Năng động trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đam mê học hỏi, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất… là những ưu điểm khi bà con nông dân nhắc về anh Dương Minh Sang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận (xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp).
Anh đã tạo “làn gió mới” trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn ở địa phương.
Tư duy về nông nghiệp sạch
Tốt nghiệp THPT, anh Dương Minh Sang theo học Khoa Nông học, Trường Đại học Nông - Lâm TP. Hồ Chí Minh. Đến năm 2000, anh tốt nghiệp ra trường và trải qua nhiều công việc trong ngành nông nghiệp. Trong quá trình làm việc, anh Sang nhận thấy, xã Long Thuận quê anh sở hữu tiềm năng lớn trong sản xuất rau màu nhưng việc canh tác còn manh mún, nhỏ lẻ nên đầu ra bấp bênh. Với suy nghĩ đó, anh ấp ủ dự định cùng nông dân quê nhà sản xuất rau theo hướng an toàn với đầu ra ổn định.
Anh Sang chủ động mang sản phẩm đi giới thiệu tại các chương trình, lễ hội trong và ngoài tỉnh.
Chia sẻ về hành trình ban đầu, anh Sangnhớ lại: “Mùa đầu tiên bắt tay vào làm, do còn thiếu kinh nghiệm nên nông sản làm ra bị hư nhiều, không thể xuất bán ra thị trường. Hơn nữa, thời điểm năm 2018, thị trường vẫn còn hoài nghi về sản phẩm nông sản sạch nên đầu ra thiếu ổn định. Dù khá lo lắng nhưng tôi vẫn quyết tâm xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn”.
Từ vụ đầu tiên không thành công, anh Sang tiếp tục tích lũy kiến thức và kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn trồng rau an toàn. Trong đó, HTX chú trọng công tác tuyên truyền, vận động các thành viên tuân thủ quy trình sản xuất, sử dụng các loại phân vi sinh, phân hữu cơ, giảm thiểu sử dụng các loại phân bón hóa học. Các loại nông sản đều được trồng từ giống thuần chủng và canh tác theo quy trình khép kín.
Với quy trình nghiêm ngặt từ khâu canh tác cho đến thu hoạch, vận chuyển và đóng gói nên sản phẩm của HTX đạt chất lượng, được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm của HTX ngày càng tạo dựng được uy tín, niềm tin đối với người tiêu dùng thông qua các đơn đặt hàng từ doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Ông Đặng Văn Chí, thành viên HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận, cho biết: “Trước kia, người nông dân ở đây sản xuất không theo quy trình, đa số dùng phân bón hóa học. Năm 2018, khi rau an toàn còn chưa phổ biến, anh Sang tập hợp, hướng dẫn nông dân quanh vùng canh tác hạn chế sử dụng các loại phân hóa học, thay vào đó là các loại hữu cơ vi sinh. Đến nay, HTX sản xuất theo hướng an toàn, tăng năng suất, chất lượng, không độc hại, đảm bảo sức khỏe cho người lao động trực tiếp và người tiêu dùng. Với hướng đi đúng đắn của HTX, sản phẩm rau có đầu ra ổn định, không phải lo chuyện “được mùa, mất giá” như trước”.
HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng với 23 sản phẩm rau, củ, quả như: cải xanh, cải ngọt, rau thơm, gừng, hành lá, gạo ST 25... Sản phẩm rau, củ, quả của HTX được công nhận số diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 18ha. Cùng với đó, HTX còn phát triển thêm các sản phẩm đóng gói như: củ cải muối, dưa muối, gừng sấy, hành lá sấy... Đến nay, HTX có 82 thành viên tham gia sản xuất.
Anh Sang hướng dẫn cho thành viên chăm sóc rau an toàn theo đúng quy trình.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Long Thuận, cho biết: “Hiện nay, mô hình canh tác nông nghiệp của HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận được xem là một trong những mô hình tiêu biểu của huyện và là mô hình điểm của Hội Nông dân huyện trong sản xuất rau an toàn. Anh Dương Minh Sang là người có tư duy đột phá, chịu khó học hỏi, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, đưa HTX đi vào hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao cho thành viên”.
Góp phần nâng tầm nông sản địa phương
Với những thành công ban đầu, hướng đến sản xuất mang tính bền vững, anh Sang mạnh dạn mở rộng sản xuất, xây dựng thêm kho chứa thành phẩm và sơ chế đóng gói. Từ đó, thu hút thêm thành viên tham gia là những kỹ sư ngành nông nghiệp trẻ để cùng sản xuất, phát triển thị trường. Hàng tuần, HTX cung cấp sản phẩm rau, củ quả an toàn theo hợp đồng cho 9 đơn vị, doanh nghiệp với số lượng 1,2 tấn sản phẩm. Hàng năm, lợi nhuận của HTX chia sẻ cho thành viên đạt hơn 22%/cổ phần; giải quyết được một số lượng lớn lao động tại địa phương. HTX cũng tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 3 sản phẩm 3 sao (năm 2021) và chuẩn bị được công nhận thêm 3 sản phẩm là hành lá sấy, gừng sấy, gạo ST25.
Toàn bộ quy trình sản xuất, đóng gói của HTX luôn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thông tin về định hướng trong thời gian tới, anh Sang chia sẻ: “Thời gian tới, với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương, tôi sẽ quyết tâm đầu tư công sức, trí tuệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, từng bước gây dựng và đưa HTX phát triển ngày càng lớn mạnh”.
Ông Nguyễn Văn Khơi, Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, cho biết: “Thời gian qua, HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Long Thuận tạo ra “làn gió mới” trong việc sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn trên địa bàn huyện. Huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ cho HTX duy trì phát triển, nhân rộng thêm nhiều mô hình trồng rau sạch trên địa bàn. Cùng với đó, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho các mô hình kinh tế tập thể của huyện ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất; ứng dụng chuyển đổi số; tập trung phát triển và nâng cao chất lượng nhãn hiệu hàng hóa và tăng cường xúc tiến thương mại... hướng tới nền “nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.