Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 21 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 30 tháng 1 năm 2024 | 10:24

Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở Hòa Bình cho hiệu quả cao

Ở Hòa Bình, những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp từ nuôi lợn đen, dê, trồng gai xanh đến rau an toàn… đều cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Đà Bắc phát triển mạnh nuôi lợn đen bản địa

Những năm qua, trên địa bàn huyện Đà Bắc phát triển mạnh nuôi lợn đen bản địa. Với điều kiện thuận lợi về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, nguồn giống lợn bản địa thuần chủng, lợn đen bản địa nuôi ở huyện được khách hàng ưa chuộng vì chất lượng thịt thơm ngon. Tại xã vùng cao Đoàn Kết, giống lợn đen tai nhỏ được nuôi khá phổ biến, nhiều hộ tập trung phát triển nuôi giống lợn này thành kinh tế chủ lực.

Như gia đình anh Lò Văn Tuất, xóm Khem, sau nhiều năm nuôi trâu, bò nhưng gặp nhiều khó khăn vì giá bán xuống thấp, năm ngoái đã quyết định đầu tư chuồng trại để nuôi thêm lợn đen bản địa. Với diện tích đất đồi 1ha, anh Tuất quây lưới xung quanh để thả lợn. Sau gần 1 năm, gia đình anh phấn khởi khi lứa lợn vừa rồi được thương lái đến tận nhà thu mua, giá bán 100 - 110 nghìn đồng/kg. 

Gia đình anh Lò Văn Tuất, xóm Khem, xã Đoàn Kết (Đà Bắc) vừa bán 27 con lợn đen bản địa, thu được một khoản tiền để sắm Tết. 

"Trên này điều kiện rất thích hợp để nuôi lợn bản địa. Giống lợn này chậm lớn, 1 năm nuôi chỉ đạt khoảng 20 - 30kg, để đạt trọng lượng 50 - 60kg phải nuôi 2 - 3 năm. Tuy nhiên, do nuôi hoàn toàn bằng nguồn thức ăn có sẵn từ nông nghiệp nên chi phí đầu tư thấp, tính ra hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định. Gia đình tôi vừa xuất bán 27 con, bình quân khoảng hơn 20kg/con, có được một khoản để trang trải trong dịp Tết này”, anh Tuất chia sẻ. 

Được biết ở xóm Khem nhiều hộ cũng chú trọng nuôi lợn đen bản địa. Gia đình ông Xa Văn Mân đang nuôi vài con lợn nái và trên 30 con lợn thịt. Vừa rồi gia đình ông Mân cũng xuất bán 17 con lợn thịt, thu được một khoản tiền đủ để sắm Tết. Ông Mân cho biết, những con lợn còn lại trọng lượng từ 15 - 20kg, dự kiến sẽ bán hết trước Tết Nguyên đán.  

Ở huyện Yên Thuỷ cũng có nhiều hộ chú trọng nuôi các giống lợn đặc sản, lợn bản địa. Gia đình chị Vũ Thị Nga, xóm Trung Hoa, xã Phú Lai khoảng 2 năm trở lại đây đầu tư trang trại chăn nuôi lợn đen, lợn rừng với số lượng vài trăm con/năm. Theo chị Nga, việc tiêu thụ lợn của gia đình khá thuận lợi, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết khi nhu cầu khách hàng tăng cao. Trang trại của gia đình chị Nga hiện nuôi 20 con lợn nái, đây đồng thời là nguồn cung con giống để chị nuôi lợn thương phẩm. Chị Nga cho biết, thời điểm này trang trại đã cung cấp lợn cho một số khách hàng đặt, ước trong dịp Tết này bán ra thị trường 100 con lợn thương phẩm.  

"Nhìn chung thị trường lợn Tết năm nay vẫn khá sôi động, việc tiêu thụ lợn thuận lợi, giá bán ổn định. Hiện nay, giá lợn rừng dao động từ 100 - 150 nghìn/kg lợn hơi, tùy vào độ tuổi lợn non hay già và khu vực khách hàng mua lợn ở gần hay xa. Không chỉ bán cho khách đến mua tại trang trại, gia đình còn ship hàng cho những khách đặt ở xa và các tỉnh lân cận”, chị Nga cho biết thêm. 

Có thể nói, với chất lượng thịt thơm ngon, các loại lợn đặc sản nguồn gốc bản địa là một trong những thực phẩm đắt hàng dịp Tết. Ông Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hiện nay, các giống lợn bản địa được nuôi phổ biến, nhất là ở các xã vùng cao trong tỉnh, thuận lợi về nguồn thức ăn và điều kiện chăn thả. Không chỉ trong dịp Tết, giá bán lợn bản địa có xu hướng ổn định nên đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn tỉnh đã có một số hợp tác xã chăn nuôi, tiêu thụ lợn bản địa, đầu ra ngày càng ổn định hơn. Đây cũng là vật nuôi được tỉnh chú trọng chăn nuôi ở quy mô nông hộ, nhất là khu vực vùng cao có những điều kiện thích hợp. Ngoài ra, thời điểm này, giá lợn trắng cũng  tăng từng ngày, với mức trên 60 nghìn đồng/kg ở trang trại, khoảng 58 nghìn đồng/kg ở nông hộ. Giá bán như vậy là tín hiệu tích cực đối với người chăn nuôi khi Tết Nguyên đán đã cận kề. 

Gai xanh Tú Sơn kỳ vọng trở thành cây xóa đói, giảm nghèo

Trong những năm gần đây, với tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, nhiều loại cây trồng mới xuất hiện trên đồng đất xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, thay đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, gai xanh là một trong những cây trồng đang được nhân rộng, kỳ vọng là loại cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Nông dân xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi thu hoạch cây gai xanh.

Tháng 6/2021, ông Bàn Văn Tường, xóm Thung Dao Bắc là người đầu tiên đưa cây gai xanh về trồng với diện tích trên 2.000m2. Ông Tường cho biết: "Cây gai xanh dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Đối với cây trồng mới thường cho thu hoạch sau 4 tháng, các vụ kế tiếp thu hoạch sau khoảng 40 - 50 ngày. Trung bình 1 ha gai xanh cho thu khoảng 2 tấn vỏ khô, giá trị đạt từ 80 - 100 triệu đồng/ha. Trong quá trình trồng, gia đình nhận được sự hỗ trợ về giống, máy tuốt, hướng dẫn về khoa học kỹ thuật của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình - đơn vị nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con”.

Nhận thấy trồng gai xanh có hiệu quả, hiện trên địa bàn xã Tú Sơn có gần 50 hộ trồng với tổng diện tích trên 30 ha. Gai xanh là cây đa tác dụng, vỏ dùng làm nguyên liệu dệt những loại vải cao cấp, lá dùng làm bánh gai, thức ăn cho gia súc, gia cầm. Lõi cây gai có thể dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm giá để trồng nấm và làm phân bón hữu cơ. Mặt khác, cây gai xanh AP1 là cây lưu gốc, việc đầu tư làm đất, cây giống và công trồng chỉ thực hiện 1 lần nhưng cho thu hoạch trong vòng 8 - 10 năm. Điều quan trọng là toàn bộ vỏ gai khô được HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình thu mua với giá 39 nghìn đồng/kg.

"Trước đây, với diện tích trên 2.800m2, gia đình tôi chỉ trồng ngô, sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao, năng suất thấp, vận chuyển khó khăn. Hơn 2 năm nay, trên diện tích đất ấy gia đình tham gia mô hình chuỗi liên kết trồng cây gai xanh. Nhờ được chăm sóc chu đáo, đúng quy trình kỹ thuật, toàn bộ diện tích cây gai xanh đã trồng đều sinh trưởng, phát triển xanh tốt, đồng đều, cho năng suất, thu nhập ổn định, cao gấp 2 - 3 lần so với trồng ngô” - chị Bùi Thị Dụng, xóm Kim Bắc cho biết.

Để mở rộng vùng sản xuất trồng gai xanh, với mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thời gian qua, Đảng ủy, chính quyền xã Tú Sơn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; chủ động phối hợp cán bộ kỹ thuật Công ty cổ phần nông nghiệp An Phước và HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật và hỗ trợ gần 10 máy tuốt vỏ gai luân chuyển cho các hộ sử dụng.

Ông Bạch Công Dương, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết: "Hiện, xã chủ yếu phát triển rộng diện tích trồng gai xanh tại Thung Rếch, bởi nơi đây có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp. Để bà con đồng thuận, tham gia nhân rộng mô hình, xã khuyến khích đảng viên làm trước, người thật, việc thật và hiệu quả thật. Lên Thung Rếch giờ đây bao trùm màu xanh bạt ngàn của gai xanh. Từ trồng gai xanh đã góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 lên 43,9 triệu đồng, vượt 2,1% kế hoạch, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 15,28%, giảm 4% so với cùng kỳ”.

Hiệu quả từ mô hình nuôi dê chăn thả

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những năm gần đây, tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi, đồi núi rộng, thích hợp cho việc chăn thả, nhiều hộ trên địa bàn xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc phát triển mô hình nuôi dê. Hướng đi này đã, đang được nhân rộng, mở ra nhiều triển vọng kinh tế cho người dân.

Hộ dân xóm Giác, xã Phú Vinh (Tân Lạc) phát triển chăn nuôi dê cho hiệu quả kinh tế cao.

Thăm trang trại nuôi dê của gia đình anh Đinh Công Thơ, xóm Giác, đàn dê gần 50 con được thả nuôi trong khu chuồng rộng nằm tách biệt giữa vườn và nhà ở. Anh Thơ cho biết: "Trước đây, tôi chỉ nuôi vài con dê lấy thịt khi gia đình có việc. Sau một thời gian chăn nuôi thấy hiệu quả kinh tế, tôi bắt đầu tái và tăng đàn qua từng năm. Dê ưa không gian thoáng nên tôi xây dựng chuồng trại cao trên 1m. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau 11 năm, từ 4 con dê cái sinh sản ban đầu, số lượng đàn dê tăng dần, có thời điểm trên 100 con, chủ yếu là dê boer lai Bách Thảo và dê cỏ. Nuôi dê vốn đầu tư ít lại quay vòng thu vốn nhanh, không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao”. 

Theo anh Thơ, nguồn thức ăn cho dê rất phong phú nên gia đình chủ yếu nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên để dê tự tìm kiếm thức ăn. Hầu như tất cả các loại lá cây rừng đều có thể là thức ăn của chúng. Dê cũng có sức đề kháng cao, chịu khó tự kiếm ăn nên phù hợp với chăn thả. Buổi tối khi lùa dê về chuồng bổ sung thêm nước uống, các loại lá như lá mít, thân cây chuối trộn muối… tùy vào đối tượng dê trong đàn như dê mang thai, dê nuôi con bú, dê thịt vỗ béo sắp xuất chuồng… Sau 6 - 7 tháng nuôi, dê đực đạt trọng lượng từ 30 - 40 kg/con đối với dê boer lai Bách Thảo, dê cỏ từ 20 - 30 kg/con có thể xuất bán, giá bán dao động từ 140 - 150 nghìn đồng/kg. Đối với dê cái chọn lựa những con có ngoại hình đẹp để tăng đàn hoặc thay thế những con sinh sản kém hay nhiều tuổi. Thời gian tới, gia đình anh    tiếp tục mở rộng quy mô chuồng trại để đáp ứng đủ số lượng dê    thương phẩm xuất ra thị trường. Anh cũng sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân quanh vùng muốn khởi nghiệp từ mô hình nuôi dê.

Ông Đinh Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết: "Trên địa bàn xã có trên 20 hộ phát triển mô hình nuôi dê với tổng đàn trên 1.000 con. Hộ nuôi nhiều nhất gần 200 con, hộ nuôi ít từ 30 - 40 con. Hàng năm xã phối hợp các ban, ngành liên quan tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi cho các hộ dân. Với ưu điểm ít vốn, dễ mua dễ bán, mô hình nuôi dê lấy thịt  dần trở thành cứu cánh cho nhiều hộ nghèo ở xã. Trong khi chăn nuôi trâu, bò gặp khó khăn về nguồn vốn, điều kiện chăn thả, giá cả bấp bênh... thì nuôi dê là lựa chọn phù hợp, bởi dê là động vật ăn tạp, nguồn thức ăn phong phú. Để mô hình phát triển bền vững tiến tới nhân rộng, xã tiếp tục phối hợp các cơ quan chức năng của huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho đàn dê; đồng thời hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để bà con có điều kiện tăng số lượng đàn. Mong nhận được sự quan tâm của chính quyền, cơ quan chức năng trong việc tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi cho nông dân, tìm đầu ra cho sản phẩm; hỗ trợ nông dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư chăn nuôi, từ đó phát triển bền vững nghề nuôi dê chăn thả, góp phần nâng cao đời sống người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương.

Kim Bôi: Sản xuất rau an toàn hướng đến nền nông nghiệp sạch

Vệ sinh an toàn thực phẩm đã và đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Trước thực trạng đó, huyện Kim Bôi chú trọng phát triển sản xuất rau an toàn – tạo tiền đề cho một nền nông nghiệp sạch.

Trồng bí xanh là mô hình phát triển kinh tế đem lại thu nhập ổn định cho người dân xã Đú Sáng (Kim Bôi).

Được thành lập từ năm 2018 với 26 thành viên, thời gian qua, HTX dịch vụ sản xuất rau an toàn nông thôn Bãi Xe, xã Nam Thượng đã chủ động xây dựng vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn theo mô hình hợp đồng giữa doanh nghiệp và người sản xuất. Theo đó, với diện tích sản xuất 6,5 ha, HTX sẽ chịu trách nhiệm cung cấp kỹ thuật, công nghệ, đầu tư vốn cho nông dân, tổ chức thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm. Người nông dân chỉ chuyên tâm vào sản xuất theo quy trình, kỹ thuật của HTX. Để có được sản phẩm rau an toàn, HTX thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để nhận chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo.

Ông Bùi Văn Bi, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất rau an toàn nông thôn Bãi Xe cho biết: "Khi mới thực hiện sản xuất rau an toàn, HTX gặp không ít khó khăn, việc sản xuất rau theo hướng hàng hóa người dân đã có truyền thống nhưng trồng rau sạch theo tiêu chuẩn thì không phải hộ nào cũng áp dụng. Bằng sự tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật tận tình, cặn kẽ và giám sát trong suốt quá trình sản xuất của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, người dân đã sản xuất thành công. Hiện nay, sản lượng rau an toàn của HTX đạt từ 15 - 18 tấn/ha, doanh thu đạt khoảng 180 triệu đồng/ha/vụ với sản phẩm chủ yếu là dưa chuột và lặc lày”.

Trong những năm qua, Đú Sáng luôn được đánh giá là một trong các xã dẫn đầu của huyện về diện tích và giá trị trong sản xuất các loại cây màu đem lại hiệu quả cao như: bí xanh 107 ha trồng vụ mùa, bí đỏ 98 ha ở vụ xuân. Để cây màu sinh trưởng, phát triển tốt, xã tuyên truyền, vận động bà con chú trọng thâm canh, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, nông nghiệp sạch; ưu tiên các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, sản xuất theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm… Hiện nay, người dân trên địa bàn xã thực hiện liên kết với 4 công ty để phát triển chuỗi sản xuất trồng mướp đắng, bí đỏ lấy hạt, trồng bí xanh thương phẩm... Với định hướng phát triển cây rau, màu có giá trị kinh tế, ban chỉ đạo sản xuất xã Đú Sáng không chỉ chú trọng nâng cao năng suất mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách giúp bà con thay đổi tập quán canh tác, áp dụng kỹ thuật sản xuất công nghệ cao, tìm đầu ra ổn định cho cây trồng. Qua đó, giúp các hộ có nguồn thu nhập xứng đáng từ đồng ruộng…

Ông Bùi Văn Thuấn người trồng bí xanh tiêu biểu của xã Đú Sáng phấn khởi cho biết: "Để có sản phẩm tốt, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, chúng tôi tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình từ làm đất, chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch... Trồng rau sạch không khó, nhưng đòi hỏi sự chăm chỉ, tỉ mỉ, bù lại cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa”.

Đến nay, huyện Kim Bôi có trên 210 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong huyện hình thành các vùng trồng bí xanh, dưa chuột, tập trung tại các xã: Nam Thượng, Sào Báy, Kim Lập, Đú Sáng với diện tích khoảng 30 ha/vùng; vùng trồng khoai tây tại xã Vĩnh Đồng; vùng trồng cây ăn quả có múi tại các xã: Tú Sơn, Kim Lập, Vĩnh Tiến, Mỵ Hoà, diện tích khoảng 100 ha/xã; duy trì 16 chuỗi liên kết sản xuất với giá trị thu nhập bình quân từ 50 - 100 triệu đồng/ha/vụ.

"Xác định sẽ phát triển rau quả trở thành ngành hàng quan trọng của huyện theo hướng bền vững, đảm bảo hiệu quả, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, huyện Kim Bôi đã và đang tập trung nhiều giải pháp như: Quy hoạch và hỗ trợ phát triển vùng sản xuất chuyên canh rau an toàn. Chuyển một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng rau củ quả, nhất là ở các địa phương có điều kiện thuận lợi về giao thông và thổ nhưỡng. Hỗ trợ các xã, thị trấn dồn thửa, đổi ruộng để tăng quy mô sản xuất rau, phục vụ quy hoạch vùng chuyên canh rau. Đồng thời, hỗ trợ hình thành các HTX kiểu mới, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất, doanh nghiệp chuyên sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để tăng tính cạnh tranh cho nông sản Kim Bôi trên thị trường”, ông Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết.

Với sự chăm chỉ, chọn những cây, con phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, Hòa Bình sẽ xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển hiệu quả, xa hơn sẽ hướng đến sản xuất hàng hóa lớn, nhằm gia tăng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường, sớm đưa đời sống của người dân ngày càng cao.

Theo baohoabinh.com.vn

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Cà Mau: 1.860ha tôm-rừng đạt chứng nhận ASC Group

    Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas trao chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng ở xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đây là chứng nhận ASC Group mô hình tôm - rừng đầu tiên lớn nhất ở Việt Nam và thế giới.

  • “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    “Quả ngọt” từ cây riềng đỏ trên đất bazan

    Trải rộng cả một vùng đất đỏ bazan gần 100 ha là màu xanh của riềng đỏ, loại cây dễ trồng, dễ tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tổ chức sản xuất và thu nhập của xã nông thôn mới Công Liêm (Nông Cống - Thanh Hóa).

  • Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Kỳ Sơn phát triển trồng dược liệu quý: Cơ hội và thách thức

    Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.

  • Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Xây dựng mô hình sản xuất cây ăn quả VietGAP

    Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bến Tre (Trung tâm) đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, dự án khuyến nông hỗ trợ nhà nông sản xuất các loại nông sản chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

  • Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Khởi nghiệp xanh từ phân trùn quế

    Anh Lê Minh Vương ở thôn Tân Sơn 1, xã Thành Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) là một trong 85 doanh nông nhận được thư khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với dự án khởi nghiệp xanh tạo ra những sản phẩm phân bón hữu cơ từ trùn (giun) quế.

  • Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Nông dân Bảo Yên tham quan học tập kinh nghiệm nuôi trùn quế

    Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.

Top