Đang vào vụ thu hoạch nhưng thiếu dầu chạy máy gặt, nhiều cánh đồng lúa của nông dân miền Tây chín rục bông, hư hại, nguy cơ bị thương lái ép giá.
Ruộng lúa rộng 1,3 ha chín khô bông ngoài đồng hơn 10 ngày, song bà Nguyễn Thị Nhão, 52 tuổi, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long (Bạc Liêu) chờ mãi vẫn chưa thấy chủ máy gặt đến thu hoạch như mọi năm. Sốt suột vì sợ lúa hư hỏng, bà Nhão liên hệ với chủ máy thì được thông báo gần tuần nay thiếu dầu khiến các máy gặt không hoạt động được. "Nếu tình hình này kéo dài, lúa sẽ hư, lên mộng hết, bị thương lái ép giá", bà Nhão nói.
Ruộng lúa của bà Nguyễn Thị Nhão chín rục trên đồng, ngày 3/9. Ảnh: An Minh
Không riêng gì gia đình bà Nhão mà suốt tuần qua các nông dân ở Phước Long đang như ngồi trên "đống lửa" vì không có máy gặt, lúa đang dần khô héo. Phước Long là huyện có diện tích lúa lớn của tỉnh Bạc Liêu. Vụ hè thu năm nay, toàn huyện xuống giống với diện tích hơn 13.700 ha, còn khoảng 5.000 ha chưa thu hoạch. Hiện, nông dân nóng lòng muốn cắt lúa sớm để hạn chế thiệt hại, nhưng đều nhận được lắc đầu từ chối của các chủ máy gặt vì thiếu dầu chạy máy.
Đưa đội quân gần 40 máy gặt đập liên hợp cùng gần 200 người xuống tỉnh Bạc Liêu thu hoạch lúa thuê, ông Nguyễn Văn Thanh ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cho biết 4-5 hôm trước, tình hình cung ứng dầu bị thiếu hụt lớn. Trung bình mỗi máy gặt đập liên hợp cần 90 lít dầu để chạy một ngày (gặt 18-20 ha) nhưng các cây xăng dầu chỉ bán khoảng 50%. "Tình trạng này ảnh hưởng tiến độ thu hoạch lúa, tốn hao nhân công, tăng chi phí và nông dân bị hao hụt lớn do lúa ngã đổ, rơi rụng trên đồng", ông Thanh nói.
Cùng cảnh ngộ, ông Trần Văn Tám - chủ nhà máy xay xát gạo ở huyện Thới Lai, cho biết trước dịp lễ 2/9 đã cho 5 ghe (tổng tải trọng khoảng 1.000 tấn) xuống Bạc Liêu thu mua, chở lúa về. Sau khi lúa chất đầy ghe, rất khó mua dầu, phải qua 4-5 cửa hàng mới mua đủ nhiên liệu về Cần Thơ.
"Có nơi họ bảo chờ một tiếng, sau đó chỉ bán 1-2 can (loại 30 lít) rồi bảo đi chỗ khác mua tiếp", ông Tuấn nói và cho biết đội ghe về chậm gần một ngày so với trước, kéo theo chi phí nhân công, ăn uống... tăng thêm gần 10 triệu đồng. Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu cũng xảy ra tại nhà máy của ông Tám ở TP Cần Thơ.
Lúa chín rục trên đồng thuộc huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, ngày 3/9. Ảnh: An Minh
Tại Đồng Tháp, nhiều chủ máy cắt lúa, xới đất cũng phập phồng vì trong mùa cao điểm mà dầu mua được với số lượng nhỏ giọt. Ông Nguyễn Văn Hầu (có ba máy xới đất ở huyện Hồng Ngự) cho biết mấy ngày trước phải đi gần 20 km, đến cây xăng thứ 5 mới mua được 120 lít dầu. Số dầu mua được chỉ đủ các máy gặt dùng trong ngày. "Nước sắp lên rồi không xới kịp chủ ruộng cằn nhằn dữ lắm", ông chia sẻ khó khăn trong mấy ngày vừa qua.
Cách Hồng Ngự hơn 70 km, cánh đồng ở huyện Tháp Mười đang thu hoạch lúa Thu Đông. Mấy ngày qua, ông Nguyễn Hữu Sơn, như ngồi trên đống lửa vì đã nhận thu hoạch hàng trăm ha lúa song rất khó mua dầu. "Giờ có tiền cũng không mua đủ dầu chạy máy", ông chủ hai máy gặt cho biết.
Mỗi ngày ông chỉ mua được một can dầu 30 lít mà phải đi hai cây xăng mới đầy. "Nhân viên cây xăng trả lời chủ chỉ cho bán mỗi ngày 200 lít dầu nên người chỉ mua được nửa can thôi", chủ máy cắt này nói. Hiện, ông dự trữ được 6 can (180 lít dầu nhưng chỉ đủ dùng được tối đa hai ngày trong khi đầu tuần sau ông bắt đầu gặt lúa cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp, cho biết hiện nguồn cung xăng trên địa bàn tỉnh tạm ổn, dầu thiếu cục bộ một vài địa phương đang thu hoạch lúa. Theo báo cáo hôm qua có 4 cây xăng tạm ngưng do hết hàng, một cây xăng xin nghỉ để đi du lịch. Một số chỗ người dân phản ánh chủ cây xăng bán nhỏ giọt, song khi kiểm tra chủ doanh nghiệp trình bày do nguồn hàng khan hiếm, chủ máy mua đủ dùng trong ngày để chia sớt với nhau.
Trong tuần này, các tỉnh miền Tây xảy ra tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, hoặc treo bảng hết hàng. Chủ cây xăng cho biết thương nhân phân phối không cấp hàng, họ kinh doanh lỗ liên tục. Trong khi thương nhân phân phối cho rằng nguồn hàng thiếu cục bộ, không đủ để bán cho cây xăng. Việc bán nhiên liệu nhỏ giọt hoặc đứt nguồn hàng ảnh hưởng không nhỏ đến đi lại nhất là hoạt động sản xuất của người dân.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước qua 22 kỳ điều chỉnh, trong đó 12 lần tăng, 8 lần giảm và một lần giữ nguyên giá bán. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn khoảng 8.210 đồng; E5 RON 92 hạ 7.580 đồng; dầu diesel giảm hơn 6.200 đồng. Kỳ điều hành ngày mai dự báo mỗi lít xăng sẽ tăng 300-700 đồng, dầu tăng 1.800-2.000 đồng nếu nhà chức trách không sử dụng Quỹ bình ổn.
Mới đây, Bộ Công Thương lập ba đoàn công tác, giám sát tình hình kinh doanh xăng dầu tại ba miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó, tổ công tác đặc biệt kiểm tra những cơ sở đóng cửa, ngừng bán không có lý do chính đáng, có dấu hiệu "găm hàng" khi thị trường đang biến động.
Tối 22/11, tại Bảo tàng tỉnh Phú Yên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Bến Vũng Rô và hoạt động tiếp nhận chi viện từ những chuyến Tàu Không số”. Hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 60 năm Bến Vũng Rô tiếp nhận chuyến hàng đầu tiên của Tàu Không số (28/11/1964 – 28/11/2024).
Thời gian qua, tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao ý thức tự lực, tự cường vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo nên diện mạo mới cho nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về bảo hiểm tiền gửi (BHTG) 2024 là một hoạt động quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về chính sách BHTG và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), qua đó truyền tải nội dung chính sách BHTG một cách mới mẻ, hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của công chúng.