Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 28 tháng 11 năm 2023 | 10:54

Lai Châu chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả

Trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được nhiều địa phương của tỉnh Lai Châu thực hiện trong nhiều năm qua.

Phong trào chuyển đổi này được cụ thể hóa bằng những mô hình cụ thể.

Hiệu quả từ trồng chanh leo trên đất Dào San

Nhằm nâng hiệu quả sử dụng đất, đưa các loại cây ăn quả vào trồng thay thế diện tích lúa, ngô cho năng suất thấp, thời gian qua, một số hộ dân của xã Dào San (huyện Phong Thổ) trồng thử nghiệm cây chanh leo. Hiện, chanh leo đang dần khẳng định vị thế khi đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Tới bản Dền Thàng B hỏi về mô hình trồng chanh leo và phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình anh Giàng A Nủ ai cũng biết. Bởi, anh là người đầu tiên của xã trồng chanh leo. Cùng cán bộ xã, chúng tôi đến thăm vườn chanh leo của gia đình anh Nủ. Quãng đường khá vất vả khi thời điểm này, trên địa bàn Dào San thường có mưa phùn, con đường mòn do người dân tự mở có độ dốc cao nên trơn trượt, phải đi bộ gần 1km.

Gặp gỡ và trò chuyện với chúng tôi, anh Nủ cho biết: Sau nhiều lần đi đến các xã trong và ngoài huyện, tôi thấy bà con trồng cây chanh leo mang lại hiệu quả kinh tế. Tôi tìm hiểu và được biết cây chanh leo tím thích hợp trồng ở vùng á nhiệt đới, độ cao trung bình từ 1.000 - 2.000m so với mực nước biển. Trong khi Dào San thuộc vùng khí hậu nhiệt đới, độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, khí hậu trong lành, mát mẻ, phù hợp trồng loại cây này. Nhất là trồng chanh leo không mất nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư ít. Tháng 12/2022, tôi đầu tư trồng 2ha chanh leo tím trên đất nương. Vừa làm tôi vừa tìm tòi, học hỏi trên mạng và qua sách, báo kỹ thuật đào hố, trồng và chăm sóc chanh leo đảm bảo đúng kỹ thuật.

Cán bộ xã Dào San thăm mô hình trồng chanh leo của gia đình anh Giàng A Nủ.

Đưa chúng tôi đi tham quan khu đất nương trồng 1.200 gốc chanh leo đang sinh trưởng tốt và đã cho quả, anh Nủ hồ hởi: “Chanh leo có chu kỳ sinh trưởng khoảng 5 năm. Trong khi đó, cần lưu ý chuẩn bị đất trước 1 tháng, làm sạch cỏ dại, tàn dư thực vật rồi rắc vôi để khử trùng đất, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây phát triển. Đặc biệt, tôi lựa chọn sử dụng phân chuồng để bón cho cây. Chanh leo không bị sâu bệnh và tháng 5 vừa rồi cho lứa quả đầu tiên với sản lượng và chất lượng khá tốt. Giá bán lẻ từ 10-15 nghìn đồng/kg tùy thời điểm và tùy loại quả.

Quả chanh leo của gia đình anh Nủ có vị chua nhẹ, ngọt hậu, khách hàng phản hồi khá tốt và thường đặt hàng với số lượng lớn, thường xuyên. Chỉ sau 7 tháng bán quả, gia đình anh thu hơn 70 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Trồng chanh leo không chỉ đem lại thu nhập mà còn giải quyết việc làm cho thành viên trong gia đình và một số lao động nông thôn trong và ngoài xã.

Chia sẻ với chúng tôi về triển vọng của cây chanh leo, anh Vương Biên Thùy - Chủ tịch UBND xã cho biết: Thành công từ mô hình trồng chanh leo của anh Giàng A Nủ đã khẳng định được sự phù hợp cũng như lợi ích mà cây chanh leo mang lại. Do đó, xã đã khảo sát nguyện vọng của bà con trên địa bàn và xây dựng kế hoạch trình huyện để xin chủ trương hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật triển khai nhân rộng mô hình. Qua đăng ký của bà con và căn cứ điều kiện thực tế, dự kiến tới đây, xã sẽ triển khai trồng 21ha chanh leo. Để đảm bảo kế hoạch trồng và đem lại năng suất, sản lượng tốt, vừa qua UBND xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức lớp dạy kỹ thuật trồng chanh leo cho trưởng bản, bí thư chi bộ và người dân trên địa bàn.

Anh Gì A Hồ ở bản Hợp 2 chia sẻ: Được cán bộ xã vận động, nhất là hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng chanh leo của anh Nủ tôi đã đăng ký trồng 600 gốc chanh leo. Vừa qua, tôi tham gia lớp dạy kỹ thuật trồng chanh leo nắm được những kiến thức cơ bản từ cách đào hố, kỹ thuật trồng, chăm sóc và nhận biết, phòng trừ sâu bệnh cho cây. Hiện, gia đình tôi đang làm đất và khi được Nhà nước cấp giống sẽ tiến hành trồng. Hy vọng cây chanh leo sẽ phát triển tốt, mang lại thu nhập cho gia đình đúng như kỳ vọng.

Với sự chủ động cùng quyết tâm phát triển cây chanh leo của chính quyền, nhân dân Dào San, hy vọng chanh leo sẽ tiếp tục bám rễ sâu, cho thêm nhiều mùa quả ngọt.

Thu nhập từ trồng dứa thơm cao gấp nhiều lần cây trồng khác

2 năm trở lại đây, cây dứa được một số địa phương trong tỉnh như: Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên đưa vào trồng trên các vùng đất khô cằn, thiếu nước. Với hiệu quả kinh tế bước đầu, dứa trở thành một trong những cây trồng mới, giúp bà con các bản vùng cao ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập.

Trên những vùng đất kém màu mỡ ở các bản: Che Bó, Sam Sẩu, đội 11 của xã Phúc Than (huyện Than Uyên), nhiều năm rồi, khó có cây trồng nào chịu được sức gió, sự khô hanh của nắng gắt và tình trạng thiếu nước thường xuyên. Ấy vậy, từ khi đưa cây dứa vào trồng, bà con có niềm hy vọng mới.

Chị Sùng Thị Cô ở bản Che Bó phấn khởi: Vùng đất từng bị bỏ hoang, nay đưa cây dứa lên xanh tốt, chúng tôi vui lắm. Cả bản có 5 hộ tham gia mô hình trồng dứa của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện từ năm 2021, đến cuối năm 2022 dứa cho thu hoạch. Tham gia mô hình, các hộ đều được hỗ trợ 70% giống, phân bón, còn lại gia đình đối ứng. Trong quá trình trồng, chăm sóc, cán bộ nông nghiệp thường xuyên hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật, cách phòng trừ sâu bệnh, nên cây trồng phát triển tương đối ổn định. Gia đình tôi trồng 1.000m2 dứa, thu hoạch và bán 15.000 đồng/kg quả, thu về 20 triệu đồng. Vừa rồi, gia đình trồng thêm lứa mới, cây giống tự nhân lên từ vườn dứa của nhà, chỉ cần mua phân bón.

Ở Nậm Nhùn, cây dứa cũng được người dân đưa vào trồng trên các vùng đất bạc màu, đất đồi trọc từ năm 2021 theo mô hình khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện làm thí điểm ở 4 xã: Nậm Hàng, Nậm Manh, Nậm Pì, Trung Chải với quy mô 3,5ha. Anh Nguyễn Viết Tuân - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết: Qua khảo sát, đánh giá thấy cây dứa phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, trung tâm quyết định triển khai mô hình. Từ đó, giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất, đưa giống mới vào trồng thay thế cây trồng truyền thống như: sắn, ngô kém hiệu quả để thoát nghèo bền vững.

Niềm vui được mùa dứa của bà con xã Nậm Hàng (huyện Nậm Nhùn).

Thấy cây dứa sinh trưởng, phát triển tốt trên các sườn đồi, năm 2022, nhiều hộ dân ở các xã: Lê Lợi, Nậm Manh mua giống về trồng, nhân ra diện rộng. Toàn huyện Nậm Nhùn đã có 30,6ha dứa được thu hoạch với năng suất đạt 27-28 tấn/ha. Trừ chi phí, các hộ trồng dứa thu lãi khoảng 50 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác trên cùng đơn vị diện tích. Hiện nay, bà con các xã cũng đang tiếp tục trồng thêm 3ha dứa.
Anh Lường Văn Lương ở bản Nậm Manh (xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn) chia sẻ: Cuối năm 2021, tôi và 2 hộ dân trong bản tham gia mô hình trồng dứa xen canh trên đất trồng 1ha xoài. Đầu năm 2023, chúng tôi thu hoạch lứa đầu tiên, quả to, chín vàng, thơm, ngọt đậm, bán tại chợ huyện giá 5.000 đồng/quả; hết vụ, thu lãi gần 50 triệu đồng. Tới đây, chúng tôi tỉa chồi dứa tiếp tục trồng vụ mới, dự dịnh mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập.

Tháng 4/2023, giống dứa Queen được Công ty Cổ phần Trà Than Uyên (huyện Tân Uyên) liên kết với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Quang Hà tỉnh Điện Biên đưa vào trồng trên đất trồng chè kém hiệu quả với diện tích 30ha. Đây là giống có khả năng chịu hạn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương; dễ trồng, dễ chăm sóc, chống xói mòn đất dốc. Toàn bộ diện tích 30ha dứa đang sinh trưởng, phát triển tốt.

Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 174ha dứa trồng tập trung tại các huyện: Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Than Uyên, Tân Uyên. Theo chia sẻ của các hộ dân, đơn vị tham gia trồng dứa và cơ quan thực hiện mô hình khuyến nông thâm canh dứa trên địa bàn tỉnh, trồng dứa có nhiều lợi ích. Không chỉ về khả năng chịu hạn, dứa còn có thể trồng xen vào các vườn cây ăn quả trong thời kỳ kiến thiết cơ bản để tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Mặt khác, bà con vừa thu hoạch quả vừa thu chồi giống, với giá bán trên thị trường từ 800 - 1.100 đồng/chồi; ước tính 1ha vườn dứa ban đầu sau khi tách chồi thu khoảng 70.000-90.000 chồi giống. Như vậy, bình quân 1ha dứa, người dân sẽ có thu nhập hơn 100 triệu đồng tiền bán quả và chồi giống.

Có thể thấy rằng, cây dứa đã và đang là cây trồng mang lại niềm tin thoát nghèo cho người dân, nhất là ở các bản vùng cao, vùng sâu, vùng có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi, bạc màu. Điều mong mỏi lớn nhất của các hộ trồng dứa là có đầu ra ổn định để không phải vượt qua những khó khăn về giao thông đưa nông sản đi tiêu thụ nhỏ, lẻ. Mong rằng, cấp uỷ, chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa, thu hút đầu tư và kết nối với đơn vị ngoài tỉnh tham gia liên kết trồng, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu và nâng cao giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp - ngành kinh tế chủ lực của tỉnh.

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Thu Lũm là xã biên giới đầu tiên của huyện Mường Tè về đích nông thôn mới. Nghị quyết Đại Đảng bộ xã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra chỉ tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm. Quyết tâm thực hiện, cả hệ thống chính trị xã nỗ lực triển khai các giải pháp.

Ông Lỳ Pó Chừ - Bí thư Đảng ủy xã Thu Lũm cho biết: Là xã biên giới xa nhất của huyện, Thu Lũm có 9 bản, trên 500 hộ dân với trên 81% dân tộc Hà Nhì. Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn, Đảng bộ xã xác định: tập trung lãnh, chỉ đạo phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện. Chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; phát triển cây dược liệu; hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; thâm canh tăng vụ, tăng năng suất, sản lượng.

Chủ động đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, chăn nuôi có chuồng trại, bán chăn thả. Cùng với đó, triển khai quyết liệt, đồng bộ 3 chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đầu tư các công trình phúc lợi xã hội, mở rộng phát triển hoạt động dịch vụ - thương mại, nhất là một số dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân. Tăng cường phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung theo hướng bền vững, tăng năng suất, sản lượng. Phát triển sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị nông sản; chuyển đổi hình thức sản xuất quy mô nhỏ sang thâm canh, tăng vụ, có sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Hiện, xã đã quy hoạch, tập trung nguồn lực phát triển 3 vùng kinh tế: Khu vực có độ cao trên 1.500m so với mặt nước biển thực hiện công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng và chăm sóc ổn định trên 500ha cây thảo quả; phát triển cây dược liệu, trong đó chú trọng vào sâm Lai Châu; khuyến khích người dân mở rộng diện tích ớt trung đoàn. Khu vực có độ cao từ 800m-1.500m duy trì diện tích ruộng và tiến hành thâm canh tăng vụ. Còn vùng có độ cao dưới 800m trồng xen cây mắc-ca trên diện tích trồng sả, sa mu và khai hoang mở rộng diện tích ruộng, quy hoạch vùng trồng sa nhân tím dưới tán rừng, trồng quế.

Cán bộ xã Thu Lũm hướng dẫn dân bản Pa Thắng chăm sóc cây mắc-ca.

Anh Lê Tam Thanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thanh Nga (bản Thu Lũm) chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng lợi thế của địa phương, chúng tôi thành lập HTX chuyên thu mua, chế biến nông sản cho nhân dân. Cây thảo quả và ớt trung đoàn là thế mạnh của xã. Từ năm 2020, HTX đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm thảo quả sấy khô và quả ớt trung đoàn ngâm giấm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Duy trì sản lượng cung ứng ra thị trường, hằng năm, HTX thu mua hàng chục tấn thảo quả và ớt, tạo nguồn thu ổn định cho bà con, thậm chí có gia đình thu về hàng trăm triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, HTX sẽ phấn đấu nâng hạng OCOP 4 sao đối với các sản phẩm này.

Xác định đúng, trúng hướng đi mới, đột phá trong phát triển kinh tế, tỷ lệ che phủ rừng của xã đạt trên 82,4% (vượt 7% so với chỉ tiêu nghị quyết); bình quân lương thực đầu người đạt 521kg/năm (đạt gần 118% chỉ tiêu nghị quyết). Từ các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, nhân dân trong xã trồng trên 167ha cây sa nhân tím, trên 131ha cây mắc-ca, gần 2ha cây dược liệu, trong đó gần 0,5ha sâm Lai Châu; ngoài ra có khoảng 500ha cây sả, trên 10ha ớt trung đoàn... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 33 triệu đồng/năm, đạt gần 92% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã.

Một trong những người đi đầu, thực hiện hiệu quả việc chuyển đổi trồng cây lương thực sang trồng cây bí xanh đó là anh Hoàng Văn Phe, bản Phương Nam (Mường Khoa, Tân Uyên). Anh Phe chia sẻ: Gia đình đang tuốt cho xong chỗ lúa vừa gặt để chuẩn bị thu hoạch vụ bí xanh. Năm nay, bí xanh có giá 8.000 đồng/kg nên chúng tôi đang khấp khởi mong chờ.

Anh Phe là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng bí xanh tại bản Phương Nam. Hiện, có 6 hộ liên kết với Công ty TNHH MTV Rau quả Ngọc Linh Sơn La (Công ty rau quả Ngọc Linh) để trồng giống bí xanh Nova 2009. Năm nay là năm thứ 3 gia đình anh trồng bí xanh trên diện tích 8.000m2. Trước đây gia đình anh trồng lúa nhưng khi Công ty rau quả Ngọc Linh về xã vận động người dân trồng, liên kết, bao tiêu sản phẩm và được định hướng của xã, bản nên anh mạnh dạn chuyển đổi diện tích lúa sang trồng bí xanh.

Theo anh Phe, nuôi bí xanh giống như nuôi “con mọn”, thời điểm bí xanh bén rễ, leo giàn, anh phải dành hết thời gian ở ngoài vườn để làm thế nào cho bí xanh tăng khả năng thu hút chất dinh dưỡng nuôi quả; rồi hướng ngọn bí xanh ở hốc này bò sang hốc kia, sau đó mới cho leo giàn… Đồng thời, thường xuyên chú ý theo dõi để phát hiện sâu bệnh hại và đề xuất công ty cấp thuốc phòng trừ kịp thời. Đến khi bí xanh chuẩn bị thu hoạch thì tỉa bớt lá, cắt những quả nhỏ, cong queo, để dành phần dinh dưỡng nuôi quả khác.

Vườn bí sai trĩu quả của gia đình anh Hoàng Văn Phe.

8.000m2 bí xanh của gia đình anh Phe mới trồng đầu tháng 9 vừa qua song đến nay đã cho thu hoạch. Chỉ sau 2 tháng có thể thu về 1 vụ. Mỗi lần ra thăm vườn, những quả bí xanh dài sai lúc lỉu và “lớn nhanh như thổi” sau mỗi đêm càng khiến anh có thêm động lực để trồng. Theo tính toán, cứ mỗi 1.000m2 gia đình anh thu 5-6 tấn quả. Diễn biến giá thị trường có vụ chỉ 2.000 đồng/kg, nhưng vụ này, theo thông tin của đơn vị bao tiêu, giá bí xanh lên tới 8.000 đồng/kg. Năm ngoái, riêng trồng bí, anh thu về 100 triệu đồng, nếu vụ bí xanh này giá ổn định, tối thiểu anh cũng có trong tay gấp đôi số tiền trồng bí xanh năm ngoái. So với trồng cây lương thực khác, cây bí xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Anh Phe cho hay: “Thu hoạch bí xanh đến đâu được thu tiền về đến đó, “tiền tươi thóc thật” nên có động lực để làm. Xong vụ lúa này, tôi tiếp tục chuyển đổi 2.000m2 trồng lúa sang trồng bí xanh”.

Với hiệu quả thấy rõ từ trồng bí xanh, nhiều nông dân trên địa bàn huyện nói chung, xã Mường Khoa nói riêng đang tích cực chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực hiệu quả thấp sang trồng bí xanh. Kết quả đó một phần được “tiếp lửa” từ anh Phe. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay đối với các hộ trồng bí xanh ở bản Phương Nam đó là 2 đầu cầu bắc qua sông rất khó đi, lởm chởm đá sỏi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Đây là cây cầu được đầu tư từ Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương do Ngân hàng Thế giới cho vay nhưng không được đầu tư ở phần 2 đầu cầu. Giờ đây nông sản người dân làm ra đều rất khó vận chuyển đi tiêu thụ vì trắc trở giao thông. Do đó, anh Phe cũng như nhiều hộ trong bản mong Nhà nước quan tâm đầu tư hoặc hỗ trợ một phần để bà con có con đường thuận lợi chuyên chở nông sản.

Theo baolaichau.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top