Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 2 tháng 5 năm 2024  
Thứ năm, ngày 10 tháng 8 năm 2023 | 9:8

Người dân Nậm Đăm thoát nghèo từ cây dược liệu

Trước đây, người dân vùng cao thôn Nậm Đăm, xã Nậm Đăm (Quản Bạ - Hà Giang) chỉ biết đi rừng hái cây thuốc về sử dụng. Từ ngày có HTX cộng đồng Nặm Đăm, cây dược liệu đã được trồng và trở thành sản phẩm hàng hóa, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Chung tay tìm lối thoát nghèo

Năm 2012, ông Lý Thà Tủng (thôn Nặm Đăm) bắt đầu trồng dược liệu thay thế cho cây ngô, cây lúa. Ban đầu chỉ là những cây trồng thử nghiệm như đương quy, atiso... và cho hiệu quả rõ rệt.

“Người Dao mình trước đây chỉ biết trồng lúa, ngô thôi nhưng từ ngày làm dược liệu, thu nhập gấp 2-3 lần. Gần chục năm nay, trồng cây dược liệu giúp kinh tế gia đình khá hơn nhiều, có tiền mua sắm đồ đạc trong nhà”, ông Tủng chia sẻ.

Sau vài vụ đầu tiên cho thu nhập cao, từ 360m2 ban đầu, đến nay gần như toàn bộ diện tích đất trồng cây của gia đình ông Tủng đã chuyển sang trồng dược liệu. Thu nhập trung bình mỗi năm đạt hơn 100 triệu đồng.

Bảo tồn nguồn gen dược liệu quý được người Dao ở Quản Bạ quan tâm, gìn giữ cho đời sau.

Để cây dược liệu mang lại giá trị cao và ổn định, HTX cộng đồng Nặm Đăm ra đời và được quản lý, vận hành bởi chính những người Dao ngay tại thôn Nặm Đăm. HTX định hướng đồng bào trồng cây theo nhu cầu thị trường, sau đó sẽ thu mua, chế biến. Anh Lý Tà Rèn, Giám đốc HTX cho biết, cây dược liệu cho giá trị cao hơn các loại cây truyền thống nhưng lại khó trồng. Ban đầu, người dân trồng tự phát, không có kỹ thuật nên hiệu quả chưa được như dự tính.

“HTX thành lập năm 2009 nhưng phải đến cuối năm 2014 mới bắt đầu hoạt động vì thiếu vốn, các xã viên cũng rút dần. Đến năm 2015 mới có lãi, bà con vào HTX  được tập huấn kỹ thuật để trồng dược liệu”, anh Rèn chia sẻ.

Cũng theo vị giám đốc người Dao này, hiện nay, trung bình mỗi tháng, mỗi xã viên được thù lao 3-4 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi người vào cuối năm còn được trả khoản tiền khác lớn hơn từ cổ phần góp vốn khi tham gia HTX.

Bảo tồn nguồn dược liệu quý

Bên cạnh việc áp kỹ thuật gieo trồng theo tiêu chuẩn GAP, giữ gìn môi trường chế biến an toàn, dược liệu bảo đảm không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học và hóa chất..., HTX cộng đồng Nậm Đăm còn chú ý tới việc bảo tồn, phát huy nguồn gene dược liệu quý bản địa.

Vùng trồng cây thuốc theo tiêu chuẩn VietGAP tại Quản Bạ, Hà Giang.

Từ khi triển khai dự án “Bảo tồn nguồn gene cây thuốc quý của người Dao”, HTX đã khắc phục tình trạng “tuyệt chủng” của một số cây dược liệu trong tự nhiên do nạn khai thác triệt để, thu mua hàng loạt với khối lượng lớn, liên tục trong nhiều năm trước đây.

Năm 20 16, HTX kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền Việt Nam triển khai Dự án “Bảo tồn nguồn gene cây thuốc quý của người Dao”. Đến nay, HTX cộng đồng  Nậm Đăm đã có vườn ươm cây dược liệu rộng 3.000m2, lưu giữ hơn 100 loài cây dược liệu, số lượng loài đang tiếp tục được bổ sung và tiến hành nhân giống như: bình vôi, cơm cháy, đương quy đỏ, kim ngân, atiso...

“Vườn ươm hiện đảm bảo việc cung ứng giống dược liệu cho HTX và các hộ dân có nhu cầu. HTX cũng tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân với từng giống cây dược liệu có thể trồng trong vườn, trên ruộng hoặc dưới tán rừng để cung cấp nguyên liệu cho HTX. Hiện, vườn ươm đang cung cấp đủ giống dược liệu cho 5ha trồng trên nương và hơn 10ha trồng dưới tán rừng, đồng thời cung cấp cho hơn 40 gia đình có nương, vườn nhàn rỗi”, anh Rèn cho biết.

Việc phát triển vùng trồng dược liệu phải theo nguyên tắc, tiêu chuẩn GAP; người dân và xã viên được nâng cao kỹ năng thu hái bền vững. Đảm bảo phát triển sản phẩm dược liệu bằng chính những nguồn dược liệu địa phương mà không làm tổn hại đến nguồn gene, đến môi trường sinh thái.

Kết nối tiêu thụ sản phẩm 

Những năm gần đây, du khách đến thăm bản văn hóa du lịch Nậm Đăm đều không thể bỏ qua sản phẩm dịch vụ “tắm thuốc người Dao” để thư giãn cơ thể, phục hồi sức khỏe sau chặng đường trải nghiệm trên cao nguyên đá.

Đồng bào dân tộc ở thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ xây dựng HTX cộng đồng thôn Nặm Đăm trở thành HTX đầu tiên của tỉnh Hà Giang có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thực phẩm chức năng, mỹ phẩm từ cây dược liệu.

Chị Lý Hồng Thu, chủ một homestay ở bản Nậm Đăm, cho biết:  Du khách đến thăm bản rất thích thú với việc thư giãn cơ thể bằng bài thuốc tắm cổ truyền của người Dao. Hơn thế, với việc HTX cộng đồng Nậm Đăm cho ra đời sản phẩm thuốc tắm đóng chai, cao thuốc tắm, giúp du khách sau khi trải nghiệm đều có thể mua về làm quà hoặc sử dụng một cách dễ dàng.

“Hiện nay, HTX đã xây dựng được nhà xưởng chế biến, nồi chưng cất tinh dầu, dây chuyền nấu cao thảo dược để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, dễ bảo quản, dễ sử dụng dành cho du khách. Kết hợp sản xuất với việc giới thiệu và bán sản phẩm tại các cơ sở du lịch cộng đồng, homestay trong bản cũng là một kênh tiêu thụ và quảng bá sản phẩm quan trọng, mang lại nguồn thu lớn cho HTX mỗi năm”, anh Rèn cho biết thêm.

Nhờ kiên trì phát huy những giá trị truyền thống gắn với bảo tồn và phát triển kinh tế, du lịch, phát huy giá trị của các loài cây thuốc quý, lượng khách du lịch đến Nậm Đăm ngày càng tăng. Hầu hết các hộ dân trong thôn, ngoài tăng thu nhập từ cây dược liệu, còn làm thêm các dịch vụ phục vụ du khách, đời sống của người dân nơi đây dần được nâng cao.

Hiện nay, hầu hết các hộ dân thôn Nậm Đăm đều tham gia trồng cây dược liệu, làm các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch. Thôn có 54 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay có nhiều hộ khá - giàu và chỉ còn duy nhất một hộ nghèo. Đây là thôn điển hình về phát triển kinh tế của xã Nậm Đăm  và thôn điển hình về khai thác các giá trị từ cây dược liệu để phát triển kinh tế ở Quản Bạ.

Theo ông Phạm Ngọc Pha, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, dược liệu đã trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và xoá đói giảm nghèo của địa phương. Để phát triển ổn định và bền vững, huyện đã có những đề án phát triển cây dược liệu.

“Trước hết, với một giống dược liệu mới phải đưa vào khảo nghiệm, cần đánh giá, xác định phù hợp mới trồng diện rộng. Sau nữa là khuyến khích doanh nghiệp tham giá đầu tư để hình thành chuỗi giá trị cao. Hiện nay, các sản phẩm dược liệu tại Quản Bạ được cung cấp ra thị trường cơ bản đều có tem, nhãn mác và chất lượng ổn định”, ông Pha nói.

Cây dược liệu hiện  có mặt tại 6 huyện 30a của tỉnh Hà Giang, với diện tích hơn 8.000ha, góp phần quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo và bảo tồn nguồn gene dược liệu quý.

 

 

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top