Với lợi nhuận hấp dẫn, vài tháng nay, nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư, chuyển từ đất trồng lúa, các loại cây ăn quả khác sang trồng sầu riêng với diện tích hàng chục ha.
Gần đây, giá bán sầu riêng ở mức cao, mang lại lợi nhuận hấp dẫn, nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư, chuyển từ đất trồng lúa, các loại cây ăn quả khác sang trồng sầu riêng.
Nếu việc này không được kiểm soát, quản lý tốt thì có thể sẽ xảy ra tình trạng mất kiểm soát vùng trồng, cung-cầu “lệch pha.”
Vườn sầu riêng được trồng gần đây ở huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Anh Trần Thanh Dũng ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) trồng 200 cây sầu riêng trên diện tích 1ha. Sau hơn 4 năm trồng, anh Dũng có 120 cây mang trái vụ đầu tiên cho thu hoạch gần 11 tấn quả. Với giá bán 120.000 đồng/kg, anh Dũng thu về trên 1,2 tỷ đồng.
“Để đạt kết quả tốt như thế, tôi đã trải qua nhiều khó khăn về kỹ thuật trồng, xử lý ra hoa, nuôi quả; chi phí đầu tư cao hơn nhiều so với những cây trồng khác. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch, tốn khoảng 3,5 triệu đồng/cây, chưa kể tiền thuê đất. Nhưng may mắn bán sầu riêng được giá cao, tôi rất mừng vì đã thu hồi được vốn đầu tư,” anh Dũng chia sẻ.
Theo anh Trần Thanh Dũng, lúc trước, bà con ở lân cận khu vực anh sống chủ yếu là trồng lúa. Sau này, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nên có nhiều người chuyển sang trồng sầu riêng.
Cùng với 1ha sầu riêng vừa thu hoạch vụ đầu tiên, anh Dũng cũng đã đầu tư trồng thêm sầu riêng trên diện tích 2ha đất còn lại của gia đình.
Đối với sầu riêng, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch mất 4-5 năm và tốn nhiều chi phí. Để “lấy ngắn nuôi dài,” anh Dũng cũng như nhiều nhà vườn trồng xen canh sầu riêng với một số loại cây nhanh thu hoạch như mít, ổi, đu đủ...
Vườn sầu riêng rộng 13.000m2 của anh Lê Văn Chính ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) được 28 tháng tuổi. (Ảnh: Nhựt An/TTXVN)
Anh Lê Văn Chính, ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, trồng 13.000m2 sầu riêng được 28 tháng tuổi với số vốn đầu tư đã rót vào vườn hơn 300 triệu đồng.
Gần đây, nhận thấy giá sầu riêng tăng cao, lợi nhuận hấp dẫn nên đã thuê thêm khu đất trồng lúa rộng 6.000m2 để cải tạo, trồng sầu riêng.
Anh Chính cho hay đã thuê khu đất này trong thời gian 15 năm với giá 360 triệu đồng để cải tạo ruộng thành vườn, anh đã đầu tư hơn 70 triệu đồng thuê máy múc đất, đắp mô, làm hệ thống tưới nước, thuê nhân công. Tháng 4 tới, gia đình sẽ xuống giống 150 cây sầu riêng Thái.
Theo ông Phạm Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, với giá bán như thời gian gần đây, cây sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chỉ cần giá trung bình từ 50.000 đồng/kg trở lên thì thu nhập cao gấp 4-5 lần trồng lúa. Đặc biệt, nếu xử lý cho sầu riêng ra quả trái vụ thì giá bán cao gấp đôi mùa thuận.
Năm 2022, diện tích trồng sầu riêng ở xã Tân Kiều khoảng 8ha, đến nay phát triển lên gần 20ha và thời gian tới diện tích sẽ tiếp tục tăng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, giá sầu riêng tăng cao (trên 100.000 đồng/kg), có lúc đỉnh điểm lên hơn 200.000 đồng/kg. Với lợi nhuận hấp dẫn từ loại cây này, vài tháng nay, nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Tháp đã đầu tư, chuyển từ đất trồng lúa, các loại cây ăn quả khác sang trồng sầu riêng với diện tích hàng chục ha.
Cuối năm 2022, tổng diện tích trồng sầu riêng của Đồng Tháp trên 2.380ha, tập trung nhiều ở các huyện Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Tháp Mười. Dự kiến đến năm 2025, diện tích sầu riêng của Đồng Tháp khoảng 3.000ha.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cùng với một số địa phương khác, nhiều người dân ở Đồng Tháp cũng đang đầu tư trồng sầu riêng vì có giá bán cao, thu lãi nhiều.
Tuy nhiên, diện tích trồng sầu riêng hiện nay của cả nước là khoảng 80 nghìn ha, sản lượng có nguy cơ vượt nhu cầu.
Sầu riêng của Việt Nam cũng đang có nhiều nước cạnh tranh, nhất là Thái Lan, Malaysia, Philippines nên việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không giữ được chất lượng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền khuyến cáo, bà con nông dân cần cân nhắc kỹ khi chuyển sang trồng sầu riêng. Vì ở khu vực có đất đai, khí hậu phù hợp, cây sầu riêng mới phát triển và cho năng suất tốt.
Từ khi trồng đến lúc thu hoạch mất nhiều năm và chi phí trồng sầu riêng rất cao, từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha nên nhà vườn rất cần có vốn.
Cùng với đó, sầu riêng là loại cây “khó tính,” đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa...
Ông Lê Quốc Điền cho biết tỉnh Đồng Tháp đang tập trung việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật canh tác sầu riêng để đảm bảo chất lượng; giúp nhà vườn Đồng Tháp làm chủ kỹ thuật trồng “né” vụ, thu hoạch không cùng thời điểm với các vùng trồng ở trong và ngoài nước.
Ngành nông nghiệp đã tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc quản lý chặt chẽ nguồn giống sầu riêng, đồng thời, quan tâm quản lý vùng trồng sầu riêng, đảm bảo phù hợp với quy hoạch của tỉnh, tránh việc phát triển tràn lan, trồng ngoài quy hoạch./.
Nhựt An (TTXVN/Vietnam+)
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.