Với 75 đại biểu phát biểu, 13 đại biểu tranh luận, 6 bộ trưởng, trưởng ngành giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm, Quốc hội đã khép lại 1,5 ngày thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Theo nhận xét của cử tri, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, có trách nhiệm, nhiều ý kiến sâu sắc, có tầm bao quát mang tính dài hạn về sự phát triển của đất nước, cơ bản đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân. Nhiều điểm nghẽn được nhận diện, phân tích, làm rõ. Nhiều giải pháp được đề xuất nhằm gỡ khó cho không chỉ hiện tại mà hướng tới sự phát triển bền vững.
Qua theo dõi thấy các đại biểu đánh giá cao những kết quả đạt được dù bối cảnh thế giới vượt ngoài dự báo và đều khẳng định, có được kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự đồng thuận của toàn Dân. Đại biểu Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn phản ánh khiêm tốn. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, kết quả tăng trưởng thời gian qua đạt được như vậy là rất đáng trân quý. Đại biểu nhấn mạnh, thấp là dịp để nhìn lại, để lấy đà cho tăng trưởng trong thời gian tới.
Gạo đang là mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng cao nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Tham luận của các đại biểu thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022, các tháng đầu năm 2023 nhưng nêu nhiều bất cập, hạn chế nổi lên từ quý IV/2022 và những tháng gần đây, nhất là tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, thậm chí không muốn làm, gây ách tắc công việc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ hơn những thách thức cũng như triển vọng của nền kinh tế trong năm 2023 để định hướng điều hành kinh tế vĩ mô phù hợp, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2023, nhất là cải thiện 2 chỉ tiêu không đạt mục tiêu của năm 2022 (năng suất lao động và tỷ trọng chế biến, chế tạo trong công nghiệp).
Doanh nghiệp là xương sống của nền kinh tế nhưng hiện doanh nghiệp đang hết sức khó khăn. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy nền kinh tế, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần triển khai nhanh hơn, mạnh mẽ hơn các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, giảm lãi suất cho vay. Nhiều đại biểu đề nghị mạnh dạn và nhanh chóng giảm thêm lãi suất; cần nghiên cứu để có chính sách ưu đãi căn cơ hơn về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời. Để gỡ khó cho doanh nghiệp đã hết tài sản thế chấp nhưng có hợp đồng, có kế hoạch kinh doanh khả thi, có đơn hàng, có đại biểu đề xuất, ngân hàng mạnh dạn cho vay theo hình thức kiểm soát dòng tiền… Đồng thời, xã hội cũng cần sẻ chia cùng doanh nghiệp.
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị giảm thuế VAT lên 4% thay vì 2% như đề suất của Bộ Tài chính vì vừa khuyến khích người dân tăng mua, vừa giúp doanh nghiệp giảm hàng tồn, qua đó phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Để tăng tốc giải vốn đầu tư công, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, giải ngân vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ; sớm có giải pháp khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.
Nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi, thông suốt cho sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp, người dân.
Trong 1,5 ngày thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ nhanh chóng tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong cơ chế của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy nhanh việc phân bổ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia; việc mua sắm thuốc, vật tư y tế; đăng kiểm ô tô; các quy chuẩn mới của phòng cháy chữa cháy; bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội; chính sách tiền lương cho người lao động, đãi ngộ người có công,…
Nhiều đại biểu cho rằng, dư địa của các chính sách tài khóa – tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khóa của chúng ta còn lớn, vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện quốc sách khoan sức dân, hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản làm gia tăng gánh nặng, chi phí cho doanh nghiệp, ví như đề xuất tăng giá điện, áp chi phí tái chế bao bì,… Và nhanh chóng giải quyết các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính để các dự án bất động sản cũng như các dự án sản xuất kinh doanh khác sớm được triển khai.