Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 10 tháng 6 năm 2023 | 10:8

Liên kết phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng tăng trưởng xanh

Hiện nay, người chăn nuôi đã đổi mới tư duy, chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, đầu tư con giống chất lượng, chuồng trại khép kín, thành lập các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi theo hướng thân thiện mới môi trường theo hướng tăng trưởng xanh.

Chăn nuôi quy mô lớn của nông dân xã Xuân Trúc (Ân Thi), tạo điều kiện hình thành liên kết chăn nuôi.

Hưng Yên: Phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết

Hiện nay, nhiều hộ dân ở huyện Tiên Lữ đã đổi mới tư duy, chú trọng phát triển chăn nuôi tập trung theo chuỗi liên kết, đầu tư con giống chất lượng, chuồng trại khép kín, thành lập các HTX, tổ hợp tác chăn nuôi… Đến hết tháng 5/2023, toàn huyện duy trì hoạt động của 6 HTX và 4 tổ hợp tác chăn nuôi. 

Anh Vũ Minh Chiến, Giám đốc HTX dịch vụ chăn nuôi nông nghiệp xã Đức Thắng (Tiên Lữ) cho biết: Hiện nay, HTX thường xuyên duy trì trên 2 nghìn con lợn với hệ thống chuồng nuôi khép kín, hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Với sản lượng lợn hơi lớn và ổn định, HTX ký kết với Công ty TNHH thực phẩm Phương Thủy, xã Đức Thắng (Tiên Lữ) để tiêu thụ sản phẩm. Quy trình sản xuất của HTX phối hợp với công ty được tổ chức theo hình thức khép kín từ sản xuất con giống đến nuôi lợn thịt, giết mổ và sơ chế rồi vận chuyển cung ứng đến bếp ăn doanh nghiệp, nhà hàng, bán lẻ cho người dân. Nhờ đó, kiểm soát nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo đảm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, lợi nhuận kinh tế tăng khoảng 20%.

Hết tháng 5/2023, tổng đàn bò sữa của huyện Kim Động đạt trên 1,5 nghìn con, tăng 3 lần so với năm 2012. Để nghề nuôi bò sữa phát triển bền vững, nông dân trong huyện đã liên kết với Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) tiêu thụ sữa bò. Hiện nay, công ty có 2 điểm thu mua sữa bò trong huyện tại xã Hùng An và xã Phú Thịnh với sản lượng sữa thu mua trung bình 5 tấn/điểm/ngày. Anh Hoàng Văn Thêm, xã Hùng An cho biết: Liên kết với công ty, chúng tôi có hợp đồng tiêu thụ sữa, được bảo đảm về giá và nâng cao ý thức trong chăn nuôi. Theo đó, sữa mang đến điểm thu mua sẽ được công ty kiểm tra chất lượng trước khi đổ vào bồn chứa. Nếu sữa không đáp ứng tiêu chuẩn theo hợp đồng ký kết sẽ được thu mua với giá rẻ hơn hoặc không thu mua. Do đó, người dân không còn tâm lý chăn nuôi ẩu, chạy theo số lượng mà tập trung sản xuất theo chất lượng.

Đồng chí Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kim Động cho biết: Hiện nay, phòng đã tham mưu với UBND huyện quy hoạch 23 vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với diện tích khoảng 300 héc – ta để hỗ trợ các đơn vị, hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi quy mô lớn, hình thành các chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Ngoài ra, phòng đang tập trung xây dựng Đề án chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư trên địa bàn để hướng dẫn các hộ chăn nuôi quy trình thực hiện, chuyển đổi mô hình… Đến nay, huyện hình thành và duy trì chuỗi liên kết sữa bò, trứng gà và gia cầm ở các xã: Hùng An, Phú Thịnh, Phạm Ngũ Lão.

Hiện nay, chuỗi liên kết chăn nuôi của tỉnh duy trì ở 2 hình thức đặc trưng là: Liên kết theo đường đi của sản phẩm từ người sản xuất đến người tiêu dùng (liên kết dọc) và liên kết các đối tượng cùng tham gia trong quá trình sản xuất - kinh doanh (liên kết ngang). Ngày 12/11/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 2631/QĐ – UBND về việc tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng và khuyến khích phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025 (Đề án chuỗi). Năm 2022, toàn tỉnh có 80 tổ chức, cá nhân tham gia Đề án chuỗi; trong đó, chuỗi chăn nuôi và chế biến thịt có 15 đơn vị tham gia gồm: 10 đơn vị chăn nuôi, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn; 4 đơn vị chăn nuôi gia cầm và 1 đơn vị chăn nuôi bò. Tại các chuỗi chăn nuôi, quy trình chăn nuôi, giết mổ, chế biến sản phẩm được thực hiện theo chu trình khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm… tạo chuyển biến tích cực, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững và có những sản phẩm chăn nuôi đặc trưng như: Trứng gà, giò xào gà Đông Tảo, giò lụa gà Đông Tảo…

Tuy nhiên, việc xây dựng chuỗi chăn nuôi ở tỉnh còn gặp một số khó khăn do tốc độ đô thị hóa nhanh, ảnh hưởng đến các vùng, trang trại chăn nuôi khiến một số chuỗi liên kết bị đứt gãy. Các sản phẩm chăn nuôi an toàn vẫn phải cạnh tranh không bình đẳng với các sản phẩm chăn nuôi truyền thống nên sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa thúc đẩy người chăn nuôi mở rộng sản xuất và nhân rộng các mô hình liên kết từ sản xuất đến thị trường…

Đồng chí Lê Trung Cần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hiện nay, sở đang phối hợp với các địa phương thực hiện quy hoạch phát triển chăn nuôi xa khu dân cư; tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ thành lập các HTX, doanh nghiệp, tổ hợp tác chăn nuôi để phổ biến kinh nghiệm, thông tin thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới, tạo cơ sở ký kết hợp đồng xây dựng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tập trung đầu tư các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo chuỗi liên kết khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm đối tác liên kết.

Hà Nội: Bảo đảm vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật

Để cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, các ngành chức năng đã kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Nhằm giúp các hộ nông dân hiểu rõ hơn về quy trình bảo đảm vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Đình Đảng đã đưa ra một số hướng dẫn.

Giám sát chặt chẽ các cơ sở giết mổ gia súc.

Theo ông Nguyễn Đình Đảng, trong quy định chung về kiểm tra vệ sinh thú y, việc kiểm tra vệ sinh thú y phải được thực hiện trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật. Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện kiểm tra, giám sát yêu cầu vệ sinh thú y đối với các đối tượng có trong danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y; phân tích nguy cơ, truy xuất nguồn gốc đối với động vật, sản phẩm động vật.

Về yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật tập trung, địa điểm phải theo quy hoạch của chính quyền địa phương; thiết kế các khu vực riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo. Trang thiết bị, dụng cụ, nước cho việc giết mổ động vật phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ.

Đối với cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ, địa điểm phải tách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm. Trang thiết bị, dụng cụ phù hợp để giết mổ, không gây độc hại, ô nhiễm cho sản phẩm động vật. Các cơ sở giết mổ phải đủ nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y phục vụ cho việc giết mổ động vật. Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ.

Về yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở chế biến động vật, sản phẩm động vật, phải có địa điểm, diện tích thích hợp, khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; thiết kế các khu vực riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo. Trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho việc sơ chế, chế biến sản phẩm động vật. Có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Quy trình sơ chế, chế biến phải bảo đảm sản phẩm không bị ô nhiễm chéo, tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm hoặc độc hại. Người trực tiếp tham gia sơ chế, chế biến sản phẩm động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện quy trình vệ sinh trong quá trình sơ chế, chế biến.

Đối với cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật nhỏ lẻ, phải tạo ra khoảng cách bảo đảm không bị ô nhiễm bởi các tác nhân gây hại; trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho việc sơ chế, chế biến sản phẩm động vật. Các cơ sở giết mổ phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Người trực tiếp tham gia sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện quy trình vệ sinh trong quá trình sơ chế, chế biến.

Vĩnh Phúc: Phát triển chăn nuôi theo hướng tăng trưởng xanh

Trước tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi ảnh hướng xấu đến môi trường, đời sống và sức khỏe của nhân dân, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong hoạt động chăn nuôi; trong đó, yêu cầu các sở, ngành liên quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các hộ chăn nuôi thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi; chấp hành di dời cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại ra khu chăn nuôi tập trung.

Xử lý mùi hôi và xua đuổi ruồi muỗi bằng chế phẩm Nemal giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường.

Toàn tỉnh hiện có hơn 100 nghìn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC); tổng số đàn trâu hơn 13.000 con, đàn bò gần 90.000 con, đàn lợn gần 592.000 con, đàn gà hơn 11 triệu con… Hầu hết đều chăn nuôi ngay tại hộ gia đình, trong khu dân cư.

Bình quân mỗi ngày, đàn GSGC thải ra hơn 6.121 tấn phân tươi, 400 nghìn lít nước tiểu, trong khi đó, việc xử lý chất thải chăn nuôi qua hầm biogas, đệm lót sinh học và các biện pháp xử lý khác của các hộ chưa đáp ứng yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT).

Mặt khác, khi quá tải, chất thải xả ra cống, rãnh, kênh mương, gây mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước, tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cho người. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay, gây ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của người dân nhưng chưa có hướng giải quyết triệt để .

Nhằm nâng cao chất lượng môi trường sống; đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Chăn nuôi năm 2018 và Luật BVMT năm 2020, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14, trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thu gom, xử lý rác thải và VSMT.

Hoàn thiện thủ tục về đất đai tại một số địa điểm được lựa chọn để đầu tư xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung, đưa cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại ra khỏi khu dân cư; thanh tra, kiểm tra về hoạt động chăn nuôi, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư; rà soát quy hoạch xây dựng để điều chỉnh, bổ sung quỹ đất đầu tư xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung đảm bảo theo quy định, hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của tỉnh và nhiệm vụ được giao, Sở NN&PTNT đã tập trung đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch số 56 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Hướng dẫn kê khai hoạt động chăn nuôi và phân loại quy mô chăn nuôi nông hộ, quy mô chăn nuôi trang trại (lớn, vừa và nhỏ) theo quy định; triển khai mô hình thực hiện chính sách hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư tại nơi thực hiện xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”; hướng dẫn các địa phương hoàn thiện các thủ tục xin ý kiến chấp thuận hoặc thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều tại các địa điểm ngoài bãi sông được lựa chọn để đầu tư xây dựng hạ tầng khu chăn nuôi tập trung.

Huyện Vĩnh Tường có số lượng đàn bò sữa chiếm tỷ trọng 90% của tỉnh và phần lớn các hộ nuôi đều chăn nuôi trong khu dân cư. Để đảm bảo môi trường trong chăn nuôi, huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi tại khu dân cư thực hiện đúng theo quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi năm 2018 và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về BVMT.

Tuyên truyền, vận động và thuyết phục các hộ chăn nuôi quy mô trang trại ở trong khu dân cư di dời ra khỏi khu dân cư; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức các quy định của pháp luật về chăn nuôi, BVMT, đặc biệt là xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ và chăn nuôi trang trại.

Cùng với đó, UBND huyện Vĩnh Tường tập trung chỉ đạo 2 xã Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh rà soát, đề xuất phương án quy hoạch một số địa điểm để tạo quỹ đất xây dựng các khu chăn nuôi tập trung; xây dựng Đề án hoặc Dự án để di dời đưa các hộ chăn nuôi quy mô trang trại (hộ có quy mô chăn nuôi từ 10 đơn vị vật nuôi trở lên) ra khỏi khu dân cư, phấn đấu hoàn thành xong việc di dời các hộ chăn nuôi trong năm 2023.

Trước mắt, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam đã triển khai xử lý mùi hôi trong chăn nuôi bằng sản phẩm Nema1 tại 38 hộ chăn nuôi với tổng số hơn 500 con bò sữa tại thôn An Lão Trên, xã Vĩnh Thịnh.

Sau 3 tháng triển khai, hơn 90% số hộ dân đánh giá sản phẩm đã cải tạo tốt môi trường; xử lý được 95% nồng độ mùi hôi và ruồi muỗi trong chăn nuôi. Qua đó, đã cải thiện và BVMT, sinh hoạt cho người dân./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Làm giàu từ trang trại VAC

    Làm giàu từ trang trại VAC

    Với sự linh hoạt, táo bạo, dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Trung Hiếu đã dồn hết vốn liếng sau bao năm kinh doanh để bắt tay vào cải tạo vùng đất đầm lầy, chua phèn thành trang trại VAC trù phú. Hiện, mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường hơn 200 tấn cá các loại cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.

  • Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam

    Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam

    Mục tiêu Quảng Nam đến năm 2030 là xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp mở năng động, linh hoạt để kết nối mạnh mẽ mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, quốc tế; tổ chức các diễn đàn, sự kiện khởi nghiệp và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp vùng, quốc gia, quốc tế.

  • Phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm: Hướng làm giàu hiệu quả

    Phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm: Hướng làm giàu hiệu quả

    Tới thăm mô hình dưa lưới (giống Huỳnh Long) công nghệ cao của gia đình anh Hoàng Văn Trang (xóm 6, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), ai cũng phải trầm trồ. Màu vàng óng ả của những trái dưa sắp chín, mọng nước, thơm lừng báo hiệu một vụ mùa bội thu.

Top