PGS.TS. Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho rằng: Kinh tế vườn là một mũi nhọn của ngành Nông nghiệp. Nói đến kinh tế vườn - vườn hàng hóa, điều tất yếu là phải hướng đến thị trường, liên kết với doanh nghiệp trong canh tác, sơ chế, chế biến, tiêu thụ và bản thân người làm vườn phải liên kết trong tổ hợp tác, hợp tác xã.
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động trong điều kiện mới để hỗ trợ hội viên, nghề làm vườn, kinh tế vườn tốt hơn.
Sản xuất gắn với thị trường
Sơn La là tỉnh có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển cây ăn quả, giúp người dân có nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định cuộc sống. Từ năm 2017 đến nay, diện tích đất trồng cây ăn quả và sản lượng trái cây của Sơn La liên tục tăng. Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả của Sơn La đạt gần 85.000ha; sản lượng 453.554 tấn, so với năm 2017, diện tích tăng 91,2%, sản lượng tăng 210,5%. Một số cây ăn quả chính có giá trị hàng hóa lớn, đã hình thành vùng sản xuất tập trung, như: Nhãn ở các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu; xoài Yên Châu; na Mai Sơn; mận, bơ ở Mộc Châu; sơn tra (táo mèo) ở Mường La, Bắc Yên, Thuận Châu...
Nhãn Sông Mã đạt 7.500 ha, chiếm 70,23% diện tích cây ăn quả của huyện, sản lượng trên 75.000 tấn.
Phong trào làm kinh tế VAC, trang trại được các cấp Hội Làm vườn ở Bắc Giang quan tâm chỉ đạo. Bắc Giang hiện có 3.262 trang trại, trong đó có 171 trang trại đạt tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Năm 2022, Hội Làm vườn các huyện, thành phố trồng mới 24.232 cây ăn quả các loại, cải tạo 326ha vườn tạp; nâng cấp, cải tạo 318ha ao hồ, có 539 hộ nuôi con thủy đặc sản…
Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: trồng bưởi hữu cơ của Hợp tác xã Tiêu thụ Nông sản Tân Mộc ở thôn Tân Đồng, xã Tân Mộc, huyện Lục Ngạn với diện tích gần 2ha, 600 gốc bưởi, trừ chi phí, thu lãi 800 triệu đồng. Mô hình liên kết giữa hộ ông Phạm Văn Quý, thôn Vĩnh An với Công ty chăn nuôi E.MOSS Việt Nam (Song Khê - Nội Hoàng) sản xuất, tiêu thụ gà thịt với sản lượng 157,5 tấn/năm; doanh thu 4 tỷ đồng/năm; lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/năm...
Thời gian qua, Hội Làm vườn Bắc Giang đã tích cực vận động hội viên tham gia phong trào thi đua làm kinh tế VAC, trang trại giỏi, cải tạo vườn tạp, ao hồ thành VAC thâm canh, chuyên canh, trang trại môi trường sinh thái, đưa các giống cây trồng - vật nuôi có năng suất cao, giá trị kinh tế lớn vào sản xuất kinh doanh. Tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất VAC, sản xuất hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Tây Nguyên có khí hậu thuận lợi cho phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lâm nghiệp, cây dược liệu chất lượng cao, sản lượng lớn và khả năng cạnh tranh, như cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, cao su, sắn, gỗ, sâm Ngọc Linh....; phát triển chăn nuôi đại gia súc, nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh; trong đó, Tây Nguyên đứng đầu cả nước về sản lượng cà phê, hồ tiêu, bơ, chanh leo.
Vùng Tây Nguyên hiện có 163.500 ha các loại cây trồng được trồng xen trong vườn cà phê, bằng 25,1% tổng diện tích cà phê. Các tỉnh có diện tích trồng xen lớn là Đắk Lắk (81.400 ha, bằng 38,1% tổng diện tích cà phê của tỉnh), Đắk Nông (51.200ha, bằng 38%), Lâm Đồng (23.000ha, bằng 13,1%), Kon Tum (5.900ha, bằng 20,5%), Gia Lai (1.600 ha, bằng 1,6%).
Phát triển kinh tế vườn phải tạo ra chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, nếu sản phẩm làm ra mà không có nơi tiêu thụ thì hiệu quả sẽ không cao, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Chính vì vậy, việc tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm phải gắn với tiêu thụ. Các địa phương tại Tây Nguyên cùng với các hộ nông dân đang từng bước tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định thông qua những chương trình hợp tác, ký kết với các đối tác trong nước để tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như tìm các đối tác nước ngoài để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch và chính ngạch được nhiều chuyên gia nhấn mạnh.
Tăng cường kết nối, chế biến
Phần lớn nông sản của Việt Nam nói chung, sản phẩm kinh tế vườn nói riêng, chủ yếu là tiêu thụ tươi, dẫn tới giá trị mang lại chưa cao, đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều mặt hàng tiêu thụ gặp khó. Do vậy, việc đẩy mạnh chế biến sâu, kết nối vùng, mở rộng thị trường tiêu thụ được xem là việc làm sống còn.
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Đa dạng hóa sản phẩm chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường. Thu hút các cơ sở chế biến nông sản tập trung quy mô công nghiệp, đảm bảo tiêu thụ nguyên liệu nông sản để chế biến và xử lý chất thải bảo vệ môi trường sinh thái là vấn đề cần được các địa phương quan tâm nhiều hơn.
Những năm gần đây, Bắc Giang là điểm sáng trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là các loại cây ăn quả.
Đặc biệt, tổ chức đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản sang thị trường các nước. Đẩy mạnh việc nắm bắt thông tin liên quan đến các hiệp định thương mại để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi khắt khe liên quan quy tắc xuất xứ, quy định liên quan vệ sinh, môi trường, lao động và quy trình công nghệ xuất khẩu nông sản được các địa phương xác định là việc cấp bách.
Việc tăng cường kết nối, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hội Làm vườn Việt Nam cho hội viên là vấn đề được nhiều đơn vị Hội ở trung ương và địa phương quan tâm.
Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-BNNPTNT-HLV giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT - Hội Làm vườn Việt Nam nêu rõ: Phối hợp triển khai các chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ do ngành Nông nghiệp và PTNT quản lý về khoa học công nghệ, khuyến nông; xây dựng nông thôn mới; liên kết sản xuất và tiêu thụ; kinh tế hợp tác; xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề nông thôn; di dân, tái định cư, ổn định dân cư; hợp tác quốc tế, tập trung vào một số nội dung.
Phối hợp nghiên cứu và tổng kết, nhân rộng các mô hình hiệu quả, đặc biệt là những mô hình sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp. Xây dựng và nhân rộng một số mô hình khuyến nông sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình vườn mẫu, vườn chuẩn nông thôn mới nâng cao; các mô hình nông nghiệp mới như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp chuyển đổi số, nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ,...), phát triển các sản phẩm OCOP; mô hình làng thông minh, làng nông thuận thiên.
Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu, biểu dương các tập thể, cá nhân điền hình tiên tiến trong phong trào phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái bền vững, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Nghị quyết liên tịch số 06 được triển khai hiệu quả sẽ góp phần phát triển kinh tế VAC đạt năng suất cao, chất lượng tốt, số lượng nhiều, gắn với thị trường, đưa nghề làm vườn lên tầm cao mới, hòa cùng ngành Nông nghiệp - PTNT và cả nước thực hiện thành công định hướng xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.