Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 9 tháng 11 năm 2022 | 10:13

Lan tỏa phong trào xây dựng “vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu”

Sau khi có chủ trương đồng ý và hỗ trợ kinh phí từ UBND tỉnh, những tháng đầu năm, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa đã phát động cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu tỉnh Thanh Hóa năm 2022”.

Đây là cuộc thi hoàn toàn mới trên địa bàn tỉnh nhằm thúc đẩy việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp về tích tụ đất đai, phát triển sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất để nâng cao hiệu quả ngành nông nghiệp.

Nông dân hưởng ứng

Khoảng thời gian từ tháng 3 đến giữa năm 2022, cuộc thi được phát động rộng rãi về các địa phương theo kênh Hội Làm vườn và Trang trại các huyện. Theo thể lệ, cuộc thi sẽ có tổng số 63 giải thưởng, trong đó 27 giải “Vườn đẹp” và 21 giải “Trang trại kiểu mẫu” được lựa chọn trao giải nhất, nhì, ba và khuyến khích; 15 giải cho các Hội Làm vườn và trang trại cấp huyện xuất sắc trong tổ chức cuộc thi ở cơ sở... Tuy kinh phí trao giải chưa đầy 200 triệu đồng, chia cho mỗi giải không nhiều, song cuộc thi vẫn tạo được hiệu ứng, nhiều nông dân tham gia nhiệt tình.

Anh Tiếp (xã Tân Phúc, huyện Nông Cống) có trang trại tổng hợp lọt vào vòng thi cấp tỉnh Cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Qua tổng hợp từ ban tổ chức cuộc thi, đã có tổng cộng hơn 1.500 chủ vườn, 1.000 trang trại tại hơn 500 xã, thị trấn của 21 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia. Sau vòng khảo sát ban đầu, có 800 vườn và 360 trang trại của 300 xã được lựa chọn đủ điều kiện dự thi. Trên cơ sở các tiêu chí và khung điểm có sẵn, ban giám khảo cấp huyện gồm thành viên Hội Làm vườn và trang trại cấp huyện, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, hội nông dân và các đoàn thể liên quan của cấp huyện đã tham gia chấm điểm vòng 1 từ cấp cơ sở.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại thị xã Nghi Sơn, cho biết: Sau khi được Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa phát động cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu”, chúng tôi đã tuyên truyền đến hội viên tại 31 xã, phường. Sau đó, gần 100 hội viên có vườn và trang trại đăng ký tham gia. Căn cứ theo các tiêu chí đã được phổ biến, Huyện hội đã chấm, sàng lọc để chọn ra 2 vườn và 2 trang trại điển hình nhất, phù hợp với các tiêu chí sản xuất an toàn để dự thi cấp tỉnh.

Tại huyện Như Thanh, cuộc thi còn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía UBND huyện nên đã cấp kinh phí để Hội Làm vườn và Trang trại huyện cùng phòng nông nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức một cuộc thi tương tự như cấp tỉnh nhằm lựa chọn ra những vườn và trang trại tốt nhất.

Bà Lê Thị Dung, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Như Thanh, cho biết: Sau khi phát động cuộc thi, trên địa bàn huyện đã có 49 chủ hộ đăng ký dự thi, trong đó có 32 chủ vườn và 17 chủ trang trại. Sau 3 vòng thi, huyện đã lựa chọn được 3 trang trại và 6 vườn có kết quả cao nhất để gửi hồ sơ dự thi cấp tỉnh. Tại Như Thanh, cuộc thi cấp cơ sở còn được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa ở vòng thi cuối cùng.

Nhân lên điển hình nông dân, chủ trang trại sản xuất, kinh doanh giỏi

Sau khi triển khai ở cấp huyện, cuộc thi cấp tỉnh sẽ diễn ra 3 vòng, trong đó: vòng 1 sẽ chấm theo hồ sơ và hình ảnh, vòng 2 chấm điểm trên thực địa và vòng 3 các chủ vườn và chủ trang trại sẽ thuyết trình về các nội dung liên quan. Hiện đã chấm xong 2 vòng và theo kế hoạch, vòng 3 của cuộc thi sẽ diễn ra trong tháng 11 với 15 vườn và 15 trang trại tốt nhất để thi chung kết với hình thức sân khấu hóa, diễn thuyết trực tiếp.

Theo ông Trần Đức Năng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa, cuộc thi hướng tới thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, lan tỏa các điển hình nông dân, các chủ trang trại sản xuất, kinh doanh giỏi; đồng thời đồng hành cùng Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong tiêu chí sản xuất, phát triển vườn hộ, vườn mẫu... “Khi mới phát động cuộc thi, chúng tôi gặp nhiều thách thức, nhiều huyện hội chưa nhiệt tình, nhưng khi tăng cường tuyên truyền và hướng tiếp cận, không ngờ có nhiều nông dân tham gia đến vậy. Đây chính là cơ sở và động lực để chúng tôi xin tỉnh tổ chức cuộc thi những năm sau” - ông Năng cho biết.

Khích lệ tinh thần dám thay đổi

Thời gian gần đây mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình ông Nguyễn Trọng Dung thôn Ao Mè, xã Yên Lạc (Như Thanh, Thanh Hóa) được các chủ trang trại và nhiều đoàn khách đến tham quan. Một số hộ trong vùng cũng học tập, quyết định phá vườn tạp và rừng keo kém hiệu quả, du nhập kỹ thuật để trồng nhãn siêu ngọt kết hợp chăn nuôi.

Theo Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại huyện Như Thanh Lê Thị Dung, trên địa bàn huyện có nhiều vườn đồi nhưng trang trại vườn đồi gia đình ông Dung có hướng đi rất hiệu quả, được đánh giá cao về tính bền vững. Vợ chồng ông cũng rất cần cù, liên tục cập nhật những kiến thức mới, sẵn sàng thay đổi để thích ứng với phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Trang trại tổng hợp này cũng được chúng tôi lựa chọn giới thiệu để tham gia cuộc thi “Vườn đẹp, trang trại kiểu mẫu tỉnh Thanh Hóa năm 2022”.

Nhiều đoàn khách đến tham quan, học tập mô hình kinh tế đồi rừng của gia đình ông Dung.

Ông Nguyễn Trọng Dung, chủ trang trại trồng trọt ở thôn Ao Mèo, xã Yên Lạc, chia sẻ: “Nghe tin có cuộc thi về trang trại kiểu mẫu cấp tỉnh, chúng tôi đăng ký tham gia ngay. Từ các yêu cầu tiêu chí, vợ chồng tôi liên tục cải tạo để trang trại thêm sạch đẹp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống tưới nhỏ giọt để dự thi. Đến nay, đã lọt đến vòng thi thứ 2 của cấp tỉnh”.

Đến thăm mô hình kinh tế đồi rừng mới nổi của ông Dung, từ xa nhìn lên triền đồi thoai thoải là một màu xanh cây lá trải dài ngút ngàn. Từng hàng nhãn được trồng thẳng tắp gắn với hệ thống tưới nhỏ giọt bán tự động, những dãy sưa, khu vực trồng dong riềng... được bố trí theo quy hoạch. Từ hàng hoa trồng cảnh chạy dọc ngõ đồi đến từng luống rau thơm, cây ăn quả quanh nhà đều được cắt tỉa chăm bón, mang đậm dấu ấn của những bàn tay chuyên cần.

Nói về quá trình biến đất cằn thành vùng đồi cho thu nhập tiền tỉ mỗi năm, ông Dung chia sẻ: “Với 12ha đất đồi rừng, ban đầu cũng chỉ là đồi hoang, đất trống, cằn cỗi. Khoảng 5 năm trở về trước gia đình trồng keo là chính, những diện tích đất bằng phía dưới được trồng mía và dứa gai. Nhận thấy nhiều đất canh tác nhưng thu nhập không cao, tôi quyết tâm tìm hướng đổi mới. Sau khi đến Hưng Yên tìm hiểu các mô hình trồng nhãn siêu ngọt, lại được tham quan một mô hình đi trước tại huyện Nông Cống, tôi đã mạnh dạn phá bỏ những cây truyền thống để thay bằng nhãn siêu ngọt Hưng Yên. Thấy khâu khó nhất là kỹ thuật nên tôi tìm ký hợp đồng với Công ty TNHH Giống cây trồng Minh Đức ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cung cấp cây giống, cử cán bộ kỹ thuật về phụ trách và chuyển giao nhiều tháng liền”.

Mạnh dạn chặt bỏ cây keo và nhiều cây truyền thống hiệu quả kinh tế thấp, từ năm 2020 gia đình ông Dung đã dành 1,8ha để hình thành vùng chuyên canh 1.500 gốc nhãn siêu ngọt. Với sự định hướng của chuyên gia đến từ tỉnh bạn, nhãn được trồng bài bản theo hướng áp dụng khoa học - kỹ thuật mới, có hệ thống tưới nhỏ giọt bằng hệ thống bơm đẩy lên tận đồi cao. Trên phía đỉnh đồi là những dãy cây sưa được trồng từ những năm trước, nay đã và đang đến kỳ thu hoạch. Quanh nhà là hệ thống chuồng trại, nhiều loại cây ăn quả như mít, hồng xiêm, dổi ăn hạt và ao thả cá...

Nhờ tư duy dám thay đổi, gia đình ông Dung đã biến khu vườn đồi của gia đình thành trang trại tổng hợp trù phú và biến từng tấc đất đồi quê hương thành những “tấc vàng” với giá trị canh tác kết hợp chăn nuôi mang lại hiệu quả bậc nhất tại huyện Như Thanh hiện nay.

 

 

Nhật Nam
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh long vàng - hướng đi mới

    Thanh long vàng - hướng đi mới

    Hiện nay, một số farm tại Bình Thuận đang tìm hướng đi mới cho cây thanh long. Thanh long vàng có cơ chế tự vệ, lớp vỏ bóng dày, do đó, không bắt thuốc bảo vệ thực vật. Và kháng côn trùng tự nhiên nên thanh long vàng thích hợp sản xuất hữu cơ.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top