Với tổng diện tích gần 4.000 hecta, cây na đã trở thành "biểu tượng" nông sản tỉnh Lạng Sơn với giá trị kinh tế hàng năm đều đạt từ 1.300 – 1.500 tỷ đồng. Những năm gần đây, nhờ tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, quả na gối vụ tại địa phương này đã mang lại năng suất cao, đem lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân.
Những ngày cuối năm, anh Triệu Văn Thành (thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) tất bật chăm sóc vườn na đang ra quả gối vụ. Nhờ áp dụng quy trình kỹ thuật, năm nay gia đình anh có trên 2 hecta na gối vụ cung cấp cho thị trường, ước tính doanh thu từ 50 - 70 triệu đồng. Anh Triệu Văn Thành chia sẻ, để trồng thành công na gối vụ vào mùa đông khô cằn và lạnh giá, người trồng phải lựa chọn những diện tích vườn đồi chủ động được nguồn nước tưới.
“Hiện tại, gia đình tôi đang có khoảng 2 hecta sản xuất na trái vụ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Đặc điểm của na gối vụ là không phải chăm sóc kỹ như vụ chính, vụ này mình có thể chủ động hơn từ lúc ra hoa đến khi đậu trái, sau đấy về phần chăm sóc thì chỉ thêm phần bọc túi nilon để tránh ruồi vàng, còn phân bón thì mình cũng bón y như vụ chính”, anh Triệu Văn Thành chia sẻ.
Na Chi Lăng có hai loại là na dai và na bở, nhưng dù loại nào cũng sẽ có hương vị khác biệt so với những giống na ở những vùng khác với những đặc điểm vỏ mỏng, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt và vị ngọt thanh. Ông Trần Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết, nhờ phát triển cây na mà nhiều hộ dân đã có thu nhập khá từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Để khuyến khích người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, địa phương đang tiếp tục hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng vụ.
“Hiện nay, xã chúng tôi tập trung vào phát triển cây na, hiện nay tổng diện tích cây na tại địa phương là 439 hecta, hàng năm đều cho thu nhập rất tốt. Để phát triển thêm loại cây đặc sản này, chúng tôi đã hướng dẫn nhân dân ngoài na chính vụ thì tiếp tục cho mọi người làm cây na gối vụ. Những năm gần đây na gối vụ phát triển rất tốt, từ 10 hecta làm thí điểm, hiện nay đã phát triển hơn 50 hecta về na gối vụ”, ông Trần Minh Tuấn cho hay.
Trước đây, theo cách trồng truyền thống thì na chỉ cho thu hoạch một vụ/năm. Thế nhưng từ khi người dân tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đặc biệt là phương pháp “thụ phấn chủ động” thì cây na có thể cho thu hoạch 2 vụ/năm. Thời điểm thu hoạch na chính vụ từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 8, còn na gối vụ cho thu hoạch từ cuối tháng 10 đến hết tháng 12. Quả na gối vụ có đặc điểm là mọc ra từ thân cây, được hấp thụ nhiều dưỡng chất nên có giá trị dinh dưỡng cao, thơm mùi đặc trưng nên dễ tiêu thụ và được giá cao.
Anh Đoàn Tiến Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng thông tin, giá bán na gối vụ năm nay cao hơn so với năm ngoái, trung bình từ 30.000 – 50.000 đồng/kg; loại quả to đẹp hơn thì 60.000 – 80.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ khá sôi động và ổn định.
“Sau khi chuẩn bị vụ chính xong thì người dân sẽ tiến hành cắt tỉa cành để chuẩn bị cho sản xuất na gối vụ. Sau 1 khoảng thời gian, cây na sẽ tiếp tục ra hoa, cho na vụ gối thì người dân sẽ tiến hành thụ phấn na. Na gối vụ tuy số quả ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn bởi na vụ gối sẽ đảm bảo về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng ngon của quả na”, anh Đoàn Tiến Hậu cho biết thêm.
Với những ưu điểm về năng suất, cây na cho thu hoạch gối vụ đang có tiềm năng để phát triển thành một hướng sản xuất mới. Ngành nông nghiệp địa phương cũng định hướng đây là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho người nông dân, từ đó góp phần tạo sức bật cho việc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng Nông thôn mới với những nét đặc sắc riêng có của vùng đất Chi Lăng.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.