Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 9 năm 2023 | 15:22

Nông dân cao nguyên đá giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững

Từ mô hình hay, cách làm sáng tạo cùng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, cải tạo vườn tạp, nhiều hộ nông dân nơi cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đã thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Càng khó khăn, càng đoàn kết giúp nhau

Theo giới thiệu của ông Nguyễn Thanh Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn, chúng tôi đến thăm gia đình ông dân Vương Văn Khoa (46 tuổi) tại thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là.

Ông Khoa (dân tộc Mông) xuất thân trong gia đình nghèo, đông anh em. “Ở thế kỷ trước, vùng đất này là xứ sở của cây thuốc phiện, nhà nhà trồng thuốc phiện, người người trồng thuốc phiện, tệ nạn xã hội phức tạp, cả thôn, cả xã đều nghèo khó. Sau này, khi được Đảng, Nhà nước quan tâm đưa nhiều loại giống cây trồng, vât nuôi về với bà con; cùng với đó được cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động, giải thích, chúng tôi là người dân trình độ dân trí chưa cao, song dần cũng nhận thức được và tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi”, ông Khoa kể.

Nông dân xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn đoàn kết tương trợ thực hiện cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Trước đây, gia đình ông Khoa thuộc hộ nghèo của xã vì quanh năm chỉ trông vào diện tích đất đai khô cằn khó canh tác. Sau khi được chính quyền địa phương quan tâm, hướng dẫn, giúp đỡ, năm 2018, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân để thực hiện dự án chăn nuôi và trồng trọt tăng gia sản xuất. Ban đầu chỉ có 3 con bò, đến nay, gia đình ông luôn duy trì trên 15 con bò vỗ béo hàng hóa và hàng trăm con lợn cùng hàng nghìn con gia cầm.

Mô hình nuôi bò vỗ béo ở Đồng Văn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Sau khi có thu nhập ổn định, gia đình ông Khoa mở thêm một cơ sở sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng với quy mô diện 400m2 xưởng, sân bãi sản xuất. Ngoài ra, ông còn đầu tư 01 máy uốn, dập gạch và 01 xe tải chuyên chở vật liệu xây dựng để phục vụ nhu cầu của bà con trong vùng và phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương... Hàng năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi tiền tỷ đồng từ chăn nuôi và sản xuất kinh doanh.

Với thu nhập hiện nay, tuy còn ở mức khiêm tốn nhưng đã giúp cho gia đình ông Khoa có cuộc sống tốt hơn. Và điều quan trọng là, ông tạo được công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho 20 lao động là người địa phương. Ngoài ra, ông còn chỉ bảo, hướng dẫn giúp đỡ bằng cách truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi và cách thức sản xuất, kinh doanh cho ít nhất 8 - 12 lao động/năm.

Trong 5 năm qua, ông đã trực tiếp giúp đỡ vốn, vật tư, kỹ thuật cho 6 hộ nghèo, khó khăn trong vùng để vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá - giàu. Với những thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế, nhiều năm liên tục, ông Khoa được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều cấp.

Ông  Vàng Mí Sùng (39 tuổi, dân tộc Mông) ở thôn Lũng Hòa A (xã Sà Phìn), với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, từ học tập kinh nghiệm và được sự hỗ trợ giúp đỡ của ông Vương Văn Khoa, đã mạnh dạn chuyển đổi 846m2 ngô một vụ năng suất thấp sang trồng cây có giá trị kinh tế cao và thâm canh tăng vụ để nâng cao giá trị sản xuất.

Sau khi có vốn dư giả, ông Sùng quyết định mở dịch vụ sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, đầu tư 2 máy dập, 5 xe đẩy, 2 xe tải... ; thu nhập bình quân 500 - 700 triệu đồng/năm. Với tinh thần đoàn kết giúp nhau cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hàng năm ông Sùng tạo công ăn việc làm ổn định cho 10  lao động tại địa phương.

“Ông Khoa và ông Sùng chỉ là hai trong hàng trăm nông dân điển hình của huyện vùng cao biên giới cùng đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết cùng làm giàu và giảm nghèo bền vững ở Đồng Văn đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau cùng thoát nghèo trong vùng đồng bào DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, ông Phạm Đức Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho hay.

Nhân rộng cách làm hay

Ông Lý Mí Vàng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đồng Văn, chia sẻ: Phong trào nông dân đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo triển khai, phát động, đồng thời đây cũng là giải pháp thực hiện mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” của Chính phủ đã và được đông đảo nông dân hưởng ứng tích cực.

Lãnh đạo huyện Đồng Văn thăm mô hình nông dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế tại vườn Sâm Khoai, xã Tả Lủng.

Từ đó xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo, nhiều tấm gương sáng với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ tương thân, tương ái cùng giúp nhau trong sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, cải tạo vườn tạp, giúp nhiều nông dân vùng cao nguyên đá vươn lên thoát nghèo.

Từ phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng nghìn nông dân từ hộ nghèo vươn lên trở thành hộ khá - giàu, điển hình như hộ nông dân Sùng Mí Thò ở xã Sà Phìn, sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ đã mạnh dạn vay vốn nuôi 13 con bò vỗ béo; hộ bà Thào Thị Mai ở xã Lũng Phìn nuôi 10 con bò; hộ Vàng Mí Lình ở xã Sủng Là nuôi 9 con bò vỗ béo…

Bên cạnh đó, trên địa bàn đã hình thành các nhóm có sở thích trong phát triển kinh tế, như: “Nuôi bò hàng hóa” tại thôn Sà Lủng, xã Lũng Táo, quy mô từ 15 con bò trở lên/hộ, mỗi năm xuất chuồng 2 lần, thu nhập  500 - 600 trăm triệu đồng.

Đến nay, toàn huyện có 89 nhóm sở thích, 36 tổ hợp tác và 29 HTX đều do nông dân làm chủ, điểm nổi bật nhất là đã xây dựng thành công 27 sản phẩm được cấp chứng nhận, trong đó có 2 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, bao gồm: mật ong bạc hà, bò vàng Đồng Văn; 01 chứng nhận nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm quả lê; 6 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu và 18 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, hiện nay, Đồng Văn vẫn là một trong 63 huyện nghèo nhất cả nước, địa bàn đông đồng bào DTTS sinh sống, với diện tích tự nhiên gần 45.000 ha, trong đó đất trồng cây hàng năm chỉ chiếm 29,6%; diện tích vùng núi đá chiếm 67,8% tổng diện tích tự nhiên, còn lại là đất phi nông nghiệp. Địa hình phức tạp và chia cắt mạnh, độ cao trung bình 1.200m so với mực nước biển. Diện tích đất canh tác ít, bình quân 0,4ha/hộ; sản xuất thuần nông, độc canh cây ngô một vụ/năm là chủ yếu, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhất là ba chương trình mục tiêu quốc gia, cùng với cách làm sáng tạo, hiệu quà từ phong trào đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, hy vọng Đồng Văn sẽ sớm trở thành điểm sáng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, dần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào DTTS biên giới với miền xuôi.

Hữu Thắng
Ý kiến bạn đọc
  • Làm giàu từ trang trại VAC

    Làm giàu từ trang trại VAC

    Với sự linh hoạt, táo bạo, dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Trung Hiếu đã dồn hết vốn liếng sau bao năm kinh doanh để bắt tay vào cải tạo vùng đất đầm lầy, chua phèn thành trang trại VAC trù phú. Hiện, mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường hơn 200 tấn cá các loại cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác.

  • Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam

    Liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam tại phía Nam

    Mục tiêu Quảng Nam đến năm 2030 là xây dựng Hệ sinh thái khởi nghiệp mở năng động, linh hoạt để kết nối mạnh mẽ mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, quốc tế; tổ chức các diễn đàn, sự kiện khởi nghiệp và phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp vùng, quốc gia, quốc tế.

  • Phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm: Hướng làm giàu hiệu quả

    Phát triển nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch trải nghiệm: Hướng làm giàu hiệu quả

    Tới thăm mô hình dưa lưới (giống Huỳnh Long) công nghệ cao của gia đình anh Hoàng Văn Trang (xóm 6, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), ai cũng phải trầm trồ. Màu vàng óng ả của những trái dưa sắp chín, mọng nước, thơm lừng báo hiệu một vụ mùa bội thu.

Top