Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ một số hạn chế, khuyết điểm trong phát triển kinh tế, trong đó nhấn mạnh, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao.
Những năm gần đây, nhiều cơ quan chức năng của các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. So với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Thực tế trên rất đáng quan ngại, tạo áp lực cho việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và thế giới.
Đây cũng là thách thức lớn đối với mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra: Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Bởi năng suất lao động là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mô hình trồng dưa lưới theo hướng nông nghiệp công nghệ cao Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh (xã Phước Tiến, huyện Bác Ái). (Ảnh: TTXVN)
Trong những năm gần đây, xác định tăng năng suất lao động là vấn đề lớn, quan trọng, triển khai nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng lao động, nâng cao kỷ luật, kỷ cương lao động, nâng cao năng lực tư duy của lao động để theo kịp với sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật. Với những nỗ lực mạnh mẽ, năng suất lao động của ta đã có những cải thiện đáng kể, cả về giá trị và tốc độ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu bứt phá của nền kinh tế.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn (Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khoá XV), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình băn khoăn về nghịch lý đang diễn ra với năng suất lao động và thị trường lao động là vì sao năng suất lao động chưa cao trong khi trình độ lao động, tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày càng tăng,… Đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia và hoàn thiện môi trường, thể chế pháp luật để có thể triển khai thành công các chỉ đạo, chính sách thúc đẩy năng suất lao động.
Cũng trao đổi về năng suất lao động, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, cho rằng, trong 15 chỉ tiêu kế hoạch ước thực hiện năm 2022, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt. Đại biểu cho rằng, đây là một chỉ tiêu quan trọng, là yếu tố cơ bản, yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việc chỉ tiêu này không đạt chứng tỏ chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp và ý thức lao động chưa cao, tiềm năng lao động chưa được khai thác tốt. Đại biểu đề xuất bổ sung vào mục tiêu tổng quát trong báo cáo của Chính phủ thêm một mục tiêu là cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội.
Trong bài viết ngắn này chỉ nêu ý kiến của một số chuyên gia về năng suất lao động trong kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, trước hết, muốn tăng năng suất lao động trong kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn thì phải đẩy mạnh tuyên truyền để nhanh chóng xóa được sự manh mún, nhỏ lẻ, phân tán trong sản xuất trên cơ sở tập trung hoặc tích tụ đất đai. Thứ hai, xây dựng chuỗi ngành hàng một cách bài bản với doanh nghiệp là đầu tàu và hợp tác xã là nòng cốt. Thứ ba, sớm hoàn thiện thể chế về khởi nghiệp để thu hút trở lại những thanh niên tinh hoa về lại nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Thứ tư, triển khai nhiều phương thức đào tạo nghề nông hiện đại cho nhà nông cả về kỹ thuật, kỹ năng và quản trị để sớm có đội ngũ công nhân nông nghiệp hay nông dân chuyên nghiệp. Thứ năm, có cơ chế khuyến khích thành lập các trung tâm dịch vụ kỹ thuật hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Thứ sáu, đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường về thị trường lao động và thị trường công nghệ. Thứ bảy, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thứ tám, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ và công nghiệp.
Thứ chín, chuyên gia Nguyễn Bích Lân, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động là thách thức lớn đối với nước ta, nhưng trong bối cảnh tự do hóa thương mại và cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, nếu chúng ta có định hướng phát triển đúng và giải pháp hiệu quả thì đây lại là cơ hội để Việt Nam vươn lên mạnh mẽ hơn. Theo ông, điểm căn bản để thúc đẩy tăng trưởng, chính là cải thiện năng suất lao động thông qua sự đồng bộ các giải pháp về thể chế, chính sách; giải pháp chung cho nền kinh tế và giải pháp cho khối doanh nghiệp.
Không tăng được năng suất lao động, chúng ta không thể giàu.