Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 14 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 13 tháng 2 năm 2024 | 20:43

Lai Châu đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND ngày 23/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua tỉnh Lai Châu đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, người dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Từ đó, tạo tính ổn định, bền vững trong phát triển kinh tế địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân. 

Nghị quyết số 13/2019/NQ-HĐND được ban hành nhằm cụ thể hoá một số mức chi hỗ trợ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP và bổ sung thêm nội dung hỗ trợ hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm khuyến khích phát triển các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn căn cứ chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn địa phương, đơn vị thực hiện nghị quyết. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì tổ chức thực hiện, tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn, theo dõi, báo cáo tình hình triển khai và thực trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phong Thổ cùng đại diện đơn vị bao tiêu sản phẩm chanh leo hướng dẫn người dân xã Bản Lang kỹ thuật chăm sóc chanh leo. 

UBND tỉnh cũng xây dựng và tổ chức thực hiện hội nghị xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối giao thương, tăng cường hợp tác, đầu tư phát triển vào lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ đạo các sở, ngành kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Với các cách làm phù hợp, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt, triển khai thực hiện tổng số 106 chuỗi giá trị, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thuộc Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ 6 HTX tham gia hoạt động liên kết về: trang thiết bị máy móc, vật tư, giống phân bón, bao bì, tập huấn kỹ thuật với tổng kinh phí 3.430 triệu đồng.

Điển hình phải kể đến dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa séng cù. Thời gian thực hiện, từ năm 2022-2024, do Công ty TNHH MTV Giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc (thành phố Lai Châu) liên kết với 14 tổ hợp tác gồm 483 hộ dân ở thị trấn Tam Đường và các xã: Thèn Sin, Hồ Thầu, Bình Lư (huyện Tam Đường). Quy mô thực hiện 118ha. Được biết, séng cù là một trong những sản phẩm gạo đặc trưng của địa phương, gạo có chất lượng thơm, ngon, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, việc tự sản xuất không qua liên kết tiêu thụ sản phẩm nên thị trường không ổn định, không khẳng định được chất lượng, thương hiệu gạo của địa phương.

Từ khi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã mở rộng, ổn định thị trường tiêu thụ, góp phần nâng tầm giá trị cho gạo séng cù. Công ty đã thỏa thuận, thống nhất với các tổ hợp tác cùng xây dựng phương án liên kết, thực hiện các điều khoản của hợp đồng liên kết. Hiệu quả kinh tế của dự án mang lại rõ rệt, năng suất lúa đạt 55 tạ/ha, giá trị đạt 66 triệu đồng/ha (cao hơn 1,2 - 1,3 lần so với trồng lúa đại trà của người dân).

Hay như dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau, củ quả trên địa bàn xã Mường Kim (huyện Than Uyên) thực hiện từ năm 2022-2024 với các sản phẩm tiêu thụ chính là khoai tây, bí xanh thực hiện quy mô 23ha/năm. HTX Nông nghiệp Anh Đạt (trụ sở tại xã Mường Kim) liên kết với tổ hợp tác sản xuất rau củ quả xã Mường Kim thực hiện liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, giá trị sản xuất mang lại cao. Anh Nguyễn Trọng Hưởng - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Than Uyên cho hay: "Khoai tây năng suất trung bình 18 tấn/ha, giá bán 8.000 đồng/kg, giá trị sau trừ chi phí 60 triệu đồng/ha. Bí xanh năng suất 60 tấn/ha, giá bán 5.000 đồng/kg, giá trị trừ chi phí 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với gieo trồng lúa đại trà của người dân".

Hợp tác xã Nông nghiệp Anh Đạt thu mua sản phẩm liên kết của nhân dân xã Mường Kim (huyện Than Uyên). 

Thông qua việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển kinh tế, tạo tính ổn định, bền vững. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, với các sản phẩm, ngành hàng quan trọng có giá trị kinh tế cao theo định hướng phát triển của tỉnh.

Mặt khác thông qua các dự án, kế hoạch liên kết, giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, khắc phục những bất lợi về quy mô, diện tích, trình độ sản xuất; giảm thiểu rủi ro trong sản xuất kinh doanh; khắc phục tình trạng “được mùa, mất giá”. Người dân được tiếp cận các quy trình kỹ thuật, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong việc trồng, chăm sóc các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích tạo vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản nhằm nâng cao tính hiệu quả của liên kết, nâng cao thu nhập cho doanh nghiệp, người dân tham gia liên kết. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp so với tập quán canh tác trước đây.

Anh Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ cho hay: "Liên kết là hướng phù hợp để hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn. Với huyện Phong Thổ, việc liên kết bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân được thực hiện với một số mặt hàng nông sản như: chanh leo, xoài, lúa, chè… Thực tế việc liên kết tại huyện đã giúp doanh nghiệp, người dân có thêm thu nhập, đầu ra sản phẩm ổn định, người dân yên tâm gắn bó lâu dài".

Không những vậy, nông sản được sản xuất theo hướng liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm còn được kiểm soát một cách chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào đến khâu chăm sóc, thu hoạch và bảo quản, chế biến nên các sản phẩm tạo ra theo các chuỗi liên kết đảm bảo đáp ứng được các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Thông qua liên kết còn giúp giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần đảm bảo an ninh, chính trị và đời sống cho người dân tại các vùng tham gia liên kết.

Tam Đường phát triển kinh tế nông nghiệp, giảm nghèo bền vững

Đi dưới tiết trời mưa xuân lất phất, cây cối đâm chồi nảy lộc, chúng tôi về thăm quê hương Tam Đường để cảm nhận sự đổi thay về đời sống, vật chất, tinh thần của người dân đang được cải thiện. Trên khắp các sườn đồi hoa đào, hoa lê đua nhau khoe sắc. Bà con phấn khởi sửa sang nhà cửa để đón tết Nguyên đán vui tươi, đầm ấm.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Sùng Lử Páo - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Tam Đường là huyện thuần nông, đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vẫn cao. Huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân tích cực lao động sản xuất; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện chính sách dành cho hộ nghèo đầy đủ, công khai và kịp thời. Từ đó, người dân nâng cao ý thức tự lực, tự cường, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Nông dân huyện Tam Đường thu hoạch quả sơn tra.

Năm 2023, huyện được giao tổng dự toán trên 88 tỷ đồng thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025) tại 13 xã, thị trấn với 126 bản.

Đối với dự án 1, giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt dự toán năm 2023 huyện được giao 312 triệu đồng, đến nay đã giải ngân đạt 100%. Mỗi hộ được hỗ trợ 3 triệu đồng mua téc chứa nước. Tại xã Bình Lư có 12 hộ được hỗ trợ 36 triệu đồng; xã Nùng Nàng có 92 hộ được hỗ trợ 276 triệu đồng mua téc, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh của bà con. 

Hay như, dự án 2, đầu tư quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết năm 2023, huyện có tổng dự toán giao 4.986 triệu đồng, hiện nay đã giải ngân đạt 100%. Từ đó, huyện quy hoạch, hoàn tất mặt bằng, chuẩn bị sắp xếp, di dời, bố trí 70% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác tại bản Na Đông (xã Thèn Sin) có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở. Đồng thời, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn bảo đảm kế hoạch, ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

Ngoài ra, huyện còn khởi công mới 36 dự án, trong đó có 19 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, phát huy được hiệu quả và công năng sử dụng góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Toàn huyện tổ chức 33 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 1.000 học viên tham gia; tổ chức 38 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết việc làm cho 2.023 lao động, đạt 175,9% kế hoạch năm. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có những cách làm hay, sáng tạo, khơi dậy ý chí của người dân trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Bà con tự nguyện đóng góp sức người, sức của cùng Nhà nước xây dựng đời sống mới ở khu dân cư. Người dân thay đổi nhận thức từ thả rông sang nuôi nhốt gia súc, đầu tư xây dựng chuồng trại. Huyện có tỷ lệ tăng trưởng gia súc đạt 6,1%/năm. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bà con đột phá về nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới đạt 42 triệu đồng/người/năm. 

Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, các cơ quan chuyên môn của huyện đã phối hợp cùng các địa phương thường xuyên kiểm tra quản lý, sửa chữa, khai thác hiệu quả 160 công trình với 435,5km kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn nhân dân chăm sóc, theo dõi, phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng đã thực hiện liên kết sản xuất từ những năm trước. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, liên kết với người dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hướng hàng hóa như: cây chanh leo, lúa hàng hóa, cây ớt, bí xanh và cây sắn dây… Năm qua, huyện triển khai dự án liên kết trồng mới 300,37ha cây chanh leo; 148,8ha lúa hàng hóa; 4,1ha cây ớt; 2,8ha cây bí xanh và 10ha cây sắn dây, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân. Nhờ đó, trên địa bàn huyện có hàng trăm hộ dân tự nguyện xin thoát khỏi diện hộ nghèo.

Về thăm bản Phiêng Pẳng (xã Bản Bo), trước mắt chúng tôi là kết cấu hạ tầng khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Để diện mạo nông thôn khởi sắc, thời gian qua, bà con khai thác tiềm năng đất đai, nguồn nước trồng rau, chè, lúa, kinh doanh và nuôi nhốt gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Mỗi hộ dân luôn nỗ lực thâm canh, tăng vụ cây trồng; đầu tư xây dựng mô hình nuôi nhốt gia súc quy mô lớn. Nhiều hộ phát triển mô hình vườn, ao, chuồng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Chị Lò Thị Phanh ở Phiêng Pẳng tâm sự: “Những năm gần đây, gia đình tôi thay đổi nếp nghĩ, nâng cao ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước như trước đây. Gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi diện tích nương ngô kém hiệu quả sang trồng 2ha cây chè kim tuyên chất lượng cao; nuôi nhốt 11 con trâu sinh sản và hơn 100 con gà, vịt. Năm 2023, thu nhập gần 100 triệu đồng, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình”.

Nông dân huyện Tam Đường trao đổi kinh nghiệm trồng dong riềng.

Hiện nay, người dân xã Sơn Bình cũng từng bước phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo nhanh và bền vững. Xã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và bảo vệ rừng. Nhiều hộ tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo, dong riềng, lúa chất lượng cao. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện. Năm 2023, toàn xã giảm 102 hộ nghèo (giảm 11,16% hộ nghèo).

Theo người dân ở xã Sơn Bình thì cán bộ xã, bản thường xuyên xuống tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người dân phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững. Đồng thời, xác định rõ công tác giảm nghèo là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi hộ dân nhằm tạo động lực cho bà con chủ động phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Bà con giúp đỡ nhau mọi lúc, mọi nơi như: ốm đau, bệnh tật, thiên tai, bão lũ. Từ đó, xã đưa công tác giảm nghèo thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Với nỗ lực nâng cao ý thức tự lực, tự cường, phát triển kinh tế của người dân, tin rằng, thời gian tới, huyện Tam Đường tiếp tục giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.   

Trên cánh đồng no ấm

Nhắc đến xã Mường Than (huyện Than Uyên) nhiều người sẽ nhớ đến câu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”. Là xã có cánh đồng lúa lớn được mệnh danh lớn thứ ba ở khu vực Tây Bắc, đất đai màu mỡ, người dân chăm chỉ, cần cù lao động, sáng tạo trong chuyển đổi cây trồng cũng như mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Trò chuyện với một số bà con xã Mường Than, chúng tôi được biết từ bao đời nay, nhờ có cánh đồng rộng lớn, màu mỡ cùng ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo mà nhiều hộ dân đã trở thành triệu phú. Điển hình như gia đình chị Đỗ Thị Lả ở bản Mường - là một trong những gia đình mạnh dạn đi đầu trong thực hiện chuyển đổi diện tích gieo cấy lúa sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Với diện tích 2.000m2 cấy lúa 2 vụ thu nhập không cao, song từ khi được cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, gia đình chị tích cực làm theo. Mùa nào cây nấy, vụ thì trồng bí xanh, vụ trồng cải thảo, rồi trồng ớt chỉ thiên; đồng thời gia đình chị còn thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm nên không còn lo được mùa mất giá, được giá mất mùa. Chị Lả chia sẻ: "Từ khi chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, sang trồng cây có giá trị kinh tế nên mỗi năm gia đình tôi có thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng. Hiện nay, không chỉ có gia đình tôi mà còn nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên phát triển kinh tế khá từ chuyển đổi cây trồng".

Trồng ớt chỉ thiên là một trong những hướng phát triển kinh tế bền vững của người dân xã Mường Than.

Với cánh đồng rộng lớn, bằng phẳng, nước tưới tiêu đảm bảo và gần đường quốc lộ, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tận dụng lợi thế này, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền xã Mường Than đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, ngày 22/02/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, cấp ủy, chính quyền xã Mường Than đã cụ thể hóa bằng những chương trình, hành động cụ thể.

Xã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu giống cây trồng, thâm canh, tăng vụ, trong đó quy hoạch và mở rộng vùng sản xuất rau màu an toàn, tập trung với diện tích hơn 130ha tại các bản: Sen Đông, Xuân Phương, Cẩm Trung… Trong đó, có 80ha rau an toàn với đa dạng các loại rau có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng như: rau muống, cà chua, cải các loại, mướp, bầu, bí, mồng tơi…

Ngoài ra, xã còn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap; cách sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục; tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng ủ bón cho rau. Khuyến cáo bà con thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh nhằm hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng thuốc có trong danh mục, đảm bảo liều lượng theo đúng yêu cầu. Đồng thời, phối hợp với một số công ty liên kết tổ chức các buổi hội thảo chuyển giao quy trình ươm giống, trồng, chăm sóc, thu hái bí đao xanh; sản xuất lúa, dâu tây theo quy chuẩn VietGAP. Một số mô hình đã thực hiện quy trình đóng gói, tiêu thụ sản phẩm như: gạo tẻ tròn, dâu tây đóng hộp, bí đao xanh.

Bên cạnh đó, xã có 405ha lúa hàng hóa và đang tiếp tục thực hiện 44ha lúa Vass-16 theo chuỗi liên kết bao tiêu tại bản Hua Than và bản Đông; thực hiện 19ha lúa theo quy trình VietGap tại bản Ngà. Đặc biệt hiện nay người dân đang thực hiện trồng 6,2ha ớt chỉ thiên theo hình thức liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu Phúc An Phát (tỉnh Hải Dương). Với phương châm không để đất nghỉ, người dân trên địa bàn xã Mường Than đã thực hiện có hiệu quả thâm canh, tăng vụ trên chân ruộng lúa, từ đó mang lại thu nhập ổn định, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Ông Đàm Vũ Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than cho biết: "Tận dụng những tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, đến nay số hộ có thu nhập khá, giàu từ sản xuất nông nghiệp ngày càng nâng lên, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 7,48% (tính hết năm 2023). Để tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục chỉ đạo nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, có liên kết bao tiêu sản phẩm. Đồng thời tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững".

 

Theo baolaichau.vn

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Hiệu quả “kép” từ vườn ổi ở Miếu Bông

    Chúng tôi về thôn Miếu Bông, xã Hoà Phước (huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng), tham quan vườn ổi vừa cho thu hoạch quả, vừa thu lá để làm thuốc, mang lại hiệu quả kinh tế cao của chị Đỗ Thị Thanh Thúy.

  • Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Làm giàu từ nuôi chim chào mào

    Nuôi chim cảnh đã giúp một thanh niên khởi nghiệp thành công, vươn lên làm giàu, đó là trường hợp của anh Trần Hữu Vinh (31 tuổi, ở ấp 5, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Từ việc nhân nuôi giống chim chào mào đột biến (giống lai) đã giúp chàng trai trẻ này có thu nhập tiền tỷ.

  • Tiên phong nuôi dúi, chàng trai Tày tạo sinh kế mới

    Tiên phong nuôi dúi, chàng trai Tày tạo sinh kế mới

    Với sự nhạy bén và tinh thần dám nghĩ, dám làm, chàng trai trẻ Hoàng Văn Nghinh ở bản Khuổi Vèng, xã Vĩnh Yên (Bảo Yên - Lào Cai) đã tiên phong nuôi dúi, loài động vật hoang dã giàu tiềm năng kinh tế.

Top