Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 29 tháng 3 năm 2023 | 9:42

Nâng tầm giá trị sản phẩm sinh vật cảnh

Nhờ thiên nhiên ưu đãi, thời tiết mát mẻ, ôn hòa, địa hình đa dạng, Đắk Lắk có nhiều lợi thế, phù hợp phát triển sinh vật cảnh (SVC), xây dựng thành ngành kinh tế sinh thái, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giàu tiềm năng

Trên thực tế, phong trào chơi SVC của Đắk Lắk ra đời muộn hơn so với các tỉnh phía Bắc và phía Nam. Tuy nhiên, đó lại là lợi thế bởi song song với việc khai thác các SVC đặc trưng, mang bản sắc riêng của địa phương thì những nghệ nhân, người chơi cây cảnh nhanh nhạy sưu tầm được nhiều chủng loại SVC bổ sung, lai tạo, cấy ghép để đa dạng chủng loại của các vùng miền. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà giới chơi SVC đánh giá Đắk Lắk là một trong những “thiên đường”, nơi hội tụ, giao thoa của các sản phẩm SVC trên mọi miền đất nước.

Trong bối cảnh kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng sản phẩm SVC nhằm giải trí, thỏa mãn thú chơi tao nhã của một bộ phận người dân ngày càng cao nên những người chơi SVC trên địa bàn Đắk Lắk  nhanh chóng nắm bắt thị trường, xác định đây là hướng phát triển kinh tế, đầu tư mở rộng quy mô, nhà vườn, đa dạng hóa chủng loại, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của tất cả các đối tượng. Chỉ dạo quanh riêng TP. Buôn Ma Thuột, có thể thấy có rất nhiều nhà vườn quy mô, nhiều chủng loại SVC thu hút đông đảo người mua.

Theo thống kê của Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 22 nhà vườn có quy mô lớn; 600 ha trồng hoa, cây cảnh; hơn 60 vườn hoa mai trên 50 chậu đại; trên 10 vườn lan, mỗi vườn trồng cấy trên 1.000 chậu. Riêng đối với diện tích trồng hoa cây cảnh phân tán, đơn lẻ tại các hộ gia đình, tuy chưa có thống kê cụ thể, song chắc chắn là không hề nhỏ.

Một tác phẩm giá trị của nghệ nhân Phạm Đình Giỏi tại Triển lãm trưng bày và Hội thi sinh vật cảnh trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.

Theo ông Bùi Quốc Việt, chủ nhân của vườn lan Bùi Việt (xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) rộng hơn 1.000 m2 nổi tiếng khắp nước, với hàng nghìn giò lan và nhiều chủng loại lan rừng, trong đó có nhiều loại lan quý hiếm - hiện được thị trường rất ưa chuộng; trung bình một giò lan ông đưa ra thị trường có giá vài triệu đồng, còn cao nhất lên đến 50 triệu đồng. Từ thực tế bản thân, ông khẳng định, đầu tư cho SVC luôn đem lại hiệu quả gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác.

Tương tự, ông Phạm Đình Giỏi (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 2.500m2 vườn với rất nhiều tác phẩm bon sai nghệ thuật, kiểu dáng độc đáo từ mai chiếu thủy, linh sam, sanh. Mỗi năm, ông cung cấp cho thị trường hàng trăm sản phẩm, thu nhập ổn định.

Còn theo ông Nguyễn Hữu Tuyên, Chủ tịch Hội SVC tỉnh Đắk Lắk, tuy chưa có một thống kê cụ thể, chính xác về tổng giá trị kinh tế mà sản phẩm SVC đem lại cho các nghệ nhân, nhà vườn trong những năm qua, đóng góp vào ngân sách địa phương, song theo nhận định, con số này không nhỏ. Bên cạnh đó, SVC còn góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở trên địa bàn.

Nâng tầm giá trị

Tại Hội thảo về phát triển SVC tỉnh Đắk Lắk do Hội SVC tỉnh vừa tổ chức, các nghệ nhân, nhà vườn, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham dự đều chung nhận định, Đắk Lắk có quá nhiều lợi thế để phát triển ngành kinh tế sinh thái này, bởi ngoài những điểm mạnh nói trên thì lĩnh vực này hiện nay còn có thêm một “đòn bẩy”, cơ hội bứt phá, phát triển hơn nữa là Nghị định 52 ngày 12/4/2018 của Chính phủ đã chính thức công nhận hoạt động sản xuất, kinh doanh SVC là một trong 7 ngành nghề phát triển nông thôn quan trọng. Trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng xác định đây là một trong 6 nhóm sản phẩm được xem xét công nhận là sản phẩm OCOP. “Bài toán mà Đắk Lắk cần giải quyết là định hướng cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, xác định phương hướng, xây dựng SVC trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, khuyến khích nông dân mạnh dạn phá bỏ diện tích cây trồng cằn cỗi, kém chất lượng, đầu tư cho SVC”, TS. Nguyễn Hữu Vạn, Chủ tịch Hội SVC Việt Nam tham vấn. Bên cạnh đó thì các ngành hữu quan cũng cần tích cực hỗ trợ, tạo thuận lợi, giải quyết thủ tục, xác nhận các nhà vườn đã có đủ điều kiện để được công nhận là sản phẩm OCOP; phối hợp tổ chức các hội chợ, giới thiệu, trưng bày, giao thương sản phẩm SVC tỉnh Đắk Lắk với các địa phương bạn.

Song song đó, các nhà vườn, nghệ nhân cần liên kết chặt chẽ với nhau, tham gia vào “sân chơi” Hội SVC của tỉnh, các địa phương để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng tầm giá trị sản phẩm SVC trên thị trường. Trong quá trình đầu tư, xây dựng, quan tâm ý tưởng thiết kế, hình thành nên những “Vườn SVC sinh thái”, vừa tạo cảnh quan môi trường, vừa thu hút khách du lịch, giới thiệu sản phẩm của mình.

Định hướng tập trung  phát triển hoa lan,  giai đoạn 2023 – 2027

Hội SVC tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức Hội thảo về phát triển SVC tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2023 - 2027.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng, tiềm năng, định hướng phát triển, nâng cao chất lượng SVC, tạo thu nhập cho người sản xuất trong giai đoạn 2023 - 2027. Các ý kiến tại hội thảo đã phân tích, nhận định Đắk Lắk có điều kiện thời tiết, khí hậu thuận lợi, hệ sinh thái rừng đa dạng nên là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về hoa lan, đặc biệt là lan rừng với nhiều chủng loại gen quý hiếm. Vì vậy, định hướng thời gian tới Đắk Lắk cần quan tâm phát triển phong lan. Bên cạnh đó cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nghệ nhân xây dựng, đăng ký thương hiệu để được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) tại địa phương; tạo điều kiện giao lưu, xúc tiến thương mại, liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm cho nghệ nhân, đóng góp vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Cùng với việc tổ chức hội thảo, trong thời gian diễn ra Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, Hội  SVC tỉnh Đắk Lắk còn phối hợp tổ chức Triển lãm trưng bày hơn 6.000 tác phẩm thuộc các bộ môn đá, gỗ lũa, cây cảnh và hoa lan của các nghệ nhân thuộc Hội SVC tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

 

 

Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Ngãi tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi

    Quảng Ngãi tháo gỡ khó khăn trong phát triển chăn nuôi

    Quảng Ngãi tăng cường ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

  • Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Ðiền hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả vườn cây ăn trái

    Phong Điền có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất trên địa bàn TP Cần Thơ. Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái của huyện liên lục tăng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập cho nông dân.

  • Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    Triển vọng hai giống lúa chất lượng HG12 và HN6

    HG12 và HN6 là hai giống lúa thuần đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận lưu hành, trình diễn qua 05 vụ sản xuất tại nhiều đồng ruộng khác nhau trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, mang lại kết quả đáng ghi nhận.

  • Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Trang trại VAC cho thu nhập 1,6 tỷ đồng/năm có gì đặc biệt?

    Với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Nguyễn Duy Vĩnh - hội viên Hội Cựu chiến binh xã Bãi Trành (Như Xuân, Thanh Hóa) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư, xây dựng mô hình trang trại VAC, mang lại thu nhập 1,6 tỷ đồng mỗi năm.

  • Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Chàng kỹ sư điện nuôi gà độc lạ

    Sau 4 năm thực hiện nuôi gà bằng thảo mộc, chàng trai Hà Minh Nguyện (SN 1993), phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) đã tạo ra nguồn thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao. Hiện, trứng gà thảo mộc của Nguyện đã có mặt trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

  • Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Làng Thanh niên lập nghiệp nơi biên cương

    Những chàng trai, cô gái đã đem sức trẻ chinh phục núi rừng để xây dựng quê hương thứ 2 ở Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) A Lưới, khu vực biên giới tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từng bước xây dựng Làng trở thành mô hình điểm về phát triển kinh tế hiệu quả do chính thanh niên làm chủ.

Top