Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 25 tháng 10 năm 2022 | 21:16

Mong quốc sách vào cuộc sống kịp thời

Sáng 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Tư.

Dự kiến, Kỳ họp diễn ra trong 21 ngày làm việc (từ 20/10 đến 15/11). Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng cả về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Về lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến 7 dự án luật khác. Trong đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và Luật Đất đai sửa đổi là hai dự án luật được cả cử tri, Quốc hội quan tâm đặc biệt. Điều này thể hiện rõ ngay trong Diễn văn khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Sáng 20/10, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ Tư.

Là kỳ họp cuối năm, khối lượng công việc rất lớn nhưng trên tinh thần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội, bằng sự chủ động “từ sớm, từ xa” nên Quốc hội và các cơ quan liên quan đã chuẩn bị chu đáo và kỹ lưỡng mọi vấn đề của kỳ họp. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ thông tin trong cung cấp tài liệu cho đại biểu được triển khai sớm nên chắc chắn rằng, dù rút ngắn thời gian nhưng chất lượng kỳ họp sẽ được nâng lên, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh.

Dù mới bước vào Kỳ họp thứ Tư của nhiệm kỳ nhưng cử tri và nhân dân rất vui và đặt nhiều kỳ vọng vào hoạt động của Quốc hội. Nói vậy vì, Quốc hội khoá XV bắt đầu trong hoàn cảnh rất đặc biệt, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nhiều biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt được triển khai ở mọi quốc gia khiến kinh tế suy giảm, doanh nghiệp khó khăn, đời sống người dân ảnh hưởng nghiêm trọng do thiếu việc làm, không có thu nhập, nhất là những tháng cuối năm 2021.

Trước tình huống bất thường, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất ngay những ngày đầu năm 2022. Tại kỳ họp bất thường, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy động lực tăng trưởng, phục hồi sản xuất. Đặc biệt, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội có ý nghĩa rất lớn, giúp người dân, doanh nghiệp bớt gánh nặng về nghĩa vụ thuế, xử lý nhiều tồn tại, vướng mắc về cơ chế nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hỗ trợ tiền thuê cho nhà người lao động, những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Đây là lần đầu tiên nước ta có những gói an sinh và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mang tầm bao phủ rộng, quy mô và diện thụ hưởng lớn (khoảng 350.000 tỷ đồng, với hàng chục triệu người dân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp được thụ hưởng), đã thực sự góp phần ổn định đời sống, kích thích nền kinh tế phát triển, tạo niềm tin cho doanh nghiệp, người dân. 

Thực tế là, chỉ trong thời gian ngắn, từ quyết sách của Quốc hội, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nền kinh tế nước ta có sự phục hồi mạnh mẽ, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới. Cụ thể, có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, nhất là về tăng trưởng kinh tế (tăng trưởng kinh tế 09 tháng đầu năm 2022 ước tăng 8,83%; ước cả năm, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu 6 - 6,5%), tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra…

Mặc dù vậy, việc triển khai nhiều quyết sách của Quốc hội, Chính phủ còn chậm so với yêu cầu, nhất là giải ngân vốn đầu tư công, tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân gói đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, điều hòa vốn dành cho các dự án thuộc Chương trình và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia,… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững.

Trên cơ sở những kênh thông tin mà Kinh tế nông thôn có được, thấy cử tri và nhân dân đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, tạo động lực đưa nước ta vượt qua khó khăn thách thức, sớm thực hiện khát vọng “đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” như Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu. Cử tri và nhân dân mong muốn Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện Luật, Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, để những quốc sách đúng đắn kịp thời phục vụ cuộc sống.

 

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top