HTX Dược liệu Việt Kết (Gia Bình) giới thiệu mã vạch truy xuất nguồn gốc cho khách hàng.
Bắc Ninh: Chuyển đổi số thích nghi với tình hình phát triển mới
Chuyển đổi số trong từng công đoạn sản xuất, kinh doanh, tiếp cận khách hàng đang là xu thế tất yếu để các thành phần kinh tế thích nghi với tình hình phát triển mới. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua, tỉnh Bắc Ninh có văn bản chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù đã có sự quan tâm, chuyển dịch, nhưng việc ứng dụng chuyển đổi số của các HTX còn rất chậm. Khảo sát sơ bộ cho thấy, hiện có khoảng 17% HTX ứng dụng công nghệ cao (sử dụng phần mềm quản lý và sản xuất thông minh), tập trung vào ứng dụng công nghệ tưới tiêu, hệ thống nhà lưới, dán tem truy xuất nguồn gốc…
Khoảng 30% HTX sử dụng máy tính; 8% HTX ứng dụng các phần mềm vào hoạt động sản xuất kinh doanh (chủ yếu là phần mềm kế toán, gửi nhận thư điện tử và tham khảo thông tin về sản phẩm, thị trường), nhưng cũng chỉ có khoảng gần 30% HTX có máy tính kết nối internet.
Một số ít hộ thành viên HTX bước đầu ứng dụng điện thoại thông minh trong điều hành hệ thống phun tưới tự động, quảng bá sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội. Còn lại nhìn chung, tỷ lệ ứng dụng điện thoại thông minh vào khâu sản xuất, chế biến sản phẩm chưa cao. Năng lực khai thác thông tin, tiếp cận thị trường số, làm việc trên môi trường mạng hay mức độ sẵn sàng đổi mới khoa học, kỹ thuật còn rất hạn chế.
Chia sẻ khó khăn với các HTX, theo ông Phạm Minh Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, đơn vị tích cực tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ HTX. Trong năm 2022 tổ chức được 9 lớp tuyên truyền tại 7 huyện, thành phố với 1.300 lượt người tham dự, trong đó có nhiều nội dung hướng dẫn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin quản trị HTX.
Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông, Sở Công Thương đưa được hơn 20 sản phẩm của các HTX lên sàn giao dịch điện tử, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc của tỉnh như Gạo tẻ thơm Quế Võ (HTX nông sản an toàn Đại Xuân), Gạo nếp nhung Tam Sơn (HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Tam Sơn), rau, củ, quả hành tỏi (HTX dịch vụ nông nghiệp An Trụ), dưa chuột (HTX sản xuất rau, củ, quả an toàn Liên Ấp), bánh gio, bánh cuốn, phở khô, bún khô (HTX Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Khương Huy), gạo nếp cái Hoa vàng (HTX dịch vụ nông nghiệp Đức Lân)… Tư vấn hỗ trợ giúp các HTX xây dựng phương án sản xuất hoạt động hiệu quả theo chuỗi giá trị, đến nay có trên 30 HTX có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, VIETGAP…gắn với truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, trước những đòi hỏi của giai đoạn mới, hoạt động chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể cần phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa. Tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản 1850 chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy chuyển đổi số HTX. Thực hiện nội dung này, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngành liên quan như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương, Sở Khoa học và công nghệ… đẩy nhanh tiến độ các đề án, dự án, kế hoạch về chuyển đổi số, gắn với đổi mới quản lý và phương thức hoạt động của mô hình kinh tế hợp tác. Huy động các nguồn lực, kết nối các đối tác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển chuyển đổi số; tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tham gia vào chuỗi cung ứng số (các sàn thương mại điện tử, website để giới thiệu sản phẩm bằng nhiều ngôn ngữ...); phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung và bước đầu miễn phí...
Xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX chuyển đổi số thành công, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, thành viên và người lao động HTX về chuyển đổi số. Nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả, thực hiện chuyển đổi số thành công, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa nguồn lực, ứng dụng công nghệ cao. Tuyên truyền, vận động các HTX hiểu rõ xu thế tất yếu, thách thức và cơ hội của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay để chủ động triển khai thực hiện tại cơ sở của mình.
Với các giải pháp đồng bộ từ các ngành chức năng và sự quyết tâm của chính các HTX, việc ứng dụng chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể thời gian tới sẽ có những chuyển biến thực chất hơn, tạo ra động lực tích cực để HTX tăng trưởng và vươn lên cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác.
Thanh Hóa: Đẩy mạnh để kết nối tiêu thụ nông sản
Trải qua 3 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, chuỗi cung - cầu, sản xuất - tiêu thụ sản phẩm của nhiều doanh nghiệp, HTX đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các sản phẩm nông sản chủ lực của HTX nông nghiệp xanh công nghệ cao Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) được trưng bày tại nhiều triển lãm, hội chợ...
Trong năm 2022, các ngành có liên quan của tỉnh và các hiệp hội ngành hàng đã tổ chức và hỗ trợ cho hơn 200 doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tham gia 20 hội chợ triển lãm, phiên chợ, tuần lễ nông sản; đồng thời tham gia hơn 30 hội nghị, hội thảo do các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức để quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ, phát triển thị trường nông sản và các sản phẩm OCOP của tỉnh. Để tăng cường xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh ra các tỉnh, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã ký kết với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, xây dựng được 11 chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm của tỉnh cho thị trường Hà Nội.
Là một trong số các đơn vị được khuyến khích tham gia hàng chục hội chợ, triển lãm, trưng bày trong và ngoài tỉnh, chị Lê Thị Nhung - Giám đốc HTX nông nghiệp xanh công nghệ cao Hồng Nhuệ, xã Hoằng Thắng (Hoằng Hóa) cho biết: "Từ đầu năm 2023 đến nay, với vai trò là đơn vị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của tỉnh, HTX đã được Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh hỗ trợ tham gia nhiều cuộc trưng bày, triển lãm.
Thông qua các cuộc trưng bày trên địa bàn tỉnh, cũng có nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản, đặc hữu của tỉnh được giới thiệu tới đông đảo du khách, người tiêu dùng. Qua đó, nhiều hợp đồng tiêu thụ được ký kết, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh và quảng bá rộng rãi cho sản phẩm trên thị trường. Điển hình như: mắm tôm, mắm tép Lê Gia (Hoằng Hóa) đã xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi. Sản phẩm ghế tre thư giãn cao cấp của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại BambooVina (Hà Trung) đã xuất khẩu đi các thị trường châu Âu. Sản phẩm dứa đóng hộp, ngô ngọt đóng hộp của Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống) đã xuất khẩu đi các nước Trung Đông, Nga, châu Âu...
Cùng với các phương thức xúc tiến thương mại truyền thống như tổ chức hội chợ, chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm, ngành nông nghiệp và cơ quan liên quan, các địa phương trong tỉnh còn triển khai thêm nhiều phương thức xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ như: hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản; kết nối doanh nghiệp với hệ thống tham tán thương mại và đối tác trên các nền tảng internet; từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, HTX sản xuất nông sản cung cấp cho các đối tác tiềm năng...
Tuy nhiên, các hoạt động xúc tiến thương mại thường tập trung vào việc duy trì, tìm kiếm, mở rộng thị trường để tiêu thụ hàng hóa của các đơn vị đang sản xuất, chưa gắn liền với hoạt động phát triển sản phẩm để có thể bán những sản phẩm hàng hóa mà thị trường yêu cầu... Số lượng các hoạt động xúc tiến thương mại nông sản tổ chức còn hạn chế; nhiều chủ thể sản xuất là doanh nghiệp, HTX chưa quan tâm tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại. Hiện, các ngành có liên quan của tỉnh đang tích cực thực hiện các hoạt động đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế để giới thiệu các doanh nghiệp, HTX đưa hàng hóa tham dự các hội chợ thương mại nông sản, mở rộng cơ hội giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.
Hà Nội: Để nông dân bớt... “lúng túng”!
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, nhất là đối với nông dân, tránh tình trạng "được mùa, mất giá"… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nông dân vẫn còn "lúng túng" trong sản xuất cũng như hợp tác với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.
Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với huyện Phú Xuyên tổ chức giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn đến người tiêu dùng. (Ảnh: Hương Giang)
Hiện tại, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã đẩy mạnh việc liên kết tiêu thụ nông sản qua hợp đồng để nâng cao giá trị sản phẩm, nhưng trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh rau, củ, quả an toàn, du lịch làng nghề sinh thái Tâm Anh (huyện Phú Xuyên) Đào Thị Lương cho biết, mỗi ngày hợp tác xã tiêu thụ hàng chục tấn nông sản, thực phẩm theo chuỗi liên kết với các đơn vị khác, cung ứng cho nhiều siêu thị. Tuy nhiên, một số hộ nông dân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về sản xuất an toàn, số lượng, chủng loại, gây khó khăn cho hợp tác xã trong thu mua nông sản theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long (huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long, hiện nay, hợp tác xã đã liên kết tiêu thụ theo chuỗi thực phẩm A-Z. Song để quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng, hợp tác xã thường tốn khoảng 10-20% chi phí trong tổng giá trị sản phẩm. Đó là một trong những khó khăn cho hợp tác xã khi phải cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp sản xuất truyền thống trên thị trường có giá rẻ hơn.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh nêu, việc tiêu thụ nông sản hiện vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khi vào vụ thu hoạch, nhiều hộ nông dân, hợp tác xã phải bán với giá thấp cho thương lái, dẫn đến sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ không ổn định.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, việc xây dựng chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh biến động thị trường, rào cản thương mại, chi phí sản xuất tăng cao. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản còn lỏng lẻo... Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; doanh nghiệp chế biến, phân phối hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân với quy mô sản xuất và trình độ canh tác khác nhau…
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song việc xây dựng các chuỗi liên kết là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không thể không thực hiện. Chính vì vậy, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ, tạo kênh kết nối để chủ thể sản xuất, đơn vị phân phối, tiêu thụ và nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi, định hướng hợp tác lâu dài, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp…
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam (quận Cầu Giấy) Đỗ Hoàng Thạch, các hợp tác xã cần xây dựng quy trình sản xuất khép kín, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm. “Thời gian tới, công ty tiếp tục liên kết với các hợp tác xã cũng như doanh nghiệp phân phối, nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng; đồng thời, chuyển hướng kinh doanh sang các kênh thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho nông dân", ông Đỗ Hoàng Thạch cho hay.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương nhận định, để các chuỗi liên kết sản xuất không bị đứt gãy, phát huy được hiệu quả, rất cần sự chủ động, tích cực của cả nông dân và doanh nghiệp. Ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.
Trước mắt, các địa phương cần tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; phối hợp với các đơn vị có liên quan mở lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật và cách thức tổ chức sản xuất cho nông dân; thường xuyên đánh giá, dự báo thị trường cung cầu hàng hóa nông sản để điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh.
“Về lâu dài, các địa phương cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng vùng, gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Cùng với đó, làm tốt vai trò quản lý nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm nguyên tắc các bên tham gia liên kết cùng có lợi, tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng; cùng nhau chia sẻ những rủi ro, khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, bà Vũ Thị Hương nhấn mạnh./.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.