Những năm gần đây, các thành viên HTX trồng trọt, chăn nuôi xã Đồng Trung (Thanh Thủy - Phú Thọ) đã chủ động áp dụng mô hình vườn, ao, chuồng (VAC), hình thành chuỗi giá trị khép kín, lấy ngắn nuôi dài, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập...
Trao đổi với phóng viên, ông Phùng Thanh Thản, thành viên HTX trồng trọt, chăn nuôi xã Đồng Trung, cho biết: Trước đây, gia đình rất khó khăn. Qua tư vấn của HTX và nhận thấy quê mình có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế theo mô hình VAC nên tôi quyết tâm học hỏi triển khai thực hiện. Điểm lợi của mô hình này là vốn đầu tư không lớn, có thể tận dụng triệt để các sản phẩm phụ (chất thải) của các phân khúc trong chuỗi để tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo ATTP, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khu vực chăn nuôi lợn của gia đình ông Phùng Thanh Thản là thành viên HTX.
“Ban đầu tôi chỉ có 2 ao thả cá kết hợp với khu vườn trồng cây ăn quả. Sau thời gian canh tác hiệu quả, thông qua HTX, tôi mạnh dạn đăng ký vay vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Phú Thọ để mở rộng quy mô sản xuất. Sau đó, tôi tăng thêm một ao nuôi, chủ yếu thả trắm, chép, rô phi…; xây dựng chuồng nuôi 250 con lợn thương phẩm; diện tích còn lại trồng bưởi Diễn và các loại cây khác”, ông Thản chia sẻ.
Đối với chăn nuôi lợn, toàn bộ chất thải đã được các hộ thành viên đầu tư xây dựng hầm biogas để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và dùng làm nhiên liệu đốt trong sinh hoạt hàng ngày; chất thải lỏng được tạo ra sau quá trình phân huỷ từ hầm biogas là nguồn phân vi sinh rất tốt, được các thành viên tích trữ tưới cho vườn cây ăn quả. Bên cạnh đó, nguồn chất thải là phân được ủ compost tạo ra nguồn phân hữu cơ phục vụ cho cây trồng.
Khu vườn trồng cây ăn quả của HTX.
HTX hiện có 7,5ha bưởi Diễn, 1ha bưởi da xanh, 3ha bơ... Toàn bộ phân chuồng và nước thải chăn nuôi sau khi xử lý được các hộ thành viên sử dụng làm phân hữu cơ bón cho cây trồng trong vườn. Nhiều loại trái cây trong vườn bị hư, thối… được tận dụng làm nguồn thức ăn cho cá, các loài gia súc, gia cầm.
Với 1ha ao nuôi, các thành viên HTX trồng trọt, chăn nuôi xã Đồng Trung chủ yếu nuôi cá trắm, rô phi… Nhiều sản phẩm và nguyên liệu được lấy từ ao là nguồn thức ăn bổ sung có giá trị dinh dưỡng cao cho vật nuôi, tận dụng nước thải từ vật nuôi đã qua xử lý đưa trở lại ao để trở thành nguồn dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của cá.
Ông Đặng Trung Kiên, Giám đốc HTX, cho biết: Mô hình VAC đã mang lại những hiệu quả cho các thành viên HTX như: tăng khả năng sản xuất trên diện tích canh tác, tận dụng được tối đa nguồn thức ăn tự nhiên, tận dụng được lượng lớn phân hữu cơ để bón cho cây trồng và cải tạo đất, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm chi phí sản xuất. Để nhân rộng mô hình cũng như nắm vững quy trình, các thành viên HTX thường xuyên tham gia tập huấn kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt...
Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về phát triển vùng trồng dược liệu quý theo chuỗi giá trị, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo cho bà con người DTTS.
Trong khuôn khổ Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” giai đoạn 2022 - 2024". Hôm nay (23/10), 36 hội viên Hội Nông dân huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã đi tham quan chia sẻ kinh nghiệm mô hình xử lý rác thải hữu cơ, nuôi giun (trùn) quế.