Mặc dù đã ngoài 60 tuổi, ông Lê Minh Ứng vẫn không ngừng nghỉ, miệt mài chăm sóc vườn chanh dây được trồng tại thôn 5, xã Đạ Đờn (Lâm Hà - Lâm Đồng). Những lứa chanh dây đậu trái đẹp được ông chọn lọc và xuất bán cho thương lái, bình quân gia đình ông thu về 60 - 80 triệu đồng/tháng từ cây chanh dây.
Bí quyết làm giàu
Trong vườn chanh dây từng cành sai trĩu quả, ông Ứng hào hứng giới thiệu với chúng tôi: Vườn chanh dây tuy chỉ mới xuống giống hai năm trước, nhưng ngay từ vụ đầu tiên đã đậu trái và sinh trưởng tốt cho đến tận bây giờ.
Ông Ứng kể, trải qua bao nhiêu thăng trầm với cây cà phê, gần 10 năm trở lại đây, nhận thấy vườn cà phê đậu trái không chất lượng, cho năng suất thấp, công chăm sóc tốn kém, ông quyết định dừng lại.
Để có thể tận dụng tối đa ưu thế các điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, ông Ứng tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế mới cho hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương khác.
Gia đình ông bắt đầu chuyển sang trồng các loại cây khác như: ớt chỉ thiên, tiêu, chanh đào, su su. Mặc dù đã dành nhiều thời gian để thử nghiệm trồng, nhưng chỉ được một thời gian, các loại cây này đều không thể sinh trưởng tốt. Đầu năm 2021, ông có cơ duyên biết đến mô hình chanh dây từ những nhà nông các huyện, thành lân cận. “Trước đây, gia đình từng trồng chanh dây, nhưng chỉ với mục đích trồng chơi để làm giàn cho mát và không nghĩ sẽ phát triển kinh tế từ loại cây này. Năm 2021, trên 6.000m2 đất của gia đình, tôi bắt tay vào việc cải tạo, xử lý lại đất đai để trồng chanh dây”, ông Ứng chia sẻ.
Ông Lê Minh Ứng với mô hình trồng chanh dây cho thu nhập cao.
Theo ông Ứng, muốn cây chanh dây phát triển tốt, cần phải ưu tiên về các điều kiện sinh thái như đất đai. Chanh dây là loại cây ưa độ ẩm nên người trồng vừa tưới nước thường xuyên để tránh tình trạng cây bị thiếu nước, teo trái, vừa phải chú ý tình trạng ngập úng, đất bị rửa trôi, xói mòn khiến cây bị thối rễ, mất thu hoạch. Bên cạnh đó, mùa mưa chính là môi trường cho các loại vi khuẩn phát triển, gây bệnh; đặc biệt là bệnh bã trầu hay bệnh đốm nâu. Chính vì vậy, người dân khi trồng cần phải thường xuyên vệ sinh vườn, tạo không gian thoáng đãng và chỉ nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật có lợi cho cây cũng như để đảm bảo an toàn thực phẩm với người tiêu dùng. Có như vậy, vườn chanh dây mới có thể ra nhiều hoa, đậu nhiều trái và cho năng suất cao.
Hiện tại, vườn chanh dây của ông Ứng cho thu hoạch quanh năm, tỷ lệ đậu trái khá cao. Trung bình mỗi tuần, vườn cho thu hoạch 2 - 2,5 tấn chanh dây và được thương lái trên địa bàn các huyện Lâm Hà, Đức Trọng đến tận vườn thu mua. Ngoài ra, những lứa chanh dây đậu trái đẹp sẽ được ông Ứng chọn lọc và xuất bán cho thương lái tại TP Hồ Chí Minh. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông Ứng thu về 60 - 80 triệu đồng từ cây chanh dây.
Nhân rộng mô hình
Theo Hội Nông dân xã Đạ Đờn, ông Lê Minh Ứng là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng của địa phương. Không những là một trong những người tiên phong đưa mô hình chanh dây về trồng thành công trên địa bàn xã mà ông còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm về kĩ thuật chăm sóc, cây giống, đầu ra của cây chanh dây, với mong muốn có thể mang lại nguồn thu nhập ổn định hơn cho người dân.
Thời gian tới, Hội Nông dân xã Đạ Đờn sẽ tích cực tham mưu với Đảng ủy, chính quyền xã đề ra phương án và định hướng cụ thể nhằm phát triển cũng như nhân rộng mô hình chanh dây và các mô hình điển hình khác để góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.