Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 2 năm 2023 | 14:39

Nội lực mới đưa nông nghiệp vươn xa

Kỹ sư, cử nhân bỏ phố về quê để làm nông dân là câu chuyện không mới và đang có xu hướng gia tăng. Tại Đồng Tháp, cũng không khó để tìm thấy những nông dân như vậy.

Phấn khởi hơn khi đây là lớp nông dân trẻ, có trình độ cao và mang trong mình nhiệt huyết về nông nghiệp sạch, hiện đại. Nội lực mới đầy tươi sáng cho nông nghiệp sẽ khởi nguồn từ những nhân tố tích cực ấy.

Vườn sầu riêng của anh Tâm cho sản lượng 12 tấn trái.

Giúp nhà nông làm giàu

Một nông dân tại thị trấn Tràm Chim (Tam Nông) đã thành công với mô hình trồng sầu riêng trên vùng đất lâu nay vốn chỉ quen với cây lúa. Đó là Nguyễn Thanh Tâm (38 tuổi), xuất phát từ kỹ sư Bệnh học Thủy sản và từng tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Cần Thơ.

Tâm cho biết, trước khi trồng sầu riêng trên nền đất lúa nhiễm phèn, anh phải mất 02 năm để cải tạo. Tháng 4/2018, Tâm bắt đầu trồng những cây sầu riêng đầu tiên, với diện tích 1,2 ha (215 gốc sầu riêng giống Ri 6 và Monthong).

Chia sẻ về quyết định trồng loại trái cây đặc sản còn khá “xa lạ” với vùng đất Tam Nông, Tâm cho hay, đây không phải là sự liều lĩnh, mà hoàn toàn có cơ sở. Bởi khi còn ở Đại học Cần Thơ, anh đã đem đất (nơi đang trồng sầu riêng) đi phân tích. Kết quả cho thấy, đây là vùng đất rất phù hợp để trồng cây ăn trái (về độ pH, phù sa, một số vi lượng, nền sét, v.v.) nên nếu chỉ trồng lúa thì quá uổng. Cộng với thông tin anh tìm hiểu được về kỹ thuật trồng, giá trị kinh tế của cây sầu riêng ở vùng đất Ngũ Hiệp (Tiền Giang) đã thôi thúc anh phải trồng sầu riêng tại quê nhà Tam Nông.

Qua 02 đợt cho trái, Tâm cho biết, nhiều người đánh giá cao chất lượng trái sầu riêng anh trồng, về độ ngọt, múi khô và mịn. Vì vậy, anh càng phấn khởi khi thấy mình đã đi đúng hướng.

Trên địa bàn huyện Tam Nông ước có trên 100ha sầu riêng. Để chia sẻ kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm trồng sầu riêng lẫn nhau, Tâm và 21 nông dân khác cùng tham gia Tổ nghề nghiệp Trồng sầu riêng tại thị trấn Tràm Chim, với vai trò là Tổ phó. Tổ nghề hoạt động định kỳ hằng tháng và dự kiến phát triển thành Hội quán về trồng sầu riêng.

Không chỉ trồng sầu riêng, Tâm đang ấp ủ dự định trồng cây dó bầu trên đất phèn Tam Nông với mong muốn khai thác lợi thế tài nguyên của vùng đất này để giúp người nông dân làm giàu hơn trên mảnh đất quê nhà.

Chia sẻ thêm về bước ngoặc trong lựa chọn con đường lập nghiệp, từ một giảng viên đến một nông dân ngày đêm gắn bó với ruộng vườn, Tâm cho hay, làm nông nghiệp chính là đam mê và vốn kiến thức từ giảng đường chính là nền tảng giúp anh tự tin hơn. Những nông dân có kinh nghiệm, kiến thức vững vàng sẽ nắm bắt, ứng phó tốt và đặc biệt là sẽ phát hiện ra những điều mới mẻ để đưa nông nghiệp phát triển lên tầm cao mới.

Nguyễn Thế Ngoan Vinh và những cây Quýt hồng được trồng trong nhà màng.
 

Lan tỏa tư duy, cách làm mới

Bắt nguồn từ mong muốn có những điều mới mẻ cho nông nghiệp, chàng kỹ sư 9X Nguyễn Thế Ngoan Vinh (huyện Lai Vung) lựa chọn con đường lập nghiệp từ nông nghiệp quê hương. Trồng quýt hồng trong nhà màng là mô hình mà Vinh đang nghiên cứu và thử nghiệm.

Sau thời gian phải thực hiện song song giữa việc đi làm cho tập đoàn hàng đầu về lúa gạo, vừa đảm trách kỹ thuật cho mô hình trồng dưa lưới tại gia đình, Vinh quyết định lựa chọn công việc mà anh thấy yêu thích nhất, đó là làm nông nghiệp.

Vinh tự hào khi hiện tại mình là nông dân, nhưng là nông dân được trang bị nhiều kiến thức chuyên môn về nông nghiệp, có cơ hội tiếp cận mô hình nông nghiệp hiện đại. Bằng vốn tiếng Anh có được, Vinh tự học hỏi, tham khảo nhiều phương thức canh tác cây trồng ở các nước phát triển để tích lũy kiến thức, áp dụng cho cây trồng tại địa phương.

Dưa lưới là cây trồng đầu tiên Vinh hiện thực hóa mong muốn làm nông nghiệp của mình. “Thật may mắn khi được ba, mẹ tin tưởng, ủng hộ và bỏ ra khá nhiều tiền cho ý tưởng của mình nên bản thân mình phải có trách nhiệm làm thật tốt”, Vinh chia sẻ. Từ 800m2, rồi đến 2.000m2 và giờ đây anh mở rộng đến 4.0002 dưa lưới trồng trong nhà màng theo công nghệ cao. Năng suất và chất lượng dưa lưới được đánh giá cao, tiêu thụ ổn định, bước đầu mang lại thành công với loại quả có giá trị kinh tế cao này.

Bên cạnh dưa lưới, chàng trai 28 tuổi luôn trăn trở làm thế nào để khôi phục cây Quýt hồng - đặc sản nổi tiếng của huyện Lai Vung. Nhiều người phất lên cũng nhờ cây trồng này. Tuy nhiên, do dịch bệnh vàng lá thối rễ, phương thức canh tác của nhà vườn không phù hợp nên dẫn đến cây chết rất nhiều, diện tích Quýt hồng cũng giảm mạnh. Hiện nay, huyện Lai Vung đang thực hiện đề án bảo tồn và khôi phục Quýt hồng, phương pháp khắc phục bệnh vàng lá thối rễ được đánh giá từng bước mang lại hiệu quả.

Năm 2020, Vinh trồng thử nghiệm 50 gốc Quýt hồng trên diện tích 500m2. Quýt được trồng trong nhà màng, theo công nghệ Israel. Thích ứng với điều kiện trong nhà màng, cộng với sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học và cả phân hóa học có định lượng rõ ràng, tưới bằng hệ thống nhỏ giọt… nên cây đang phát triển khá tốt, so với trồng thông thường thì quýt trồng trong nhà màng phát triển nhanh hơn 2-2,5 lần. Qua 02 năm trồng, có cây đã cao khoảng 3m. Vài tháng nữa sẽ cho xử lý ra hoa để đánh giá chất lượng, năng suất cây trồng.

Trồng trong nhà màng tốn chi phí đầu tư khá lớn, sẽ là rào cản đối với nhiều nông dân. Do đó, Vinh đang thử nghiệm thêm 4.000m2 Quýt hồng trồng trong điều kiện bình thường. Quýt được trồng theo công nghệ cao, những kinh nghiệm từ việc trồng trong nhà màng sẽ được chọn lọc để áp dụng trồng bên ngoài và theo dõi độ thích ứng của cây.

“Hai mô hình trồng Quýt hồng công nghệ cao mà bản thân đang thực hiện, mặc dù quy mô nhỏ nhưng có thể xem là đề tài nghiên cứu khoa học trên cây Quýt hồng Lai Vung, do bản thân tự trích kinh phí, tự nghiên cứu và thực hiện, với mục đích phục hồi cây Quýt hồng theo cách riêng của mình. Nếu mô hình thành công,  sẽ sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho nông dân áp dụng”, Vinh cho hay.

Vinh tự tin chia sẻ thêm: Cách tôi đang làm không phải không có cơ sở, nhiều nước đã trồng quýt trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao. Và giờ đây, tôi đang áp dụng trên thực tế địa phương mình và tinh chỉnh cho phù hợp với cây trồng, điều kiện tự nhiên ở Lai Vung. Vì vậy, tôi tin mình có thể làm được.

Có thể nói, những trí thức trẻ tham gia làm nông nghiệp đang ngày càng tăng, họ lựa chọn nông nghiệp không chỉ để lập thân, lập nghiệp mà còn khẳng định giá trị bản thân, thỏa mãn đam mê được nghiên cứu, ứng dụng kiến thức từ giảng đường vào thực tiễn ruộng đồng. Niềm đam mê ấy, trước tiên là đem lại lợi ích cho chính họ và kế đến là cùng góp nên thành công chung cho ngành nông nghiệp. Lực lượng trẻ ấy chính là nguồn nội lực mới, mạnh mẽ, giàu sức sống, hứa hẹn những thế hệ nông dân chuyên nghiệp cho Đất Sen hồng.

 

Nguyệt Ánh
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Nghệ An: Trên 4.200ha lúa hè thu có nguy cơ thiếu nước tưới

    Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị triển khai đề án sản xuất trồng trọt vụ hè thu-mùa năm 2024.

  • Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Đồng Hỷ phát triển vùng cây ăn quả chủ lực

    Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, những năm qua, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đã khuyến khích nhân dân tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từng bước hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung chất lượng cao.

  • TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 - giống lúa thế hệ mới

    TBT132 là giống lúa được người sản xuất bún, bánh ở miền Trung rất chuộng. Theo tính toán, 1 kg gạo TBT132 sẽ làm ra hơn 3kg bún tươi, nhiều hơn so với các loại gạo khác từ 10 - 15%.

Top