Năm 2023 đi qua với nhiều niềm vui và nỗi buồn của nhà vườn, nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp...
Hãy cùng Kinh tế nông thôn lắng nghe những chia sẻ và hy vọng của họ về năm mới 2024 - năm Giáp Thìn với nguồn năng lượng mới, nguồn lực mới.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC
Ông Nguyễn Thế Thắng, Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Nghệ An, cho biết, những năm qua, các cấp Hội từ tỉnh xuống thôn, xóm, bản và hội viên đã đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế VAC. Hội đã chú trọng công tác tập huấn, tham quan học tập, với phương châm “mỗi cán bộ Hội là một chuyên gia”, để từ đó đi sâu, đi sát trong việc chỉ đạo và thực hiện. Trên cơ sở đó, Hội đã chia thành nhiều nhóm mô hình như: Vườn chuẩn nông thôn mới, vườn công nghệ cao, vườn trên sân thượng, vườn VAC tổng hợp và xây dựng một số trang trại làm điểm du lịch canh nông. Xây dựng một số mô hình trồng cây ăn quả như: Trồng cam hữu cơ, trồng thảo dược, nuôi ốc bươu đen,… theo chuỗi giá trị bền vững, tạo ra sản phẩm OCOP, giúp nhiều hội viên vươn lên làm giàu, chính vì thế, số người gia nhập Hội ngày càng đông hơn.
Ông Nguyễn Thế Thắng trong vườn cam ở Cao Phong (Hòa Bình).
Mong rằng, trong năm Giáp Thìn - 2024, HLV Nghệ An tiếp tục nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các cơ quan, ngành, đoàn thể trong triển khai nhiệm vụ xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước.
Mô hình vườn mẫu góp phần xây dựng NTM kiểu mẫu
Chủ tịch HLV xã Chiến Thắng (An Lão, TP. Hải Phòng) Nguyễn Thế Phiệt chia sẻ, năm 2023, hoạt động của Hội luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của HLV TP. Hải Phòng, sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân phát triển kinh tế VAC, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Thế Phiệt, Chủ tịch HLV xã Chiến Thắng vận động người dân địa phương xây dựng mô hình vườn mẫu.
Bước sang năm mới 2024, HLV xã Chiến Thắng mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ của HLV thành phố và các cấp chính quyền địa phương, để phong trào của Hội ngày một phát triển sâu rộng. Hội sẽ tiếp tục vận động thêm nhiều hội viên triển khai xây dựng vườn mẫu theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, xây dựng nông thôn mới… Việc xây dựng nông nghiệp theo hướng hữu cơ sẽ tạo ra khuôn viên hộ xanh, sạch, đẹp, hình thành thói quen của người dân trong việc sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới kiểu mẫu.
Tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất nông nghiệp
Chị Nguyễn Thị Hà , Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương, xã Thụy Hương (Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) cho biết: Tôi gắn bó với nông nghiệp bằng niềm đam mê và sự yêu thích. Hơn 10 năm gắn bó với đồng ruộng, tôi đã tích tụ ruộng hoang hóa được hơn 200ha để cấy lúa. Ngoài ra, tôi còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm nông nghiệp của nông dân với diện tích 400 ha.
Chị Nguyễn Thị Hà thuê lại ruộng bỏ hoang của người dân để sản xuất lúa.
Bước sang năm 2024, tôi mong muốn sẽ được các cấp chính quyền địa phương cùng vào cuộc, đồng hành với người làm nông nghiệp như tôi. Tạo cơ chế thông thoáng để HTX có thể tích tích tụ ruộng đất, mở rộng diện tích liên kết, bao tiêu lúa, gạo, sản phẩm nông nghiệp cho các hộ nông dân sản xuất tập trung… HTX sẽ đầu tư máy đóng gói tự động để hoàn thiện lại bao bì, nhãn mác của bộ sản phẩm “Gạo ruộng rươi”. Đây là vấn đề HTX ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay, HTX Thuỵ Hương mới có gần 20ha được chứng nhận vùng sản xuất hữu cơ. Trong những năm tới, HTX sẽ nâng cao chất lượng các vùng sản xuất, để mở rộng diện tích chứng nhận vùng sản xuất hữu cơ.
Trồng ổi lê Đài Loan, tạo nguồn thu nhập cho nông dân
Chia sẻ với Kinh tế nông thôn, bà Ngô Thị Hằng (xã An Hoà, huyện An Dương, TP. Hải Phòng) cho biết: Ban đầu, khi còn đang phân vân không biết trồng cây gì để phát triển kinh tế gia đình thì em trai tôi khuyên trồng giống ổi lê Đài Loan, chất lượng quả ngon, giòn, ngọt… giá bán cao hơn loại ổi thông thường, lại được thị trường ưa chuộng. Em trai là thương lái buôn bán ổi có kinh nghiệm nên tôi nghe theo.
Bà Ngô Thị Hằng tiên phong chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
So với các loại cây trồng khác thì ổi cho thu nhập cao hơn, chi phí cũng thấp hơn, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tính từ 25/6 (âm lịch) đến nay, tôi thu được trên 150 triệu đồng tiền ổi, trừ chi phí, lãi hơn 100 triệu đồng. Tôi thấy trồng cây ổi Lê Đài Loan chăm sóc không khó, phù hợp với điều kiện đất đai tại An Hoà và thị trường tiêu thụ cũng rất ổn định. Trong thời gian tới, tôi tiếp tục cải tạo và mở rộng trồng thêm 7 sào ổi nữa (1 sào Bắc Bộ = 360m2), tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình.
Hy vọng năm mới, ổi sẽ trúng mùa, được giá.
Mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi
Ông Lý Văn Cầu, Giám đốc HTX Cầu Mây, xã Cam Cọn (Bảo Yên - Lào Cai) chia sẻ: HTX Cầu Mây chuyên thu mua vỏ quế tươi của bà con trên địa bàn xã, huyện. Chúng tôi chủ yếu thu mua quế tươi từ 10 năm tuổi trở lên, mỗi năm khoảng vài trăm tấn, về chế biến các sản phẩm như: quế sáo, quế điếu, trà quế cỏ ngọt... cung cấp cho các công ty xuất khẩu sang các nước châu Âu, Trung Đông, Ấn Độ. Năm 2023, giá mua trung bình 17.000 - 21.000 đồng/kg, so với 2 năm trước thì xuống mất 9-10 giá, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn thu nhập chính của bà con. Vì vậy, bà con cũng giảm bóc bán nên HTX thu mua chỉ hơn 100 tấn quế tươi, giảm 300-400 tấn so với năm trước.
Ông Lý Văn Cầu, Giám đốc HTX Cầu Mây.
Đặc biệt là, việc kết nối với các bạn hàng nước ngoài rất hạn chế, phần lớn phụ thuộc vào các công ty trung gian nên khó có cơ hội ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng quốc tế.
Để duy trì sản xuất ổn định và hiệu quả trong năm 2024, HTX Cầu Mây mong Nhà nước có cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho HTX để có được nguồn lực nâng cao năng lực sản xuất. Chúng tôi hy vọng có thêm nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối, đẩy mạnh xúc tiến thương mại hướng đến xuất khẩu của các sở, ban, ngành trong tỉnh nhằm tìm kiếm thêm cơ hội đầu ra cho sản phẩm được coi là ngành hàng chủ lực của Lào Cai. Chúng tôi cũng sẽ hết sức nỗ lực vượt qua khó khăn để HTX tiếp tục trở thành địa chỉ bao tiêu sản phẩm ổn định cho bà con địa phương và có cơ hội xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài.
Cần hỗ trợ đào tạo để nâng cao năng lực sản xuất
Ông Phan Nhật Quang, Giám đốc HTX Xuân Tiến, xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai) cho biết, HTX thành lập năm 2017, gồm 12 thành viên, quy mô sản xuất chăn nuôi trên 80.000 con gia cầm và 500 con lợn. Mỗi năm cung cấp ra thị trường 400-500 tấn gà thịt, 100 tấn lợn hơi. Với doanh thu khoảng hơn 40 tỷ đồng, lợi nhuận của HTX là hơn 4 tỷ đồng/năm. Thu nhập của các thành viên thấp nhất là 200 triệu đồng/năm, cao nhất hơn 2 tỷ đồng đồng/năm. HTX tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với thu nhập 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phan Nhật Quang Giám đốc HTX Xuân Tiến.
Những năm gần đây, ngành chăn nuôi đang hội nhập sâu vào kinh tế toàn cầu, đặt ra thách thức lớn với các nông trại và nông dân. Ví dụ cả trong và ngoài nước đổ xô đầu tư vào ngành chăn nuôi Việt Nam. Với lợi thế 3f là feed - farm – food (chế biến thức ăn gia súc, gia cầm - trang trại - thực phẩm), doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực vốn lớn, công nghệ hiện đại, quy mô toàn cầu đã gây khó khăn cho nông dân trong sản xuất, tiêu thụ..., đặc biệt, đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Khó khăn trong giai đoạn hiện nay của các nông trại và ngành chăn nuôi là 80% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu, trong khi rất ít sản phẩm chăn nuôi được xuất khẩu.
Là một trong những nhân tố tham gia trong lĩnh vực chăn nuôi, chúng tôi mong Nhà nước có chính sách phù hợp để phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu thực phẩm, có giá rẻ, nhất là thịt lợn, thịt gà để giữ giá hàng hoá, hạn chế tổn hại cho khu vực sản xuất trong nước. Cần rà soát các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về chăn nuôi tránh tình trạng lách luật, cạnh tranh không lành mạnh, chèn ép gây thiệt hại cho nông dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong muốn có chính sách đào tạo để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh cho doanh nghiệp nông nghiệp trong nước, chủ trang trại và nông dân.
Tăng thu nhập từ làm nông trại kết hợp du lịch
Giám đốc Bana Rita Glamping Farm ở xã Hoà Phú (Hoà Vang, TP. Đà Nẵng) - ông Lê Thanh Tuấn cho biết: Kể từ năm 2022, khi tham gia Đề án thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang, tôi mạnh dạn xây dựng dịch vụ du lịch sinh thái. Nhờ đó, thu nhập của nông trại ngày càng tăng, mở ra điều kiện sinh kế cho hàng chục lao động địa phương.
Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Bana Rita Glamping Farm.
Năm 2023, mặc dù kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thế nhưng, lượng khách đến nông trại vẫn ổn định và có phần tăng so với trước. Hy vọng, năm mới 2024, nông trại tiếp tục nhận được sự ủng hộ của du khách trong và ngoài nước, đạt được những thành công hơn nữa về mặt kinh tế nông nghiệp lẫn du lịch.
Ngăn chặn dịch bệnh, thị trường sẽ bình ổn
Ông Huỳnh Đình Vũ, chủ trang trại heo ở xã Quế Thuận (Quế Sơn -Quảng Nam) chia sẻ: “Năm 2023 là năm cực kỳ khó khăn của ngành chăn nuôi địa phương bởi dịch bệnh liên tục xảy ra, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nhưng giá heo hơi lại thấp, lại bị thương lái ép giá, chúng tôi luôn đứng trước nguy cơ phải bù lỗ.
Ông Huỳnh Đình Vũ - Chủ trang trại heo xã Quế Thuận.
Mong rằng dịp Tết Nguyên đán sắp tới, cũng như trong năm mới 2024, sức mua sẽ tăng lên, không gặp khó khăn về dịch bệnh hại cũng như giá thịt lợn hơi bình ổn, để doanh nghiệp chăn nuôi có thể thu lãi sau một năm kinh tế biến động vừa qua”.
Để cùng nhau phát triển
Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (Phú Yên), chia sẻ: Với vai trò là đơn vị kinh tế tập thể, HTX thực hiện thành công quy trình sản xuất sản phẩm từ khóm (dứa) theo chuỗi giá trị từ cung cấp cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. HTX không những tiêu thụ sản phẩm khóm của thành viên HTX mà còn tiêu thụ số lượng lớn khóm cho người trồng khóm khu vực huyện Phú Hòa, giúp cho hộ thành viên và nông dân tăng thu nhập, góp phần tích cực cùng địa phương trong xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế tập thể. Những sản phẩm làm từ khóm trồng ở địa phương mang thương hiệu của HTX đã được chứng nhận sản phẩm OCOP, được tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu.
Ông Nguyễn Hoàng Chương (ngoài cùng bên trái).
Trong năm qua, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Phú Yên gặp không ít khó khăn. Để phát triển ổn định và bền vững, định hướng của HTX trong năm mới là chia nhỏ đơn vị sản phẩm và liên kết với các nhà bán lẻ tại các chợ trong cả nước, đồng thời đẩy mạnh thêm thông tin về công dụng của từng sản phẩm. HTX cũng mong có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa với các doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh dưới hình thức cùng nhau phối hợp kinh doanh, chia sẻ, giới thiệu, sử dụng sản phẩm lẫn nhau… để cùng phát triển.
Năm 2024, nhiều doanh nghiệp, HTX tiếp tục cơ cấu hoạt động, xây dựng lại kế hoạch, chiến lược sản xuất, kinh doanh, phát huy tối đa nguồn lực và nắm bắt tốt cơ hội để sẵn sàng tăng tốc sản xuất, có sự bứt phá khi kinh tế hồi phục và phát triển.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.