Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 5 tháng 4 năm 2023 | 9:5

Những chương trình kinh tế - xã hội nhân văn

Các chính sách xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, trên diện rộng đã mang lại nhiều thành tựu trong thực hiện công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ giúp bà con dân tộc La Hủ ở bản Hà Si, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu khai hoang ruộng trồng lúa để bảo đảm lương thực tại chỗ. Ảnh: TTXVN.

Với mục tiêu xuyên suốt: Tất cả đều vì ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, nên trong suốt hành trình hơn 93 năm qua của Đảng, nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới (năm 1986) đến nay, đặc biệt là trong khoảng 20 năm trở lại đây, các chính sách xã hội được triển khai tương đối đồng bộ, trên diện rộng đã mang lại nhiều thành tựu trong thực hiện công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ Xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Theo đó, ba chương trình mục tiêu quốc gia là điểm nhấn rõ ràng nhất.

Đầu tiên là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Báo cáo kết quả sau 10 năm (2012 -2022) triển khai cho biết, tỷ lệ giảm nghèo giảm liên tục, từ 14,2% năm 2010 xuống 4,5%  năm 2015; giai đoạn 2016 -2020, mặc dù điều chỉnh nâng chuẩn nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn đều đặn giảm, từ 7,9% năm 2016 xuống còn 2,75% năm 2020. Về nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, thu nhập bình quân hộ nghèo đến cuối năm 2015 tăng gấp 1,5 lần so với năm 2010;  năm 2020 thu nhập bình quân hộ nghèo tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015, trong đó, thu nhập hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2015 tăng gấp 2 lần so với năm 2010 và đến năm 2020 tăng gấp 2,3 lần so với năm 2015...

Thứ hai là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chỉ tính trong 10 năm qua, đã giảm 6.954 thôn bản và 406 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 24%, bình quân trong 5 năm giảm 5,65%/năm, vượt mục tiêu Quốc hội giao.

Thứ ba là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng. Với mục tiêu: Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn từng bước hiện đại; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xây dựng nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vững an ninh - trật tự; tăng cường hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân...

Sau hơn 10 năm thực hiện, với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng xã hội và sự hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân, đến tháng 7/2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn NTM; 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM; 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM; 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thu nhập của người dân năm 2020 tại khu vực nông thôn tăng nhanh hơn khu vực thành thị và mức tăng chung của cả nước trong giai đoạn 2010-2020. Thu nhập bình quân đầu người/tháng khu vực nông thôn năm 2020 đạt gần 3,5 triệu đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2016 và gấp 3,25 lần so với năm 2010. Khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nông thôn và khu vực thành thị giảm dần, năm 2010 thu nhập của khu vực thành thị là 2,1 triệu đồng, gấp 2 lần khu vực nông thôn (1 triệu đồng), giảm xuống còn 1,7 lần năm 2020 (thu nhập khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, nông thôn đạt 3,4 triệu đồng).

Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về xoá đói, giảm nghèo trước gần 10 năm, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới. Đây chính là kết quả của các chương trình kinh tế - xã hội do Đảng lãnh đạo, chỉ đạo những năm qua.

Mặc dù vậy, ngày 30/3 vừa qua, tại cuộc họp của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, cho ý kiến về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, thống nhất đánh giá, việc triển khai có hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; mang lại những thành tựu to lớn trong thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng... Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, chính sách xã hội còn thiếu tính bao trùm, thiếu liên kết giữa các chính sách trong tổ chức thực hiện, tỷ lệ bao phủ thấp. Chênh lệch mức sống giữa các vùng, miền, nhóm đối tượng còn lớn. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chuẩn nghèo và chuẩn trợ cấp còn thấp...

Bộ Chính trị khẳng định, việc tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả chính sách xã hội là nhiệm vụ chiến lược, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của phát triển.

Bộ Chính trị nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện chính sách xã hội toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững, lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực để phát triển.

Với tầm nhìn và phương pháp hành động mới, chúng ta tin rằng, Việt Nam sẽ tiếp tục đi đầu trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030.

 

 

Thanh Hiền
Ý kiến bạn đọc
Top