Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 11 năm 2022 | 13:50

Lão nông trồng mắc ca giỏi ở Đắk Hà

Hơn 20 năm trước, nhờ may mắn và ham học hỏi, ông Trần Xuân Vịnh, một lão nông trồng mắc ca giỏi ở xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đã thành công từ cây mắc ca, và có thu nhập cao. Hiện, ông Vịnh đã thành lập HTX kiểu mới, và giúp bà con trồng mắc ca ổn định.

Ngược dòng khởi nghiệp

Ông Trần Xuân Vịnh, thôn 10, xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà (Kon Tum) cho biết, cách đây 18 năm, tình cờ xem ti vi thấy giới thiệu về “cây tỷ đô” (cây mắc ca) rất hấp dẫn, thuộc dòng cây rừng và rất dễ trồng. Địa chỉ bán cây giống là Viện cây trồng Trung ương. Không ngại đường xa, khó nhọc, ông đã khăn gói lên đường, về quê nhà ở Hưng Yên để tìm hiểu và mua cây giống về trồng.

Tuy nhiên, khi hỏi thăm mới biết, có 2 cơ sở Viện giống cây trồng Trung ương, 1 ở Vĩnh Phúc, 1 ở Ba Vì (Hà Nội). Sau đó, ông đã lên Vĩnh Phúc, nhưng ở đây không có, ông lại quay về Hà Nội. Đến đây, ông Vịnh mới hay, đây là khu vườn ươm của Viện giống cây trồng Trung ương, trong đó có cả cây mắc ca.

Cây mắc ca 6 tuổi của ông Vịnh.

Không ngần ngại, ông Vịnh mua 24 cây mắc ca, và được các kỹ sư ở đây hướng dẫn, cách trồng bình thường như những cây ăn quả khác, song, phải đào hố theo quy cách 60cm x 60cm. Vui mừng vì đã có trong tay cây “tỷ đô”, ông Vịnh đi ngay về Kon Tum và trồng theo hướng dẫn.

Rất may, những cây mắc ca này, 4 năm sau đã có quả, mỗi cây khoảng 3 -5kg. Những năm tiếp theo, đã đạt15-20kg, cây càng to, càng sai quả. Cứ như vậy, cho đến nay, sau 18 năm tròn, mặc dù chỉ còn 16 cây, song, có cây giống hoa tím đã đạt 1 tạ quả/cây (hiện còn 3 cây như vậy).

Ngoài ra, còn có 2 cây OC, cũng đạt 1 tạ quả/cây, và 2 cây 900 (khi mua chưa biết tên gì), quả rất to 32 quả/kg; cây hoa tím 65-70 quả/kg. Tuy nhiên, trong số cây giống đem về lúc đó, còn có 4 cây (không có tên), quả nhỏ và hay rụng, ăn không ngon bằng cây hoa tím và OC . Song, ông Vịnh vẫn để làm kỷ niệm và lấy bóng mát, không chặt bỏ.

“Như vậy là, tính đến thời điểm này, vườn mắc ca của gia đình đã có trên 20ha, chủ yếu trồng 2 giống OC và hoa tím; trong đó, OC khoảng 20%, hoa tím 80%.

Vụ mùa năm nay (thu bói năm đầu tiên), được 5 tạ quả xanh, tương đương 2,5 tạ hạt. Cây 900 (có 2 cây), được khoảng 1 tạ quả, nét khác biệt của cây 900 là quả to (nhưng ăn không ngon bằng hoa tím và OC), khoảng 64 hạt/kg; hoa tím 120 hạt/kg; OC 90 -100 hạt/kg.

Đặc biệt, cũng trong năm nay, gia đình đã hoàn thiện khu lò sấy, khu chế biến, tập kết hàng hoá, kho bảo quản hàng hoá sau thu hoạch, để đảm bảo chất lượng sản phẩm” - ông Vịnh cho biết thêm.

Ngoài ra, cũng theo ông Vịnh, từ thành công trên, đầu năm 2021, ông đã thành lập HTX Mắc ca Thành Công, gồm 11 thành viên. Trong đó, thành viên có diện tích nhiều nhất là gia đình ông: trên 20 ha; thành viên trung bình 3ha; thành viên ít nhất 1,5 ha, chủ yếu cây mới trồng từ 3-5 tuổi. Mắc ca của các thành viên, sinh trưởng, phát triển tốt, đặc biệt, có cây 2 năm tuổi đã bói quả.

Mở rộng diện tích

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Ngọc Hoà, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tỉnh Kon Tum, cho biết: “Mắc ca là cây trồng mới, được đưa vào Tây Nguyên khoảng 10 năm trở lại đây. Ở nhiều địa phương, mắc ca phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, thậm chí, cao hơn rất nhiều lần các loại cây khác như mì, bời lời…

Ngoài ra, ông Hoà còn cho biết thêm: Luỹ kế tính đến ngày 7/9/2022, Kon Tum đã trồng mới cây mắc ca trên địa bàn toàn tỉnh là:1.141,02ha/1.000ha, đạt 114,10% kế hoạch.

Cụ thể: huyện Đắk Tô 350ha; Ngọc Hồi: 155ha; Kon Rẫy: 80,4ha; TP. Kon Tum 97,91ha; Tu Mơ Rông 18,40ha; Đắk Hà: 184,11ha; Đắk Glei: 169,6ha; Sa Thầy 85,6ha.

Như vậy, tính đến thời điểm này, tổng số diện tích cây mắc ca trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum đã đạt: 3.360,22ha. Hy vọng, con số này sẽ tăng trưởng theo kế hoạch trong những năm tới, để thay thế cây mì, bời lời, hiệu quả thấp và có hại cho đất.

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Đồng Tháp trang bị 1.580 trạm bơm phục vụ sản xuất lúa hè thu

    Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, tỉnh đã đưa cơ giới hóa vào tưới tiêu cho lúa với gần 1.580 trạm bơm điện, trạm bơm dầu và 8.481 hệ thống bơm tưới nhằm đáp ứng tốt nhất cho vụ hè thu trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nhất là nắng nóng kéo dài như hiện nay.

Top