Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 16 tháng 7 năm 2023 | 20:16

Kịch bản nào cũng cần nỗ lực cao nhất

Trên cơ sở tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm mới đạt 3,72%, xuất khẩu giảm 12,1%, CPI bình quân tăng 3,29%, thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, song tốc độ tăng trưởng kinh tế đã ghi nhận sự cải thiện, quý sau cao hơn quý trước (quý I GDP tăng 3,28%, quý II là 4,14%) và đưa ra 3 kịch bản dự báo cho kinh tế năm 2023.

Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP 5,34%, xuất khẩu giảm 5,64%, chỉ số CPI bình quân tăng 3,43%, thặng dư thương mại  9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP 5,72%, xuất khẩu giảm 3,66%, CPI bình quân tăng 3,87, thặng dư thương mại 10,3 tỷ USD.

Kịch bản 3: Tăng trưởng GDP 6,46%, xuất khẩu giảm 2,17%, CPI bình quân tăng 4,39%, thặng dư thương mại 6,8 tỷ USD. 

Ngày 4/7 vừa qua, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6-2023. Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Với tình hình hiện tại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng quý III và cả năm 2023. Tại kịch bản thấp, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%. Với kịch bản tăng trưởng đạt 6,5% thì tăng trưởng quý III đạt 7,4%, quý IV phải đạt 10,3%, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%. Và nhận định, đây là thách thức rất lớn.

Phân loại nhân hạt điều xuất khẩu. (Ảnh Vũ SinhTTXVN)

Trước đó, ngày 29/6, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết, mặc dù chưa như kỳ vọng nhưng đã xuất hiện những điểm sáng (xuất khẩu gạo, xuất khẩu rau quả, việc giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ thực hiện mục tiêu 3000 km đường bộ cao tốc,…), nền kinh tế có dấu hiệu tích cực khi hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tháng 5 và tháng 6 đang dần cải thiện, xu hướng tăng trưởng và ổn định được phần lớn các doanh nghiệp nhận định. Nhiều chính sách, giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2023 như chỉ tiêu Quốc hội giao là thách thức lớn.

Bà Hương cho rằng, thách thức lớn là bởi kinh tế thế giới có nhiều yếu tố bất định, nhiều nền kinh tế chủ chốt tiếp tục thắt chặt tiền tệ do lạm phát còn cao. Xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường yếu…

Trong bối cảnh đó, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng, để đạt được mục tiêu, Chính phủ cần nhìn thẳng vào những vấn đề khó khăn của nền kinh tế, có định hướng lựa chọn rõ ràng (tăng trưởng kinh tế hay lạm phát hoặc cả hai).

Theo bà Nguyễn Thị Hương, để đạt được tăng trưởng tích cực trong năm 2023 cần sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và nhân dân. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với mọi tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Ở góc độ tích cực hơn, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Phó vụ trưởng Phụ trách Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia nhìn nhận, dù còn nhiều khó khăn nhưng 6 tháng cuối năm kinh tế nước ta vẫn có triển vọng tăng trưởng bởi sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng tốt, bảo đảm ổn định thị trường tiêu dùng nội địa và nguồn cung xuất khẩu. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng trưởng do du lịch gia tăng. Việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên tục giảm lãi suất điều hành là cơ sở để giảm lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, khơi thông khó khăn trong sản xuất hiện nay. Thuế VAT giảm 2% sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh...

Theo nhiều chuyên gia và dư luận xã hội, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng dù theo kịch bản nào thì nút thắt kỷ cương hành chính phải được xử lý nghiêm minh, nhanh chóng tháo gỡ. Điều này cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhiều người cho rằng, việc Bộ Giao thông Vận tải nới thời gian đăng kiểm xe ôtô là việc để các ngành khác phân tích, áp dụng trong lĩnh vực của mình. Thứ hai là, đẩy mạnh xuất khẩu những nông sản đang có lợi thế, như gạo, rau quả, cà phê, điều,… Đẩy mạnh khai thác 15 FTA đã có hiệu lực, kết hợp mở thị trường ngách. Cần coi trọng thị trường thực phẩm Halal bởi dân số thế giới theo đạo Hồi rất lớn. Mở rộng đường đi chính ngạch cho nông sản vào thị trường Trung Quốc. Đa dạng hóa sản phẩm thủy sản, đồ gỗ… Các ngành, địa phương cần có giải pháp cụ thể cho từng ngành hàng, từng sản phẩm… Và trên hết, dù là kịch bản nào thì cũng cần sự nỗ lực cao nhất, theo tinh thần của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chỉ có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt thì mới vượt qua được thách thức.

Để gỡ khó cho nền kinh tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp với sự phân công rất cụ thể. Nhiệm vụ bây giờ là triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất có thể.

 

Hiền Anh
Ý kiến bạn đọc
Top