Quý III năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, lần đầu tiên nền kinh tế nước ta tăng trưởng âm.
Thực hiện chủ trương của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, ngày 5/12/2021, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 nhằm đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng nền kinh tế và lắng nghe những đề xuất, khuyến nghị từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp để tìm giải pháp đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng, những quyết sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ tạo được sự ổn định trong điều kiện bất ổn và bất định, khó lường, khó dự báo của thế giới.
Ngay sau Diễn đàn, Quốc hội khóa XV đã tổ chức Kỳ họp bất thường đầu tiên. Từ những đề xuất, khuyến nghị tại Diễn đàn, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng. Theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học, chủ doanh ngnhiệp và người dân: Từ Diễn đàn này, cuộc sống đã vào chính sách và chính sách mới đã vào được cuộc sống. Nhờ đó, tháo gỡ nhiều khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Thực tế là, việc triển khai kịp thời những chính sách từ cuộc sống phục vụ cuộc sống đã giúp nền kinh tế lấy được đà phục hồi dù gặp những thách thức khó dự báo. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 7,5%, vượt xa mục tiêu Quốc hội đưa ra.
Từ thành công của Diễn đàn năm 2021, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định Diễn đàn kinh tế là một hoạt động thường niên của Quốc hội và từ năm 2022 diễn đàn có tên mới: Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam.
Từ tên gọi mới có thể thấy Diễn đàn năm nay không chỉ tập trung vào Kinh tế mà còn chú trọng các vấn đề Xã hội.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 được tổ chức ngày 18/9 vừa qua, trước Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV khoảng 1 tháng nên đây là dịp để các vị đại biểu Quốc hội, Quốc hội, Chính phủ cũng như các cơ quan tham mưu của Đảng có thêm luận cứ khoa học, thực tiễn và kinh nghiệm từ các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp để nắm chắc hơn thực tiễn, từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh - xã hội nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa “Xã hội” vào nội dung Diễn đàn vừa phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Quốc hội, vừa thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong thực hiện chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người lao động vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời, thể hiện tinh thần chủ động đổi mới của Quốc hội.
Trước phiên Tọa đàm cấp cao theo chủ đề của Diễn đàn “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, phục hồi và phát triển bền vững” là hai phiên thảo luận “Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” và “Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững”.
Qua tham luận và phát biểu của các diễn giả tại Diễn đàn, thấy: Diễn đàn đã khẳng định mạnh mẽ thông điệp nhất quán về kiên định ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô. Việc đánh giá tình hình là toàn diện và sát thực tế; nhiều lỗ hổng, bất cập về thể chế, quản lý của nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản, đất đai – nguồn lực đặc biệt quan trọng cho phát triển nói riêng được chỉ rõ. Nhiều chính sách triển khai chưa được như kỳ vọng, quyết sách đúng nhưng triển khai chậm, điển hình là gói hỗ trợ lãi suất 2% được đề cập… Các ý kiến còn cho thấy sự đồng thuận, thống nhất rất cao, nhất là việc hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật, đặc biệt là pháp luật về đất đai. Đồng thời đề cập đến yêu cầu cần phải có kế hoạch để hành động ngay việc hoàn thiện thể chế phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng. Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh, quy hoạch và an sinh xã hội.
Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng, những quyết sách của Đảng, Quốc hội và Chính phủ tạo được sự ổn định trong điều kiện bất ổn và bất định, khó lường, khó dự báo của thế giới. Cùng với củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững, Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa đến chính sách an sinh xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau. Và Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo mạnh mẽ việc cải cách thủ tục hành chính để những quyết sách phục hồi, phát triển kinh tế vào đời sống xã hội nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Hiền Trang