Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 4 tháng 5 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 10 năm 2023 | 18:54

Nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, nông dân làm giàu

Các địa phương đang khuyến khích xây dựng và mở rộng các diện tích sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, tuần hoàn đạt tiêu chuẩn. Đây là hướng đi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thay đổi mạnh mẽ tư duy cũng như kỹ thuật canh tác của người dân địa phương; đồng thời, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Chăm sóc đàn gà tại Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn).

Hà Nội: Nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp mới

Những năm qua, ngành Nông nghiệp Hà Nội luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích canh tác. Nhờ đó, có nhiều mô hình mới, triển vọng xuất hiện, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho nông dân.

Thời gian qua, Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) đã không ngừng nghiên cứu, phát triển, mở rộng mô hình sản xuất, khẳng định thương hiệu “Rau an toàn Vinasafl”. Cách làm của hợp tác xã được xem là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp mới, được triển khai đạt hiệu quả.

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh Hà Bùi Thị Thanh Hà cho biết, hợp tác xã hiện có 30 sản phẩm rau đạt OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao, được trồng trên diện tích 1,15ha, theo quy trình VietGAP. Sản phẩm của hợp tác xã được các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch đặt hàng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Hợp tác xã đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm; tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương với mức thu nhập 6-9 triệu đồng/người/tháng.

Còn tại huyện Sóc Sơn, trang trại nuôi gà của gia đình chị Nguyễn Thu Thoan (Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan, xã Minh Phú) đã thực hiện mô hình phát triển kinh tế tuần hoàn. Thực hiện quy trình khép kín, trong đó, chất thải và phế phẩm của quá trình chăn nuôi là đầu vào của quá trình khác, giúp sử dụng tài nguyên tiết kiệm, giảm ô nhiễm môi trường, đem lại hiệu quả cao.

Chị Nguyễn Thu Thoan chia sẻ, năm 2017, với số vốn ban đầu 60 triệu đồng, chị bắt tay vào chăn nuôi gà bằng thức ăn vi sinh. Đến nay, trang trại đã phát triển với quy mô hàng nghìn con, chất lượng gà thương phẩm được người tiêu dùng tín nhiệm. Năm 2021, sản phẩm gà vi sinh hợp tác xã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Ngoài ra, hợp tác xã cũng được cấp chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ.

Hiện, trang trại chăn nuôi gà của chị Thoan thường xuyên duy trì khoảng 3.000 con/lứa, khi đạt trọng lượng 1,1-1,7kg/con sẽ xuất bán ra thị trường. Đối với sản phẩm gà chế biến, thịt gà được làm sạch, đóng túi, hút chân không, trên bao bì có đầy đủ thông tin mã QR, mã vạch…, bảo đảm cung cấp thông tin về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Từ thành công với mô hình nuôi gà vi sinh, hiện chị Thoan tiếp tục nâng cao kiến thức và mở rộng quy mô bằng việc nuôi và sản xuất lợn vi sinh, nhằm đa dạng mặt hàng thực phẩm sạch.

Trong khi đó, tại xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), anh Lê Đức Cảnh - chủ trang trại hữu cơ ME FARM, là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa tại Hà Nội, với hệ thống tuần hoàn trên diện tích 300m2. Cùng với phát triển dịch vụ nông nghiệp trải nghiệm, gia đình anh phục vụ khách câu cua giải trí. Sự kết hợp giữa quy trình sản xuất nông nghiệp an toàn với sản phẩm du lịch trải nghiệm đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Huỳnh Trọng Lực, là nhân viên kỹ thuật đảm nhiệm chăm sóc cua tại trang trại cho hay, cua được nuôi trong môi trường nước biển lấy từ tỉnh Quảng Ninh. Bể nuôi lắp đặt hệ thống lọc nước tuần hoàn, không ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài, giữ được vi lượng và các khoáng chất trong nước để cua sống, phát triển.

Một mô hình mới đáng kể nữa là nuôi trai lấy ngọc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu tại thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây). Ông Nguyễn Kiêm Khánh ở thôn Lòng Hồ đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi 10.000-12.000 con trai lấy ngọc trên diện tích mặt nước hơn 1.000m2. Ông Khánh thông tin, nuôi trai lấy ngọc chủ yếu sử dụng phần đáy ao, nên có thể kết hợp nuôi cùng các loại thủy sản khác để tận dụng tối đa các tầng nước. Hơn nữa, nuôi trai lấy ngọc còn làm cho môi trường nước trong lành, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang khuyến khích xây dựng và mở rộng các diện tích sản xuất theo hướng sạch, hữu cơ, tuần hoàn đạt tiêu chuẩn. Đây là hướng đi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản và thay đổi mạnh mẽ tư duy cũng như kỹ thuật canh tác của người dân địa phương; đồng thời, góp phần cải tạo đất, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Vì vậy, những mô hình hiệu quả như trên rất cần được nghiên cứu, nhân rộng...

Vĩnh Phúc: Nông dân nhạy bén, vươn lên làm giàu

Nỗ lực theo đuổi đam mê, đi tắt đón đầu xu thế thị trường, anh Lê Khắc Hanh thôn Khoái Thượng, xã Đức Bác (Sông Lô) không ngừng mở rộng quy mô, đưa sản phẩm của làng nghề hoa cây cảnh Đức Bác vươn tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thu về khoản lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Lê Khắc Hanh, thôn Khoái Thượng, xã Đức Bác (Sông Lô) đầu tư gần 3 tỷ đồng trồng 10 nghìn m2 nho để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp. Ảnh: Thế Hùng

20 năm về trước, theo những chuyến "đánh" hàng gốm sứ đi khắp các tỉnh phía Bắc, người dân thôn Khoái Thượng đã có dịp tiếp xúc, học hỏi và đưa một số cây hoa về trồng thử nghiệm, rồi cứ thế phát triển cho đến ngày hôm nay, trở thành làng nghề trồng hoa, cây cảnh được UBND tỉnh công nhận. Thời điểm ấy, chàng thanh niên Lê Khắc Hanh cũng là một trong những người đầu tiên đưa nghề trồng hoa, cây cảnh về với vùng quê ven sông này.

Anh Hanh nhớ lại: “Đi bán gốm sứ, chậu cảnh cho người ta trồng cây, lâu dần nghĩ tại sao mình cũng có đất, có ruộng mà lại không trồng hoa, cây cảnh rồi bán cả cây lẫn chậu”. Năm 2005 anh Hanh bắt đầu "lấn sân" sang trồng hoa cây cảnh với diện tích ban đầu vỏn vẹn 5 sào, trồng một số loại cây như hoa cúc, đinh lăng…

Nghề trồng hoa, cây cảnh có sức hấp dẫn đặc biệt với anh Hanh, càng làm càng ham. Sau đó anh dừng hẳn việc đi buôn gốm sứ để tập trung làm vườn. Năm 2016, nhận thấy sự thay đổi của nhu cầu thị trường, anh thuê thêm 1 mẫu ruộng, đầu tư gần 300 triệu đồng mua cây giống, chuyển toàn bộ diện tích sang trồng hoa hồng với đủ các loại giống như hồng cổ sapa, hồng bạch ho, hồng đào cổ, hồng leo Hải Phòng… May mắn, ngay năm đầu tiên, cho thu về hơn 800 triệu đồng. Không chỉ thu hồi toàn bộ số vốn bỏ ra mà còn bắt đầu có lãi.

Những năm sau đó, anh Hanh tiếp tục chuyển hướng sang trồng đa dạng các loại cây cảnh. Đặc biệt, từ năm 2021, anh mở rộng diện tích vườn lên 4 ha, cung ứng ra thị trường hàng trăm loại cây khác nhau; tập trung vào một số cây trồng thế mạnh như mẫu đơn, mộc, trà, nguyệt quế, hoa giấy… Với bước chuyển này, năm 2022, sau khi trừ chi phí, anh Hanh thu lãi hơn 500 triệu đồng.

Nhìn vào chặng đường đã qua, anh Hanh cho biết: “Nghề trồng hoa cây cảnh đòi hỏi phải có sự đam mê, cần cù, tỉ mỉ, hiểu biết về từng loại hoa cây cảnh. Nhưng để thu được “quả ngọt” từ nghề, người trồng cần phải có sự nhạy bén với thị trường, nhận định được hoa nào, cây nào mà người tiêu dùng có nhu cầu trong thời gian tới”. Cũng chính nhờ khả năng nhận định thị trường, mỗi bước chuyển của anh đều đem lại những kết quả tích cực.

Là chủ sở hữu vườn hoa, cây cảnh với quy mô lớn nhất, nhì xã Đức Bác, thế nhưng không chỉ dừng lại ở đó, anh Hanh còn gây ấn tượng bởi sự nhanh nhạy trong việc tiếp cận với các xu thế mới.

Đại dịch Covid -19 bùng phát khiến hình thức bán hàng trực tuyến bắt đầu được quan tâm. Theo đó, anh Hanh đã tìm hiểu, bỏ kinh phí cho người đi học quay phim, dựng video, bán hàng trực tuyến, marketing online. Từ năm 2022, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, anh Hanh đã bắt đầu livetream bán hàng trên nền tảng Tiktok. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đến nay, lượng tiêu thụ qua kênh này đã chiếm 2/3 tổng doanh thu của vườn.

Anh Hanh chia sẻ: “Năm 2023, thị trường truyền thống gặp nhiều khó khăn, giá cả đi xuống, tiêu thụ chậm lại, song nhờ đẩy mạnh việc bán hàng online nên việc kinh doanh hoa, cây cảnh của gia đình vẫn phát triển tốt”. Không chỉ đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của gia đình, anh Hanh còn giúp tiêu thụ hoa, cây cảnh cho nhiều hộ dân trong xã.

Không chỉ tập trung trồng hoa, cây cảnh, khi xu thế du lịch nông nghiệp bắt đầu nổi lên, năm 2022 , anh đã mạnh dạn đầu tư gần 3 tỷ đồng trồng 10.000 m2 nho các loại gồm: Nho hạ đen, nho sữa Hàn Quốc và nho hồng ngọc. Đồng thời, mở cửa vườn cho du khách đến tham quan trải nghiệm, hái và mua nho tại vườn.

Anh Hanh tâm sự: “Bên cạnh phát triển nghề trồng hoa cây cảnh, với việc đầu tư trồng 10.000 m2 nho, tôi muốn xây dựng một khu du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Tại đây, du khách vừa có thể đến tham qua trải nghiệm, vừa mua sắm các sản phẩm do gia đình làm ra như hoa cây cảnh, nho và sau này sẽ làm một sản phẩm đã qua chế biến như hoa đu đủ đực sấy khô... Từ đó, góp phần tạo giá trị tăng thêm cho các sản phẩm nông nghiệp”.

Với việc mở rộng quy mô sản xuất, hiện anh Hanh đang tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập trung bình từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.

Ông Bùi Mạnh Cường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Bác chia sẻ: “Anh Hanh là hội viên nông dân rất năng động, chịu khó, mạnh dạn trong việc tìm tòi, đưa cây trồng mới, cách làm mới vào sản xuất, là điển hình trong phát triển kinh tế của địa phương. Cơ chế thị trường hiện nay, rất cần những nông dân nhạy bén, có tư duy hiện đại như anh Hanh để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của địa phương phát triển”.

Hưng Yên: Niềm vui trên những cánh đồng vụ đông sớm

Thời điểm này, nông dân tại một số địa phương trong tỉnh tất bật thu hoạch cây vụ đông sớm với niềm vui được mùa, được giá.

Nông dân xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi) thu hoạch bí ngô vụ đông.

Sau hơn 1 tháng trồng, chăm sóc, 1,5 mẫu bí ngô bao tử của gia đình ông Hà Văn Khanh ở thôn Giang, xã Nhân La (Kim Động) đã cho thu hoạch với sản lượng 4 – 5 tạ quả/lứa (khoảng 3 ngày cây bí ngô cho thu hoạch 1 lứa). Ông Khanh chia sẻ: Vụ đông từ lâu đã trở thành vụ mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi bởi thu nhập từ trồng cây bí ngô bao tử gấp nhiều lần cấy lúa, lại tiết kiệm chi phí sản xuất và công lao động. Do gia đình tôi có đầu mối tiêu thụ tại tỉnh Quảng Ninh nên hàng ngày tôi thu hoạch rồi gửi xe vận chuyển ra đó, dù vất vả nhưng bù lại giá cao gấp 1,5 - 2 lần so với bán tại ruộng.

Sau hơn 1 tháng trồng, chăm sóc, 1,5 mẫu bí ngô bao tử của gia đình ông Hà Văn Khanh ở thôn Giang, xã Nhân La (Kim Động) đã cho thu hoạch với sản lượng 4 – 5 tạ quả/lứa (khoảng 3 ngày cây bí ngô cho thu hoạch 1 lứa). Ông Khanh chia sẻ: Vụ đông từ lâu đã trở thành vụ mang lại thu nhập chính cho gia đình tôi bởi thu nhập từ trồng cây bí ngô bao tử gấp nhiều lần cấy lúa, lại tiết kiệm chi phí sản xuất và công lao động. Do gia đình tôi có đầu mối tiêu thụ tại tỉnh Quảng Ninh nên hàng ngày tôi thu hoạch rồi gửi xe vận chuyển ra đó, dù vất vả nhưng bù lại giá cao gấp 1,5 - 2 lần so với bán tại ruộng.

Thôn Giang, xã Nhân La là địa phương có truyền thống trồng cây vụ đông sớm của huyện Kim Động. Vụ đông năm 2023, diện tích trồng cây bí ngô bao tử toàn thôn đạt 70 mẫu. Đồng chí Trần Đình Toại, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Giang cho biết: Năm nay, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn dài ngày cuối tháng 9 nên nhiều diện tích trồng bí vụ đông bị ảnh hưởng, chết hoặc sinh trưởng kém khiến thời vụ thu hoạch muộn hơn so với vụ đông năm 2022 khoảng 1 tuần. Trung bình, mỗi sào bí ngô bao tử cho năng suất 5 –6 tấn quả, với giá bán trung bình 5.000 – 8.000 đồng/kg sẽ mang lại thu nhập 3 – 4 triệu đồng/sào. Ngoài bán quả bí bao tử, người trồng còn có thu nhập thêm từ bán nụ và ngọn bí với mức giá 5.000 – 10.000 đồng/bó. Trong thôn hiện nay có 3 cá nhân thu mua nông sản của người dân cung cấp cho các chợ đầu mối ở trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm thu hoạch đến đâu thương lái ra tận ruộng thu mua đến đó, vì vậy nông dân không phải lo đầu ra, cũng không phải mất công vận chuyển.

Những ngày này, trên các cánh đồng của các xã: Hưng Đạo, Nhật Tân, Thiện Phiến, Ngô Quyền… (Tiên Lữ), bà con nông dân đang hối hả chăm sóc, thu hoạch rau màu các loại. Đang thu hoạch ruộng rau cải của gia đình, chị Nguyễn Thị Chúc ở thôn Cao Đông, xã Nhật Tân chia sẻ: Năm nay, gia đình tôi trồng 3 sào cây vụ đông gồm ngô, tỏi, rau cải. Mặc dù đầu vụ thời tiết mưa nhiều nhưng do chăm sóc tích cực nên diện tích rau cải của gia đình tôi phát triển tốt. Thời điểm này, diện tích rau cải đang cho thu hoạch với giá bán tại ruộng từ 5.000 đến 6.000 đồng/bó, cao hơn 2.000 đồng/bó so với tháng trước. Với giá bán này, mỗi sào rau cho thu lãi trên 2 triệu đồng/vụ.

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tiên Lữ, những cây vụ đông sớm như: Bí ngô, bí xanh, dưa chuột, rau màu các loại là cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, dễ trồng và chăm sóc, ít sâu bệnh. Để bảo đảm sản xuất cây vụ đông sớm thắng lợi, ngay từ khi có kế hoạch của tỉnh giao, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng và các địa phương triển khai việc hướng dẫn kỹ thuật giúp nông dân trồng cây rau màu vụ đông sớm trong khung thời vụ tốt nhất, thâm canh theo hướng sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm nay huyện phấn đấu gieo trồng khoảng 800 héc-ta cây vụ đông. Đến ngày 20/10, bà con nông dân đã trồng được khoảng 570 héc-ta; trong đó có khoảng 300 héc-ta cây vụ đông sớm.

Vụ đông năm nay, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng 6.960 héc-ta cây rau màu các loại, trong đó phấn đấu diện tích gieo trồng cây vụ đông sớm đạt khoảng 60 – 70%. Nông dân chủ yếu trồng các loại cây như: Rau, màu các loại; bí các loại; ngô, lạc, đậu tương… Đây là những loại cây ưa ấm, phù hợp với thời tiết đầu vụ, thời gian sinh trưởng ngắn, nhanh cho thu hoạch. Do thu hoạch đầu vụ, cùng với thời điểm giao mùa nguồn cung rau, củ, quả chưa dồi dào… nên thị trường tiêu thụ thuận lợi và được giá. Hiệu quả kinh tế mà cây vụ đông sớm mang lại cao gấp 1,5 – 2 lần so với cây vụ đông chính vụ.

Cây vụ đông sớm là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Với trình độ thâm canh cao, cùng với việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã giúp nông dân khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ gieo trồng. Đây là những yếu tố giúp nâng cao năng suất, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Bên cạnh niềm vui thu hoạch, tiêu thụ cây vụ đông sớm, nông dân các địa phương đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng nhóm rau, củ ưa lạnh (cà chua, cải bắp, su hào, khoai tây…) để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Bảo vệ, chăm sóc đàn vật nuôi trong mùa nắng nóng

    Trước tình hình nắng nóng kéo dài, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) tỉnh Bình Định đã chủ động hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ và chăm sóc tốt đàn gia súc, gia cầm.

  • Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Hướng dẫn sử dụng phân bón đúng: Tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính

    Sử dụng phân bón chưa hợp lý và chưa hiệu quả đang là vấn đề lớn trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập hạn chế và hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng thấp. Vậy làm thế nào để sử dụng phân bón đúng nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, không làm ảnh hưởng đến lợi ích của người nông dân?

  • Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    Nông dân Kon Tum trồng hoa hồng Bulgaria

    UBND xã Tê Xăng (huyện Tu Mơ Rông) vừa phối hợp với người dân làng tái định cư Tu Thó tổ chức trồng 4.000 cây hoa hồng Bulgaria trên diện tích 5.000m2.

  • Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Hứa hẹn đem lại thu nhập cao với mận hồng

    Giống mận hồng mới trái to, thịt chắc, ăn giòn, ngọt được anh Trần Ngọc Quận (44 tuổi, ngụ ấp Thành Lộc, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) trồng thành công và cho trái đạt trọng lượng lên đến 5 trái/kg.

  • Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Lan tỏa phong trào khởi nghiệp của thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa

    Để khơi dậy và lan toả phong trào khởi nghiệp của thanh niên nói chung và thanh niên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hoá nói riêng, Tỉnh đoàn Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp.

  • Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Mô hình “độc, lạ” - nuôi gà, vịt làm thú cưng

    Anh Phạm Minh Biên (36 tuổi, ngụ xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) sưu tầm nhiều giống gà, vịt “độc, lạ” như gà sư tử Ba Lan, gà Serama, vịt gọi… mang về nhân giống bán, cho thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.

Top