Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 15 tháng 4 năm 2023 | 13:46

Hợp tác xã và Kinh tế nông nghiệp

Kinh tế tập thể cùng với Kinh tế nhà nước là nền tảng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Theo khoản 1, Điều 3, Luật Hợp tác xã năm 2012, hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.

Ở nước ta, kinh tế tập thể nòng cốt là hợp tác xã đã hình thành và phát triển gần 70 năm, đóng góp quan trọng sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Tuy việc thành lập hợp tác xã là sự tự nguyện của người dân nhưng luôn được Đảng, Nhà nước  khuyến khích và ủng hộ. Ở nước ta, hợp tác xã  không chỉ có vai trò kinh tế mà còn có vai trò xã hội rất quan trọng, đặc biệt với những người nông dân, những người yếu thế hơn ở khu vực nông nghiệp và nông thôn. 

Chế biến ngô bao tử ở Hợp tác xã Nông sản Mỹ An (xã Mỹ An, huyện Chợ Mới, An Giang). Ảnh: Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Về vai trò của kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, Nghị quyết số 20, Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khẳng định: Kinh tế tập thể cùng với Kinh tế nhà nước là nền tảng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta.

Sau 70 năm hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước, kinh tế tập thể - hợp tác xã ở nước ta đã có những chuyển biến tích cực, nhất là trong 35 năm đổi mới: Phát triển hợp tác xã đã trở thành phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trên cả nước, cả vùng dân tộc thiểu số ở miền núi; quy mô ngày càng lớn hơn, hình thức ngày càng đa dạng hơn; trình độ thành viên, nhất là cán bộ quản lý được nâng cao; thu hút được lượng không nhỏ đội ngũ thanh niên - trí thức có chuyên môn cao khởi nghiệp; số hợp tác xã hoạt động hiệu quả ngày càng nhiều, nhiều hợp tác xã đã hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động…, trở thành điểm sáng dẫn dắt kinh tế địa phương.

Tuy vậy cũng cần thấy, kinh tế tập thể - hợp tác xã ở nước ta chưa hoàn thành mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết Đảng đề ra, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn: Hiệu quả của kinh tế tập thể - hợp tác xã còn thấp. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp vào GDP thấp và có xu hướng giảm. Năng lực nội tại của hợp tác xã còn yếu, trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế, phần lớn hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh yếu, hoạt động liên doanh, liên kết giữa hợp tác xã với nhau và với tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến…

Điều này dẫn đến hệ lụy: Sản xuất nông nghiệp nước ta nhìn chung còn ở quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, manh mún nên rất khó để đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ,… Dẫn đến năng suất lao động thấp, cả hình thức và chất lượng sản phẩm không đồng nhất,… Qua đó có thể nói rằng, quy mô kinh tế hộ không thể tạo ra kinh tế nông nghiệp.

Giống lợn đen bản địa được nuôi tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Sơn Lâm (thôn Chanh 2, xã Thái Bình, Yên Sơn, Tuyên Quang). Ảnh: Nam Sương - TTXVN.

Vậy kinh tế nông nghiệp là gì?

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp với 3 yếu tố chủ đạo: nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh. Đặc biệt, chúng ta phải tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng và giá trị gia tăng cao hơn so với giá trị gia tăng từ tăng cao sản lượng, tức là chuyển từ sản xuất theo sản lượng sang chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi sinh, môi trường, nâng cao giá trị gia tăng thông qua ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, bảo quản, chế biến sâu, bán hàng…, tạo nên nền nông nghiệp minh bạch, có trách nhiệm.

Để khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chất lượng nông sản không đồng nhất, không đủ lớn khi cung cấp cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu,  Văn kiện Đại hội XIII đã nêu rõ giải pháp: Tăng cường kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể với nòng cốt là hợp tác xã và tổ hợp tác.

Mới đây, phát biểu tại Tọa đàm “Phát triển Kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong giai đoạn mới”, Tư lệnh ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Nếu không có hợp tác xã thì vẫn là sự manh mún, nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Lúc đó không thể chuyển sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, không thể tạo ra được sản xuất đa giá trị như Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.

Để hiện thực hóa khát vọng hùng cường, chỉ có một con đường là thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước nói chung, nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Theo đó, hoàn thiện thể chế để thúc đẩy hợp tác xã phát triển có vai trò đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ người dân, thành viên ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, liên kết với doanh nghiệp như tinh thần Nghị quyết số 22 của Hội nghị lần thứ Sáu khóa XIII về đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước.

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top