Tranh thủ thời cơ, vận hội, “biến nguy thành cơ”; Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả; chủ động thích ứng với tình hình; kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng từ bên ngoài; giải quyết hài hòa, hợp lý giữa hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế. Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện; vừa tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên và giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài; vừa kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh và tạo nền tảng mang tính căn cơ, dài hạn cho phát triển nhanh, bền vững…
Năm 2022, dù khó khăn về thị trường nhưng nông sản vẫn có 7 nhóm hàng vào “câu lạc bộ” từ 3 tỷ USD trở lên, trong đó xuất khẩu trái cây đạt 3,34 tỷ USD. Trong ảnh: Chế biến thanh long xuất khẩu tại Công ty CP Công nghệ Thực phẩm Lương Gia (Đồng Nai). Ảnh: Nguyễn Văn Việt.
Xuân về mang theo bao điều hy vọng, cùng thế giới, Việt Nam ta cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, thực hiện kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xã hội số, Chính phủ số. Dù khó khăn, thách thức ở phía trước là không nhỏ nhưng chúng ta tin rằng, với định hướng chiến lược đúng đắn, mục tiêu rõ ràng, bước đi phù hợp, Dân tộc Việt Nam sẽ đến bến bờ vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu mong muốn, chúng ta phải cùng nhau Hành động, cùng nhau hợp lực để có sức mạnh lấp biển, dời non thì chúng ta mới vừa đi được xa, vừa đi được nhanh, không ai bị bỏ lại phía sau.
Chợt nhớ bài hát “Hò kéo pháo” năm xưa. Với tiếng hô bắt nhịp “Hò dô ta nào…”, bộ đội ta đã đưa những khẩu pháo hàng chục tấn vượt qua bao đèo dốc cao vào trận Điện Biên Phủ chỉ bằng sức người, tạo nên sự bàng hoàng của địch và làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nay, bước vào năm Quý Mão 2023, xin được hô “Hai ba nào…” để chúng ta cung nhau hợp sức vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục vẽ tiếp bức trang sáng màu và ghi những dấu ấn mới trên hành trình xây dựng nước Việt Nam Dân giàu, Nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, những người làm Tạp chí Kinh tế nông thôn xin gửi tới bạn đọc, những nhà nông, nhà vườn, nhà khoa học, nhà quản lý, chủ doanh nghiệp, xã viên hợp tác xã lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và đoàn kết để thành công hơn nữa trong thực hiện khát vọng: đưa đất nước tiến nhanh hơn đến đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, thịnh vượng và hùng cường hơn.