Thời điểm này, người trồng dưa trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xuống giống cho vụ Tết - vụ lớn nhất trong năm. So với vụ dưa Tết năm ngoái, chi phí đầu vào năm nay tăng khá cao. Do vậy, người trồng dưa kỳ vọng vụ này mưa thuận gió hòa, được mùa, được giá để có cái Tết đủ đầy.
Chú trọng chất lượng
Những ngày này, tại vườn trồng dưa lưới của gia đình bà Mai Thanh Hoa (ấp Tân Hòa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ), nhân công đang tất bật chăm sóc, xuống phân cho 7 sào dưa lưới phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Sau khi dịch bệnh ổn định, thị trường sôi động trở lại, gia đình bà Hoa tăng diện tích sản xuất. Hiện nay, dưa đã xuống giống gần 20 ngày tuổi, dự kiến từ ngày 23 tháng Chạp, dưa sẽ bắt đầu cho thu hoạch để phân phối ra thị trường ngoài tỉnh.
Theo bà Hoa, khi lên ý tưởng khởi nghiệp cùng giống dưa lưới Hà Lan, ngoài việc đầu tư công nghệ với nhà màng, hệ thống tưới tự động, bà tập trung vào chất lượng, xây dựng thương hiệu riêng trên thị trường. Dù có vốn đầu tư ban đầu khá cao, nhưng nhờ ứng dụng công nghệ, kỹ thuật canh tác mới nên công chăm sóc giảm, sản phẩm an toàn, được thị trường ưa chuộng. Nếu đạt năng suất và giá cả ổn định, từ 4 - 5 vụ, người trồng dưa lưới có thể thu hồi vốn đầu tư ban đầu.
Dù mới xuống giống, vườn dưa lưới của gia đình bà Mai Thanh Hoa, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ đã được thương lái đặt mua.
Đối với vụ dưa Tết, ngoài chất lượng, hương vị thơm ngon, người tiêu dùng còn quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của trái dưa. Vì vậy, để có trái dưa to tròn, ngon và đẹp, thu hoạch đúng dịp Tết, cần chú ý đến nhiều yếu tố trong kỹ thuật canh tác. Dưa được sản xuất trong nhà màng sẽ giúp người trồng kiểm soát tốt hơn về các chỉ số thời tiết, nhiệt độ, cân nặng của trái, dưa được bảo vệ trước sâu bệnh nên mẫu mã cũng đẹp hơn so với trồng bên ngoài. Dù mới xuống giống, nhưng toàn bộ dưa vụ Tết nhà bà đã được thương lái đặt mua để xuất đi thị trường Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.
“Năm nay, tuy chi phí có tăng do phân bón và nhân công tăng, nhưng bù lại thị trường ổn định hơn năm ngoái. Đặc biệt, dưa lưới của chúng tôi được trồng trong nhà màng bảo đảm an toàn, mẫu mã đẹp nên được thương lái đặt mua từ trước, không phải lo đầu ra. Dự kiến, chúng tôi sẽ cung ứng ra thị trường hơn 30 tấn dưa lưới trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão”, bà Hoa chia sẻ thêm.
Nông dân xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc chăm sóc dưa để chuẩn bị cho vụ Tết.
Tại xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), người trồng dưa cũng đang tất bật thuê nhân công chăm sóc vườn dưa lê phục vụ Tết. Bà Phạm Thị Thúy (ấp Hồ Tràm) thông tin, năm nay bà xuống giống khoảng 6 sào đã được 1 tháng tuổi. Dưa này có thời gian thu hoạch khá nhanh, chỉ khoảng 75 ngày. Theo bà Thúy, vụ này thời tiết khá thuận lợi, song chi phí lại tăng khoảng 1,5 lần so với năm ngoái. Do đó, để có đầu ra ổn định, gia đình bà tập trung chăm sóc cho dưa bảo đảm chất lượng và mẫu mã, không chạy theo số lượng. “Chúng tôi hy vọng từ nay đến khi thu thu hoạch, thời tiết thuận lợi, dưa không bị sâu rầy, côn trùng, chuột bọ cắn phá, bán được giá cao để người dân đón cái tết sung túc, đủ đầy hơn”, bà Thúy cho hay.
Tối ưu hóa lợi nhuận
Bà Nguyễn Thị Kim Hiền, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận, cho biết, địa phương có thổ nhưỡng đặc trưng là vùng đồng bằng ven biển, xen kẽ các dãy đồi cát thấp, khí hậu ôn hòa, mát mẻ nên rất thuận lợi cho việc trồng các loại dưa. Ngoài dưa hấu, dưa lê thông thường, các ruộng dưa đặc sản mới, hương vị lạ như dưa vàng kim cô nương, hoàng kim... cũng được các hộ trồng và phát triển ổn định mấy năm gần đây.
Tuy nhiên, diện tích trồng dưa vụ Tết trên địa bàn xã năm nay giảm phân nửa so với những vụ trước, chỉ còn khoảng 20ha. Nguyên nhân là do thời gian qua mưa nhiều khiến phần lớn diện tích trồng dưa của địa phương bị ngập trong thời gian dài, không thể canh tác. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư tăng, lo thời tiết thiếu ổn định nên nông dân e ngại đầu tư vụ Tết.
Theo ngành nông nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu, toàn tỉnh có khoảng 400ha trồng dưa các loại. Hai năm trở lại đây, diện tích trồng dưa vụ Tết có xu hướng giảm dần do chi phí đầu tư khá cao, khiến nhiều nông dân không còn mặn mà. Ngoài ra, đầu ra, giá cả còn phụ thuộc vào thị trường nên người dân không ồ ạt xuống giống vụ Tết mà chia ra thành nhiều đợt canh tác để có sản phẩm thu hoạch trước, trong và sau Tết nhằm tối ưu hóa lợi nhuận.
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.