Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, kinh tế vườn, chăn nuôi... kết hợp với du lịch cộng đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được các cấp chính quyền, ngành chức năng quan tâm, tháo gỡ.
Vai trò kinh tế hộ
Kinh tế hộ gia đình là lực lượng sản xuất quan trọng ở nông thôn Việt Nam, trong đó có khu vực của huyện Lương Sơn. Kể từ khi thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI (1988) về “Đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”, với mục đích giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, chuyển giao đất đai và các tư liệu sản xuất khác cho hộ nông dân quản lý, sử dụng lâu dài thì các hộ nông dân trở thành những đơn vị tự chủ trong sản xuất nông nghiệp, tức hộ gia đình là đơn vị kinh tế cơ sở (gọi là kinh tế hộ gia đình).
Mô hình vườn mẫu của gia đình ông Nguyễn Văn Điền ở thôn Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch là hộ điển hình trong phát triển kinh tế hộ.
Hiện, kinh tế hộ gia đình có cơ hội, điều kiện phát triển mạnh mẽ khi các địa phương trên cả nước nói chung và huyện Lương Sơn nói riêng đang thực hiện quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Theo bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, tính đến hết năm 2022, Lương Sơn có 10/10 xã cơ bản giữ vững 19/19 tiêu chí xã NTM, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt kinh tế hộ gia đình sản xuất nông nghiệp.
Gia đình ông Nguyễn Văn Điền ở thôn Suối Sếu A, xã Nhuận Trạch là hộ điển hình với tổng diện tích khoảng 6.000m2, trong đó có khoảng 400m2 nhà ở và hơn 5.600m2 vườn phục vụ cho phát triển kinh tế VAC (trong đó trồng cây ăn quả là chủ yếu, ngoài ra còn đào ao thả cá, chăn nuôi lợn và gà).
Ông Nguyễn Văn Điền chia sẻ về quá trình phát triển kinh tế hộ của mình.
Ông Điền cho biết: Tôi mua mảnh đất để phát triển kinh tế hộ gia đình từ những năm 1990, đến năm 2010 mới đào ao, trồng cây ăn quả, xây dựng chuồng trại. Đến năm 2022 thì được công nhận là vườn mẫu. Quá trình gia đình phát triển kinh tế hộ, khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn đầu tư để mua cây - con giống, thức ăn chăn nuôi, phân bón..., đặc biệt việc tiêu thụ sản phẩm.
“Ban đầu, để phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với dịch vụ du lịch, tôi rất khó thực hiện bởi khuôn viên đất có giới hạn, không thể phát triển gì thêm, do đó, cần thay đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Tôi thực hiện từ quy hoạch, phát triển từng hạng mục cây ăn quả, cây hoa đến các điểm nghỉ ngơi, từ đó có thể phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai”, ông Điền cho hay.
Cũng từ phát triển kinh tế hộ gia đình, đã hình thành nhiều tổ hợp tác nông nghiệp trên địa bàn huyện Lương Sơn. Tiêu biểu phải kể đến Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên, đến nay đã có 9 năm sản xuất rau sạch, tạo công ăn việc làm tại chỗ cho 18 thành viên với mức thu nhập ổn định theo từng tháng.
Mô hình Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên được hình thành và phát triển từ kinh tế hộ.
Chị Hoàng Bích Thùy – Tổ trưởng Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa, xã Cư Yên cũng mong muốn đưa Tổ hợp tác phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp gắn với các hoạt động du lịch, đón khách tham quan trải nghiệm.
Đại diện Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa - chị Hoàng Bích Thùy chia sẻ: “Tổ hợp tác rau của chúng tôi được thành lập từ năm 2014. Được các cấp chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn để bổ sung kiến thức về trồng rau hữu cơ, cùng với sự giúp đỡ của Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông, bà con đã gom đất cùng nhau sản xuất rau hữu cơ theo mô hình Tổ hợp tác”.
Sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch
Thực tế, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp ở huyện Lương Sơn gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào thị trường, giá trị nông sản chưa cao. Chính vì thế, nhiều nông dân đã chuyển hướng phát triển kinh tế hộ sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch. Theo đó, mô hình cung cấp các dịch vụ thu hút khách tham quan, trải nghiệm kèm theo bán sản phẩm nông nghiệp.
Dù mới lên ý tưởng, triển khai thực hiện phát triển kinh tế hộ theo hướng sản xuất nông nghiệp, mô hình vườn hoa, cung cấp một số dịch vụ du lịch cho khách tham quan, nghỉ ngơi, chụp ảnh... trong thời gian ngắn nhưng hộ gia đình chị Hoàng Thị Nga ở xóm Phú Ngọc, xã Cư Yên đã nhận thấy tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch trên chính diện tích sản xuất nông nghiệp của gia đình.
Chị Hoàng Thị Nga chia sẻ về những băn khoăn của gia đình trong đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch.
Chị Nga chia sẻ: Mô hình sản xuất nông nghiệp, trồng hoa để thu hút khách đến vui chơi, chụp ảnh, gia đình mới triển khai được vài tháng. Mới đầu khi hoa nở cũng thu hút được lượng khách nhất định đến chụp ảnh nhưng khi hoa héo hết, mình lại mất thời gian trồng lại từ đầu và không đón khách được. Do đó, cần mở rộng diện tích trồng hoa để vườn lúc nào cũng có hoa phục vụ đón khách. Khách có nhu cầu, mình sẽ có khu đất trống để khách cắm trại; khách có thể tự mang đồ hoặc thuê của nhà vườn, kèm theo đó gia đình phục vụ thêm gà, vịt để khách cắm trại nướng, các sản phẩm nông nghiệp vườn tự trồng là ngô, rau...
“Gia đình rất muốn làm mô hình vườn hoa, sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch, bởi nhận thấy tiềm năng của địa phương khi có cảnh quan thiên nhiên núi rừng, sông nước, không khí trong lành... Nhưng vẫn chưa dám đầu tư nhiều, bởi khó khăn về vốn, đất chỉ thuê được 5 năm nên gia đình rất sợ khi đầu tư chưa thu hồi vốn thì hết thời gian thuê đất. Việc phát triển du lịch, ít nhất phải có chỗ che nắng, che mưa, nghỉ ngơi cho khách đến thăm vườn. Ngoài ra, vấn đề xây dựng các chòi tạm hay nhà tạm trong khuôn viên cũng gặp khó vì đất này vẫn là đất nông nghiệp...”, chị Nga băn khoăn nói.
Chị Hoàng Bích Thùy, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau hữu cơ xóm Gừa, cho biết thêm: “Tôi đi tham quan nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp phát triển du lịch, kể cả kinh tế hộ, người ta cũng làm được. Ý tưởng trồng rau sạch hữu cơ kết hợp với du lịch vui chơi, trải nghiệm cũng là hướng đi của Tổ hợp tác. Tổ đang manh nha trồng hoa sen để thu hút khách, trồng các loại cây bóng mát... Tuy nhiên, muốn làm được, cần chính quyền địa phương hỗ trợ nhiều. Để làm du lịch cộng đồng, phải có cái nhà để du khách có nơi nghỉ ngơi. Tôi đã được huyện cho đi tham quan mô hình ở Hội An (Quảng Nam), khách du lịch đến mua rau trực tiếp, họ nghỉ ngơi, vui chơi, rất là hiệu quả”.
Bên cạnh những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch thì nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã tạo dựng được chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp địa phương và phát huy được nét đẹp văn hóa dân tộc Mường trên địa bàn huyện Lương Sơn. Việc tạo chuỗi liên kết đã giúp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của nông dân, đồng thời góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của người dân địa phương.
Nói về việc tạo chuỗi liên kết giữa nông nghiệp, du lịch và văn hóa, chị Nguyễn Thị Hải Yến, người làm du lịch ở xã Nhuận Trạch, cho biết, làm du lịch ở địa phương, cần lựa chọn những sản phẩm nông nghiệp để phục vụ khách du lịch, từ các loại rau, củ, quả, trứng gà, gà thịt..., vừa là thực phẩm tươi ngon tại chỗ, vừa góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; qua đó tạo thành chuỗi liên kết cung ứng, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp trong hoạt động du lịch cộng đồng.
Song song, cần giới thiệu với du khách những tiết mục văn nghệ xứ Mường do chính người dân biểu diễn, nhằm quảng bá và nâng tầm du lịch huyện Lương Sơn.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.