Với phương châm “tấc đất, tấc vàng”, “không cho đất nghỉ", đến nay các trường mầm non trên địa bàn Thạch Hà (Hà Tĩnh) đều đã có vườn rau bán trú cho trẻ.
Phong trào phát động thực hiện vườn rau cho trẻ bán trú ở các trường mầm non đã được ngành GD&ĐT Thạch Hà quan tâm thực hiện từ nhiều năm nay. Với phương châm “tấc đất, tấc vàng”, “không cho đất nghỉ, bắt đất luôn thở”, đến nay, 96% các trường mầm non trên địa bàn này đều đã có vườn rau bán trú cho trẻ.
Những vườn rau bán trú làm đẹp thêm cảnh quan tại các trường học.
“Ngoài diện tích để trồng hoa, tạo cảnh quan và sân chơi cho trẻ thì diện tích đất còn lại gần 200m2 chúng tôi dành để làm vườn rau bán trú. Các vườn rau được quy hoạch bài bản, phân thành ô, thành thửa, trồng thành từng loại rau; chia theo lớp để giáo viên tiện chăm sóc. Với cách làm này nguồn rau sạch đã cung cấp thoải mái cho việc ăn bán trú đối với các cháu ở trường” Cô Hồ Thị Huyền, Hiệu trưởng trường mầm non Thạch Kênh chia sẻ.
Vườn rau bán trú ở Trường mầm non Thạch Kênh được trồng và chăm sóc bởi bàn tay của các giáo viên và sự đồng hành của phụ huynh.
Vườn rau bán trú ở Trường mầm non Thạch Kênh với đầy đủ các loại rau theo mùa từ rau hẹ, bầu, bí, rau cải, mùng tơi
Đến nay, 96% các trường mầm non trên địa bàn Thạch Hà đều đã có vườn rau bán trú cho trẻ.
Nhằm đáp ứng nguồn thực phẩm sạch, đủ chất dinh dưỡng, Trường mầm non Thạch Hải đã cùng cha mẹ học sinh xây dựng vườn rau xanh mướt, đáp ứng đủ cho 100% trẻ ăn bán trú.
Vườn rau bán trú của Trường Mầm non Thạch Hải vừa tạo cảnh quan, vừa có nguồn rau xanh cải thiện bữa ăn cho trẻ.
Vườn rau ở trường học đều được trồng và chăm sóc bởi bàn tay của các giáo viên và phụ huynh. Vườn rau bán trú cho trẻ ở các trường rất đa dạng với đầy đủ các loại rau theo mùa từ bầu, bí, rau cải, mùng tơi, rau ngót, rau hẹ, mướp, cải bắp, đậu cove, cà chua, rau muống…
Ban giám hiệu phối hợp với nhà bếp xây dựng thực đơn bữa chính và các bữa phụ trong tuần đa dạng, phong phú, không trùng lặp và đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng.
Để đảm bảo đủ nguồn rau các giáo viên đã trồng theo lối luân canh, xen canh, gối vụ. Ngoài trồng rau nhiều trường còn trông thêm cây ăn quả để tạo cảnh quan, phục vụ giảng dạy và tạo nguồn thực phẩm cho trẻ. Đối với các trường có diện tích rộng, các vườn rau được quy hoạch rất bài bản theo từng thửa, từng ô; chia theo từng lớp… Các trường thiếu diện tích thì vườn rau được tận dụng theo phương châm “tấc đất, tấc vàng”.
Mẫu thức ăn được các nhà trường lưu lại hàng ngày.
Để có được những bữa ăn ngon miệng, hấp dẫn trẻ và đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng, các trường mầm non trên địa bàn Thạch Hà đặt ra nhiều quy định chặt chẽ từ khâu lựa chọn đối tác cung cấp nguyên liệu, tiếp nhận thực phẩm, chế biến thành phẩm đến các yêu cầu về phân khu chế biến trong bếp và lưu giữ mẫu thức ăn hàng ngày.
“Ở cấp bậc trường mầm non công tác nuôi dưỡng rất quan trọng nên nhà trường rất chú trọng đến chất lượng bữa ăn. Hàng ngày, ban điểm trực và tổ nuôi dưỡng tiếp nhận thực phẩm, một trong những nguyên tắc nhà trường chỉ kí hợp đồng với các đơn vị cung cấp có giấy phép kinh doanh, có giấy chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Những bữa ăn được chăm chút được không chỉ mang lại sự yên tâm cho phụ huynh, sư hài lòng cho học sinh và mà còn giúp các em hình thành các kỹ năng, thói quen ăn uống có văn hóa. Để duy trì vườn rau, hàng tuần nhà trường đều cắt cử giáo viên, phụ huynh tiến hành lao động và chăm sóc. Phân bón cho rau là phân chuồng do phụ huynh cung cấp. Công tác chăm sóc vườn rau được cắt cử luân phiên để vườn rau luôn luôn được duy trì”, cô Nguyễn Thị Nguyệt - Hiệu trưởng Trường mầm non Thạch Hải, Thạch Hà cho hay.
Những bữa ăn được chăm chút được không chỉ mang lại sự yên tâm cho phụ huynh, sư hài lòng cho học sinh và mà còn giúp các em hình thành các kỹ năng, thói quen ăn uống.
Tại Trường mầm non Thạch Khê, vấn đề đảm bảo ATVSTP cho học sinh bán trú được nhà trường đặc biệt tăng cường qua công tác chỉ đạo, giám sát ở tất cả các khâu. Trước đó, trường đã công khai, minh bạch từ lấy ý kiến tổ chức, quá trình hợp đồng với các nhà cung cấp thực phẩm có địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp đồng nhân viên nấu ăn đến toàn bộ phụ huynh học sinh.
Đồ dùng bán trú ở Trường Mầm non Thạch Khê được bảo quản trong tủ sấy ở nhiệt độ đảm bảo.
Bên cạnh ý thức tự giác, trách nhiệm của mỗi nhân viên nấu ăn, quá trình nhận nguyên liệu đến các khâu chế biến được nhà trường, các bậc phụ huynh tăng cường kiểm tra, giám sát. Thức ăn sau khi nấu chín được cho vào nồi inox giữ nhiệt 3 khay, chuyển đến tận các lớp. Mẫu thức ăn được lưu lại hàng ngày.
Những suất cơm đầy đủ dinh dưỡng, đẹp mắt tại Trường mầm non Thạch Khê.
Cô Ngô Thị Thu Hòa, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Khê chia sẻ: “Từ sự tăng cường chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với phụ huynh học sinh tăng cường kiểm tra, giám sát việc đảm bảo ATVSTP trong các khâu chế biến. Ngoài ra, trường cũng đã phối hợp với nhà bếp xây dựng thực đơn bữa chính và các bữa phụ trong tuần đa dạng, phong phú, không trùng lặp và đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng. Điều đó cũng khiến phụ huynh an tâm khi gửi gắm các con cho nhà trường".
Mô hình vườn rau bán trú cũng là nơi để trẻ hoạt động “trải nghiệm sáng tạo” và hỗ trợ phục vụ giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục.
Cô Lê Thị Thái Hà - chuyên viên Phòng GD&ĐT Thạch Hà cho biết: “Đến nay, đã có 28/29 trường học mầm non trên địa bàn có vườn rau bán trú cho trẻ (1 trường do đang trong quá trình xây dựng nên không có đất (MN Thạch Thắng). Thực hiện phong trào mô hình “vườn rau bán trú” không chỉ để tạo nguồn thực phẩm sạch trong trường học mà còn tạo cảnh quan khuôn viên của trường. Đồng thời, mô hình vườn rau bán trú cũng là nơi để trẻ hoạt động “trải nghiệm sáng tạo” và hỗ trợ phục vụ giáo viên tổ chức các hoạt động giáo dục. Ngoài ra ATVSTP luôn là vấn đề nóng, được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Ngay từ đầu năm, phòng đã tăng cường nhắc nhở, ban hành các văn bản chỉ đạo các trường học tổ chức bán trú tiếp tục siết chặt công tác đảm bảo ATVSTP, phối hợp Trung tâm Y tế huyện kiểm tra công tác đảm bảo ATVSTP tại một số nhóm trẻ độc lập, các trường mầm non, tiểu học tổ chức ăn bán trú trên địa bàn".
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.