Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 9 năm 2023 | 10:6

Nhiệm vụ xuyên suốt

Hiểu rõ vai trò đặc biệt của giáo dục và đào tạo trong xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, 78 năm trước, ngay sau khi Tuyên ngôn độc lập – tuyên bố khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 2/9/1945), dù bận rộn với bao công việc của một Nhà nước công nông non trẻ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bác Hồ kính yêu vẫn dành thời gian viết thư gửi học sinh cả nước nhân ngày khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tháng 9 năm 1945.

Trong thư Bác bày tỏ niềm mong muốn và căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.

Lời căn dặn và tâm nguyện của Bác đã trở thành nhiệm vụ xuyên suốt của toàn Đảng, toàn Dân ta trong suốt 78 năm qua và mãi đến mai sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ các học sinh có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua học tốt ở Hà Nội (ngày 19/05/1958). Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngoài những khó khăn về mọi mặt của nhà nước công nông non trẻ, đất nước ta đứng trước thực trạng trên 90% dân số mù chữ do hậu quả của chính sách ngu dân mà Thực dân Pháp để lại sau hơn 80 năm đô hộ. Bởi vậy, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là “diệt giặc dốt”.

Ngày 4/10/1945, Người ra lời kêu gọi Chống nạn thất học. Trong đó Người nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Thực hiện khát vọng Thịnh vượng của dân tộc, 78 năm qua, ngay cả khi đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm, dù gian khó nhiều mặt nhưng Đảng ta luôn khẳng định “giáo dục là quốc sách hàng đầu” và luôn đặc biệt quan tâm đến việc học tập của các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ.

Kết quả là, chúng ta đã đạt những kết quả ấn tượng trên mặt trận này. Đặc biệt, theo Báo cáo của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc – UNDP, Việt Nam đã về đích trước hơn 10 năm về phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi Olympic các môn học đều đoạt giải, xếp thứ hạng cao…

Trên tinh thần kế thừa quan điểm của Đảng về giáo dục - đào tạo  các giai đoạn trước, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, Đại hội XIII của Đảng – theo các chuyên gia quốc tế và trong nước, đây là Đại hội xây dựng kế hoạch, bước đi, mục tiêu để thực hiện khát vọng trở thành quốc gia Thịnh vượng và Hạnh phúc vào năm 2045, năm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - đã xác định rõ: Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người với yêu cầu xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Cũng tại Đại hội XIII của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 -2030 đã được thông qua với nhiều chỉ tiêu cụ thể và 3 đột phá chiến lược, trong đó, đột phá đi đầu về thể chế, tiếp đó, Đảng ta xác định đột phá thứ hai là về nguồn nhân lực và thứ ba là về kết cấu hạ tầng.

Việt Nam đã về đích trước hơn 10 năm về phổ cập tiểu học và trung học cơ sở. Trong ảnh: Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Chấn Hưng (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) trong giờ học. Ảnh: Trà Hương.

Theo đó, văn kiện nêu rõ: Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.

Theo các chuyên gia giáo dục, đây là nội dung mới, đề cập cụ thể việc giáo dục - đào tạo phải làm “phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế”.

Trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay, khi khoa học kỹ thuật, công nghệ đã trở thành lực lượng sản xuất xã hội trực tiếp thì vai trò đầu tàu của giáo dục và đào tạo càng rõ ràng. Hiện nay, thế giới đang trong giai đoạn đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền tảng công nghệ số thì việc xây dựng kinh tế số, xã hội số và công dân số là bước đi nhanh nhất để chúng ta bắt kịp, cùng song hành với các quốc gia phát triển hàng đầu. Đây là cơ hội để dân tộc ta, đất nước ta bứt tốc.

Để thực hiện nhiệm vụ này, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ hàng đầu. Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cùng với trách nhiệm của toàn Đảng, toàn Dân, nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo là đặc biệt quan trọng trong dạy người, dạy nghề, nâng cao kỹ năng lao động, sáng tạo và khả năng thích ứng cho nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao chính là nguồn tài nguyên quan trọng nhất đưa Việt Nam ta tiến lên “sánh vai các cường quốc năm châu”.

Bởi vậy, đổi mới giáo dục - đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ xuyên suốt của toàn Đảng, toàn Dân ta.

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top