Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 26 tháng 6 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 11 năm 2022 | 15:3

Những mô hình kinh tế nông nghiệp thu nhập cao ở Yên Bái

Nuôi cá, tằm, trồng cây ăn quả… tại nhiều địa phương của tỉnh Yên Bái những năm gần đây giúp bà con làm giàu và nông thôn ngày càng đổi mới.

Yên Bình phát triển các sản phẩm cá hồ Thác Bà

Huyện Yên Bình được giao quản lý trên 15.000 ha mặt nước hồ Thác Bà nằm trên địa bàn 20 xã, thị trấn. Đây là tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển ngành nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, từ năm 2019, sản phẩm cá đặc sản hồ Thác Bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái”.

Sản phẩm cá sấy hồ Thác Bà của HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Bình được nhiều khách hàng tin dùng. Ảnh: Báo Yên Bái

Dựa những lợi thế trên, huyện Yên Bình đẩy mạnh phát triển các sản phẩm cá hồ Thác Bà theo hướng liên kết chuỗi giá trị gắn với bao tiêu sản phẩm thông qua việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh đăng ký 13 ngành nghề kinh doanh. Song, HTX xác định ngành nghề kinh doanh chính là đánh bắt, chế biến và cung ứng các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là đặc sản "Cá hồ Thác Bà”. Theo đó, HTX đã đầu tư đồng bộ hệ thống sấy nhiệt và bảo quản hiện đại được nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản để phục vụ chế biến cá sấy theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Bà Đồng Thị Hiền - Giám đốc HTX cho biết: "Năm 2020, HTX có 2 sản phẩm là: cá mương sấy và cá rô phi lọc xương sấy được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để đạt tiêu chuẩn 2 loại cá này, ngoài việc đảm bảo tươi ngon, khi chế biến, được tẩm ướp gia vị đặc trưng của Tây Bắc, sau đó, cá được sấy chín thủ công bằng nhiệt, không sử dụng chất bảo quản. Sản phẩm của chúng tôi được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng và yên tâm về nguồn gốc, xuất xứ”. 

Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX ứng dụng chuyển đổi số trong khâu tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên của HTX tích cực sử dụng mạng xã hội: Facebook, Zalo, Tik tok… đăng tải hình ảnh, video về quá trình nuôi trồng, đánh bắt, chế biến. 

Đồng thời, HTX nâng cao chất lượng sản phẩm với hệ thống tem truy xuất nguồn gốc, bao bì tiện lợi, đẹp mắt. HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Bình được thành lập tháng 8/2020 với mong muốn phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, đưa sản phẩm đặc sản cá hồ Thác Bà đến với người tiêu dùng, HTX đã có 4 sản phẩm cá được công nhận OCOP 3 sao. 

Bà Hoàng Thị Chinh - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Bình chia sẻ: "Được chứng nhận OCOP đồng nghĩa với việc sản phẩm đã được cơ quan chức năng công nhận về nhiều tiêu chuẩn nên khách hàng rất yên tâm khi mua sản phẩm của chúng tôi”. 

Yên Bình hiện có 2 doanh nghiệp, 5 HTX và trên 300 hộ dân, nuôi 1.850 lồng cá và trên 230 ha diện tích mặt nước quây lưới nuôi cá. Sản lượng thủy sản hàng năm đạt gần 8.000 tấn. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2022, sản lượng thủy sản trên địa bàn huyện đạt 5.900 tấn đạt 74,7% kế hoạch. Giá trị thủy sản hàng năm tăng bình quân 31,5%, chiếm 21,5% tỷ trọng cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.

Nhiều sản phẩm cá hồ Thác Bà đã được xếp hạng OCOP 3 sao, 4 sao. Đến nay, đã có 6 sản phẩm cá hồ Thác Bà được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Mới đây 4 sản phẩm: chả cá lăng sạch, giò cá lăng sạch, xúc xích cá lăng sạch và ruốc cá lăng sạch hồ Thác Bà của Công ty TNHH Chế biến thủy sản sạch Hải Hà đã đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp huyện và tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xem xét, đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh. 

Để phát triển các sản phẩm cá hồ Thác Bà gắn với tiêu thụ bền vững cho các tổ chức, cá nhân nuôi cá trên địa bàn, huyện Yên Bình đang đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm thị trường, kết nối cung cầu. 

Ông Lã Tuấn Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết: "Huyện hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thành lập Hiệp hội Nghề cá hồ Thác Bà để làm cơ quan kết nối cung cầu, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ sinh thái vùng hồ; phối hợp với Công ty cổ phần Nghiên cứu và ứng dụng dịch vụ khoa học T&T thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thủy sản liên kết theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng nhà máy sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm thủy sản trên địa bàn huyện với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng”. 

Đặc biệt, để nâng tầm sản phẩm, cùng với việc xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, huyện Yên Bình sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu thông qua các sàn thương mại điện tử để các sản phẩm OCOP cá hồ Thác Bà tiếp tục vươn xa, khẳng định uy tín trên thị trường. Phấn đấu đến năm 2025 phát triển được trên 2.500 lồng cá; sản lượng khai thác đạt trên 9.200 tấn, trong đó 50% sản lượng được qua chế biến xuất khẩu; nâng giá trị thu nhập bình quân nuôi trồng thủy sản đạt 300 triệu đồng/ha.

"Miệt vườn" của miền Tây Yên Bái

Nếu Mường Lò được ví là vùng “gạo trắng nước trong” thì vùng cửa ngõ - xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ được ví như vùng miệt vườn của miền Tây Yên Bái bởi sự đa dạng các loại cây trái. Bàn tay chăm bẵm, cải tạo của những người nông dân cần cù, chịu khó đã khiến vùng đất chẳng mấy màu mỡ này đơm hoa, kết trái.

Vườn cây ăn quả của gia đình ông Đoàn Văn Yêm được canh tác theo phương thức an toàn. Ảnh: Báo Yên Bái.

Dọc con đường đất dẫn đến thôn 8 trơ đá sỏi nhưng lại cơ man các loại cây ăn quả. Ông Hoàng Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Vùng đất này trước đây hoang vu, toàn lau sậy, khó canh tác lắm vì đất lẫn nhiều đá sỏi khô cằn. Ấy vậy mà, chỉ bằng sức người, nhiều hộ dân ở đây đã cải tạo vùng đất này thành vùng cây ăn quả, mang lại thu nhập cao và ổn định như bây giờ. Gia đình ông Trần Bá Đức mà chúng ta đang đến đây được coi là tiên phong”. 

Nhà ông Đức ở cuối con đường đất ấy với bốn bề là cây trái được quy hoạch theo từng khu, phủ kín trên nền diện tích rộng 1,5 ha. Toàn bộ diện tích này được vợ chồng ông Đức tự tay cải tạo từ những năm 1997 đến nay, mỗi năm, cần cù san gạt từng chút. 

Đến nay, khu vườn của ông Đức có 400 gốc thanh long ruột đỏ, 100 cây mận tam hoa, 20 cây táo lai lê và 30 cây hồng xiêm xoài, gần 100 gốc vú sữa Hoàng Kim. Hàng năm, gia đình ông Đức cung cấp ra thị trường trên 10 tấn quả các loại, mang lại thu nhập trên 400 triệu đồng/năm. 

Ông Đức chia sẻ: "Ban đầu, chỉ là vì đam mê nông nghiệp nên làm chứ hoàn toàn tôi không có kiến thức, kỹ năng gì về làm nông; chất đất ở đây cũng khá nhiều đá sỏi, khó canh tác. Lúc ấy, tôi chỉ trồng 1 vài cây ăn quả: dưa hấu, dưa lê, dưa bở để gia đình sử dụng nhưng rồi thấy cây hợp đất, hợp khí hậu nên tôi và vợ mở rộng dần diện tích rồi đưa những giống cây ăn quả mới trồng thử nghiệm trên đất này. Ấy vậy mà cũng thành công...". 

"Như cây vú sữa Hoàng Kim tôi đã trồng được 4 năm; năm nay cho quả bói mà cũng được trên 2 tạ quả với giá bán 80.000 đồng/kg. Tuy đắt nhưng khá nhiều người quan tâm, giới thiệu và tìm đến mua nên cứ chín đến đâu là bán hết đến đó” - ông Đức cho biết. 

Cách nhà ông Đức không xa, vườn cây ăn quả của gia đình ông Đoàn Văn Yêm ở thôn 9 lại là một vùng chuyên canh cam, quýt rộng 1,8 ha với 20 giống cam, quýt khác nhau: BH, V2, CT36... Gia đình ông Yêm có 6 ha đất trồng rừng, song đã xin chuyển 1,8 ha sang trồng cây ăn quả có múi từ những năm 2010. Để có vườn cam như hiện nay, ông Yêm phải thuê máy xúc tạo các đường đồng mức rồi làm cỏ thủ công, cải tạo đất để trồng cam. 

Ông Yêm cho biết: Ngay khi bắt đầu trồng, tôi cũng xác định canh tác theo phương thức an toàn tức là không thuốc diệt cỏ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học. Bởi vậy, mặc dù vùng ngoài chịu ảnh hưởng nặng nề từ căn bệnh vàng lá, thối rễ thì vườn cam của tôi không chịu ảnh hưởng nhiều. Năm vừa rồi, tôi thu 20 tấn quả, thu nhập trên 300 triệu đồng”. 

Gia đình ông Đức, ông Yêm chỉ là 2 trong số gần 200 hộ dân ở xã Nghĩa Lộ trồng cây ăn quả. Từ cây ăn quả, nhiều hộ dân nơi đây không những đã vươn lên thoát nghèo mà còn trở thành hộ khá giả. Cả xã Nghĩa Lộ cũng trở thành vùng cây trái ngọt lành, đa dạng chủng loại: na, nhãn, thanh long, táo, ổi, cam, mận... với tổng diện tích là 242 ha, hàng năm, cung cấp ra thị trường trên 500 tấn quả các loại. 

Sản phẩm quả ở xã Nghĩa Lộ còn trở thành thứ hàng hóa đặc sản mỗi khi du khách đến với các huyện, thị miền Tây của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, sản phẩm này vẫn chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường. 

Để tăng sức cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng xu thế tiêu dùng của thị trường, xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia nâng tầm cho các sản phẩm từ cây ăn quả bằng Chương trình OCOP. 

Ngay sau đó, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nghĩa Lộ đã được thành lập với 12 thành viên. HTX đã nhanh chóng đầu tư đưa 2 sản phẩm: thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh tham gia OCOP. Sản phẩm đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xem xét, đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn cấp tỉnh. 

Ông Hoàng Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ cho biết thêm: "Việc "gắn sao” các sản phẩm đặc trưng lợi thế địa phương không những nâng tầm cho sản phẩm mà còn dễ thu hút người dân, chủ thể, doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho sản phẩm. Xã rất mong muốn có doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả đóng trên địa bàn để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm được ổn định”.

Trấn Yên nâng cao giá trị nghề trồng dâu nuôi tằm

Sau 20 năm kể từ ngày bắt đầu đưa cây dâu tằm về Trấn Yên, đến nay, Chương trình trồng dâu nuôi tằm trở thành một trong những chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp chủ lực của huyện.

Ông Nguyễn Duy Ứng giới thiệu về giàn khay trượt của gia đình. Ảnh: Báo Yên Bái.

Hàng năm, trên địa bàn huyện sản xuất 1.000 tấn kén doanh thu 200 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, Trấn Yên có trên 1.500 hộ dân lấy nghề trồng dâu nuôi tằm làm nghề cho thu nhập chính, có 13 hợp tác xã dâu tằm thuộc 12 xã vùng trồng dâu/tổng số 21 xã, thị trấn của huyện. 

Trong sản xuất, ngoài sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ trồng dâu nuôi tằm với các tổ hợp tác, hợp tác xã theo chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, người dân Trấn Yên còn ứng dụng một số kỹ thuật nuôi tằm để tăng sản lượng, chất lượng kén như: đưa giống dâu tiến bộ kỹ thuật mới (giống kháng sâu bệnh, giống cắt cành nâng cao sản lượng lá dâu...) phát triển mở rộng diện tích dâu tằm hàng năm bằng cây giống, hom cành; áp dụng kỹ thuật nuôi tằm con tập trung; áp dụng biện pháp nuôi tằm lớn trên nền nhà; áp dụng cho tắm lên né gỗ ô vuông khi tằm chín thay né tre cũ và mới nhất là áp dụng nuôi tằm lớn trên khay trượt.

Nuôi tằm trên khay trượt là một trong những kỹ thuật nuôi mới giai đoạn nuôi tằm lớn (tầm tuổi 4, tuổi 5). Hiện, trên địa bàn huyện đang thực hiện dự án khoa học và tổ chức triển khai bắt đầu vụ xuân năm 2022 được 1 lứa cuối vụ xuân, tại 3 hộ dân tại các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành, tiến hành thử nghiệm nuôi tằm trên 5 giàn khay trượt cải tiến theo thiết kế mới. Thay đổi phương pháp nuôi tằm, nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, là cơ sở để triển khai, ứng dụng các thành tựu, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. 

Bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho biết: "Bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt qua số liệu theo dõi của thành viên tham gia. Nuôi tằm trên giàn khay trượt giúp tằm không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nồm ẩm nên sinh trưởng khỏe, phát dục đều, ít bị bệnh, chín đều, kén trắng, chất lượng kén tốt hơn so với nuôi tằm trên nền nhà, năng suất kén đạt 17 kg/vòng, năng suất tăng 13,3%”. 

Giàn khay trượt được thiết kế trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế so với áp dụng nuôi tằm trên nền nhà: có thời gian cách ly giữa các lứa nuôi việc vệ sinh nhà, dụng cụ nuôi tằm triệt để, hạn chế bệnh hại tằm. Dễ dàng điều chỉnh được những nhân tố từ môi trường (ẩm độ, nhiệt độ, ánh sáng) ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con tằm, thuận lợi trong việc áp dụng chặt chẽ quy trình kỹ thuật nuôi tằm như: thay phân, san tằm, cho tằm ăn, nhặt tằm bệnh, tằm kẹ, khắc phục các đối tượng như: kiến, thạch sùng, chuột... gây hại tằm. 

Áp dụng nuôi tằm trên khay trượt tiết kiệm được diện tích làm nhà tằm đối với những hộ có diện tích trồng dâu lớn nhưng không có quỹ đất để làm nhà tằm. Theo tính toán, nuôi tằm trên khay trượt sẽ giảm 30% diện tích làm nhà tằm. 

Cùng với đó, công vệ sinh nhà tằm sau lứa nuôi giảm, tương đương giảm chi phí về công lao động 3,2 triệu đồng/ha so với nuôi tằm trên nền nhà. Ông Nguyễn Duy Ứng ở thôn Làng Đồng, xã Tân Đồng cho biết: "Nuôi tằm trên khay trượt khắc phục được những hạn chế, rủi ro trong nghề nuôi tằm do điều chỉnh được nhiệt độ, ẩm độ khi nuôi tằm, tạo được độ thông thoáng, môi trường thích hợp cho tằm sinh trưởng và phát dục, hạn chế bệnh tằm nên tăng năng suất kén tăng so với nuôi tằm trên nền nhà, chất lượng kén tằm tốt, nâng cao giá trị nghề trồng dâu nuôi tằm…”. 

Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trấn Yên, chênh lệch lợi nhuận 1 ha dâu nuôi tằm trên giàn khay trượt so với nuôi tằm trên nền nhà là 27.821.800 đồng/năm.

Việc nuôi tằm trên khay trượt giải phóng sức lao động cho người nuôi tằm, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. 

Ứng dụng kỹ thuật nuôi tằm trên giàn khay trượt hiệu quả sẽ là nơi để các hộ nông dân đến tham quan học tập, áp dụng và làm theo, góp phần mở rộng vùng trồng dâu nuôi tằm, bảo đảm tính bền vững, làm thay đổi diện mạo nông thôn Trấn Yên.

 

V.N (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top